03:11 09/03/2011

Đầu tư theo chuẩn quốc tế: Cứu cánh cho ngành dược

Theo khảo sát mới đây của Bộ Y tế thì các doanh nghiệp (DN) dược nước ngoài chiếm tới 80% thị phần tại Việt Nam. Điều này có nghĩa DN trong nước sẽ bị DN nước ngoài thôn tính?

Theo khảo sát mới đây của Bộ Y tế thì các doanh nghiệp (DN) dược nước ngoài chiếm tới 80% thị phần tại Việt Nam. Điều này có nghĩa DN trong nước sẽ bị DN nước ngoài thôn tính?


Tuy nhiên, một ví dụ sinh động do Giám đốc Công ty cổ phần Dược - Vật tư Y tế Thanh Hóa đưa ra đã chứng tỏ nếu đầu tư theo chuẩn quốc tế, DN dược trong nước sẽ chiếm lại sân nhà. Cụ thể, khi DN chưa đạt GMP - tiêu chuẩn thực hành sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới ( WHO) - sản xuất thuốc chỉ đạt 23,5 tỷ đồng, nhưng sau khi đạt GMP, doanh thu đã tăng gấp 5 lần.


Và thuốc không chỉ dừng lại ở địa bàn Thanh Hóa mà đã vươn ra thị trường các tỉnh và bước đầu xuất khẩu. Đó cũng là thành tích chung của hầu hết các DN khi quyết định đầu tư đạt GMP... Từ thực tế của DN này, liệu đây có phải là cứu cánh cho ngành dược Việt Nam?

Nguyên liệu đều phải nhập khẩu

Theo Bộ Y tế, năm 2009 thị phần của các DN dược phẩm Việt Nam so với nước ngoài là 50/50. Nhưng đến 2010, tỷ lệ này chỉ còn là 46/54. Thống kê mới đây của Cục Quản lý dược cho thấy, ngành công nghiệp dược đã phát triển vượt bậc với 180 nhà máy, thị trường dược Việt Nam có trên 22.000 mặt hàng thuốc đã được cấp số lưu hành. Tuy nhiên, để đảm bảo cơ số sản xuất thuốc trong nước thì có tới 100% DN dược trong nước phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu sản xuất thuốc và trên 50% thuốc thành phẩm.

Sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn GMP - WHO tại Công ty cổ phần Dược phẩm Agimex Pharm (An Giang). Ảnh: Nhật Anh-TTXVN.


Theo ông Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y Tế, thì hiện nay ngành dược của nước ta vẫn chủ yếu là thực hiện các công đoạn bào chế, sản xuất các thuốc gốc, chưa chú trọng phát triển nguồn dược liệu để sản xuất thuốc, vì vậy sức cạnh tranh rất yếu so với các DN ngoại. Hiện nay, thuốc sản xuất trong nước chỉ bảo đảm được khoảng 652/1.563 hoạt chất, và theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngành dược Việt Nam đang ở mức độ phát triển từ 2,5-3 (trong thang phân loại từ 1-4), tức là chỉ dừng ở mức sản xuất một số thuốc gốc và xuất khẩu một số dược phẩm.

Ông Hoàng Hữu Đoàn, Giám đốc Xí nghiệp dược phẩm Trung ương 1 cho biết: "Các DN dược hiện nay vẫn chủ yếu đầu tư sản xuất các loại thuốc thông thường, đơn giản, có nhiều trùng lắp, chưa chú ý đầu tư sản xuất các loại thuốc chuyên khoa, đặc trị hay các dạng bào chế đặc biệt.


Điều này được thể hiện qua các con số: 51% dây chuyền sản xuất dược ở nước ta hiện nay là sản xuất thuốc viên thông thường; 15% dây chuyền sản xuất thuốc kem, mỡ, dùng ngoài; 10% sản xuất thuốc nang mềm; 8% sản xuất thuốc nước; 7% sản xuất thuốc tiêm; 5% sản xuất thuốc nhỏ mắt…

Với cơ cấu sản xuất đó, theo phân tích của nhiều chuyên gia trong ngành, việc giảm giá thành dược phẩm khi VN gia nhập WTO tuy lớn, nhưng sẽ chỉ tùy thuộc vào một số mặt hàng. Đối với các dòng thuốc hiếm, nhất là các thuốc chuyên khoa mà Việt Nam chưa sản xuất được, việc giảm giá chỉ có thể xảy ra khi các công ty đa quốc gia có ý định giảm. Nghĩa là các dòng thuốc hiếm nước ta hoàn toàn phụ thuộc vào các DN nước ngoài...

