06:19 08/06/2012

Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc có thể lên tới 2.000 tỷ USD

Tuy nhiên Mỹ và chính phủ nhiều nước đang khá thận trọng với việc thu hút đầu tư từ Trung Quốc bởi lo ngại về động cơ đầu tư và các mối đe dọa về an ninh.

Báo cáo của Rhodium Group, một công ty nghiên cứu uy tín có trụ sở tại New York, cho biết làn sóng đầu tư ra nước ngoài của các công ty Trung Quốc đang bắt đầu tăng đột biến và có thể lên đến 2.000 tỷ USD vào năm 2020.


Báo cáo được công bố vào thời điểm khi Mỹ và chính phủ nhiều nước đang khá thận trọng với việc thu hút đầu tư từ Trung Quốc bởi lo ngại về động cơ đầu tư của Bắc Kinh và các mối đe dọa về an ninh.


Các công ty Trung Quốc đã tiến hành các đợt mua lại cổ phần lớn ở châu Âu trong vòng 2 năm qua, với tốc độ mở rộng nhanh hơn nhiều so với Mỹ. Báo cáo viết: "Các nền kinh tế tiên tiến của châu Âu đang trải qua giai đoạn đầu của sự đầu tư nước ngoài đột biến đến từ các công ty Trung Quốc. Số liệu cho thấy đầu tư trực tiếp của Trung Quốc ở châu Âu phần lớn được thúc đẩy bởi động cơ kinh doanh.


Tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu, trong cả hai lĩnh vực thành lập doanh nghiệp và tổ chức các hoạt động mới, có thể tăng đến mức cao nhất vào khoảng 500 tỷ USD vào năm 2020".


Gần đây hầu hết các thương vụ mua lại cổ phần nước ngoài của các tập đoàn Trung Quốc đều khá thuận lợi. Tuy nhiên, có một số trở ngại mà họ phải đối mặt đó là tính bảo mật. Tại Mỹ, cuối năm 2011, nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei đã phải từ bỏ ý định mua lại Tập đoàn máy tính 3Leaf, sau khi thất bại trong việc thương thuyết các vấn đề liên quan đến bảo mật.

Trung Quốc đầu tư ngày càng nhiều vào châu Phi. Ảnh: Internet.


Hoạt động mua lại của Trung Quốc ở châu Âu phản ánh cái mà các nhà phân tích cho rằng "sự khao khát" bởi các công ty Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng còn quá non trẻ để có được các kỹ năng và công nghệ cũng như sự thâm nhập vào các thị trường mới.


Năm ngoái, BlueStar - công ty nhà nước Trung Quốc, đã mua lại cổ phần của công ty Elkem, nhà sản xuất silic và cácbon lớn của Na Uy, với trị giá nhiều tỷ USD. Trước đó, năm 2010 Tập đoàn Fosun cũng mua lại 7,1% cổ phần của Tập đoàn Du lịch Pháp Club Med.


Trong một số trường hợp, người Trung Quốc đã sử dụng tiền mặt để giải cứu một số công ty của châu Âu hoặc tăng tốc mở rộng hơn các hoạt động của họ trên toàn cầu. Gần đây nhất, Tập đoàn công nghiệp SHIG-Weichai đã mua lại 75% cổ phần của nhà sản xuất du thuyền nổi tiếng của Italia - Ferretti trong tháng Giêng. SHIG-Weichai tuyên bố giúp Ferretti thanh toán các khoản nợ và mở rộng sản xuất ở Trung Quốc, cũng như các thị trường mới nổi khác.


Thanh Hải (p/v TTXVN tại Canađa)