Hiện nay, ở nước ta chỉ có Công ty cổ phần Dược phẩm Mekophar là đơn vị sản xuất nguyên liệu kháng sinh duy nhất trong cả nước, có sản phẩm là amxilin và ampecilin. Còn một số các loại đơn giản khác như vitamin C thì thậm chí Việt Nam vẫn chưa có nhà máy sản xuất vitamin C và mỗi năm phải nhập khẩu khoảng 700 tấn vitamin C.


Với các loại thuốc đặc trị, hiện Việt Nam đang phải nhập khẩu hoàn toàn các loại hóa chất đặc trị ung thư, thuốc tim mạch với giá rất đắt, trong khi nước ta có nhiều loại cây chứa các hoạt chất hoặc các tiền chất chống ung thư như cây thông đỏ, cây dừa cạn, cây trinh nữ hoàng cung… Lý do, bởi các DN dược chưa đủ sức để khai thác được tiềm năng của nguồn nguyên liệu này mà chỉ dừng lại ở nghiên cứu và điều chế quy mô nhỏ.

"Lận đận" khi đạt tiêu chuẩn GMP-WTO

PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận định: “Công nghiệp dược là ngành công nghiệp kỹ thuật cao, vì vậy nguồn lực khoa học - công nghệ của đất nước và các ngành công nghiệp phụ trợ đóng một vai trò quyết định trong việc phát triển công nghiệp dược, nhất là công nghiệp sản xuất nguyên liệu hóa dược”.

Các DN dược Việt Nam, không còn cách nào khác là phải “tự đứng trên đôi chân của mình” và cạnh tranh với các DN dược nước ngoài. Đó là phải đầu tư dây chuyền đạt tiêu chuẩn GMP - WHO (tiêu chuẩn thực hành sản xuất thuốc theo khuyến cáo của WHO).


Theo ông Đoàn, nếu DN đạt tiêu chuẩn này sẽ nhận được sự đánh giá tích cực của cộng đồng thế giới vì chất lượng thuốc sản xuất ra hoàn toàn khác (ví dụ như Công ty cổ phần Dược - Vật tư Y tế Thanh Hóa)...Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là trong số 180 cơ sở sản xuất thuốc tân dược ở Việt Nam hiện nay mới chỉ có hơn 40 cơ sở đạt GMP - ASEAN và gần 20 DN đạt GMP - WHO, các DN còn lại vẫn đang trong quá trình chuyển động rất chậm chạp.

Thực tế cho thấy,Việt Nam bắt đầu triển khai GPM - ASEAN trong lĩnh vực tân dược, lúc đó đã đưa ra lộ trình: Hết năm 2000, các cơ sở sản xuất thuốc tân dược phải đạt GMP. Nhưng mục tiêu đó cứ “lận đận”, đến thời điểm này, sau mấy lần Bộ Y tế gia hạn nhưng số lượng DN này đạt tiêu chuẩn cũng không tăng được là bao...

Có thể thấy rằng, với tiềm lực về khoa học - kỹ thuật và trình độ phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay, Việt Nam chưa thể tự túc sản xuất các nguyên liệu hóa dược, điều mà hiện nay mới chỉ có 13 quốc gia có nền công nghiệp phát triển tiên tiến mới có khả năng thực hiện...


Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi các tiêu chuẩn về sản xuất thuốc thì việc đầu tiên là sản phẩm của các DN trong nước nếu không ngang tầm được với sản phẩm nước ngoài thì chất lượng cũng phải xấp xỉ thì mới khuyến khích được người tiêu dùng. Như vậy họ mới có cơ hội cạnh tranh và tồn tại được với DN dược nước ngoài...

Phương Hà