06:23 05/06/2012

Đầu tư công cho tam nông ở Lâm Đồng - Bài 1: Cơ sở tạo nên sức bật cho tam nông

Nhiều năm qua, việc đầu tư công cho tam nông (nông thôn, nông nghiệp, nông dân) ở tỉnh Lâm Đồng luôn được chú trọng. Tuy còn không ít điều cần phải bàn, nhưng những nguồn lực đã triển khai, những kết quả đã đạt được là cơ sở quan trọng tạo nên sức bật cho vùng đất nam Tây Nguyên này.

Nhiều năm qua, việc đầu tư công cho tam nông (nông thôn, nông nghiệp, nông dân) ở tỉnh Lâm Đồng luôn được chú trọng. Tuy còn không ít điều cần phải bàn, nhưng những nguồn lực đã triển khai, những kết quả đã đạt được là cơ sở quan trọng tạo nên sức bật cho vùng đất nam Tây Nguyên này.

 

Đột phá về hạ tầng kỹ thuật - kinh tế


Đầu tư công cho tam nông ở Lâm Đồng được thực hiện liên tục nhiều thập niên qua với số vốn rất lớn; riêng trong giai đoạn 2006 - 2011, tổng vốn đầu tư này lên đến 7.063 tỷ đồng. Kết quả lớn nhất - và có lẽ cũng quan trọng nhất trong đầu tư công vào tam nông ở Lâm Đồng là đã cơ bản tạo được một hạ tầng kỹ thuật vượt xa mong đợi ban đầu của người dân.


 

Trung tâm Y tế huyện Đam Rông được xây dựng từ nguồn vốn công.

Thủy lợi là vấn đề bức thiết đầu tiên của một tỉnh nông nghiệp, nên mức đầu tư vào lĩnh vực này không nhỏ. Chỉ riêng trong giai đoạn 2006 - 2010, Lâm Đồng đã đầu tư 1.045 tỷ đồng xây dựng 85 dự án thủy lợi để cung cấp nước tưới cho 22.390 ha đất sản xuất nông nghiệp. Hiện nay Lâm Đồng có đến 592 công trình thủy lợi các loại, hơn 900 km kênh mương tưới các cấp, đảm bảo chủ động tưới cho gần 116.000 ha đất canh tác.


Từ nguồn vốn đầu tư công, Lâm Đồng đã đầu tư xây dựng được 6.046,5 km đường giao thông các loại; đảm bảo có đường ô tô đến 100% xã, nhiều xã đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa cũng đã có đường bê tông nhựa đến tận nơi. Điện lưới quốc gia cũng đã đến 100% xã trong toàn tỉnh, đặc biệt đã có hàng chục nghìn hộ đồng bào các dân tộc thiểu số đã được mắc điện miễn phí từ nguồn dự án điện Tây Nguyên.


Thương mại nông thôn cũng là một điểm sáng của đầu tư công. Các trung tâm thương mại cụm xã được đầu tư lớn trong nhiều năm. Từ năm 2006 đến nay đã có thêm 19 chợ nông thôn được xây dựng hiện đại với mức đầu tư hàng chục tỷ đồng/chợ; và đến nay hầu như tất cả các vùng nông thôn đều có các điểm giao thương quy mô lớn để phục vụ đời sống, sản xuất của người dân và yêu cầu phát triển của địa phương.


Hạ tầng kỹ thuật - kinh tế nông thôn ở Lâm Đồng trong những năm gần đây thực sự có cú đột phá ngoạn mục và yếu tố chính tạo nên cú đột phá đó là nguồn lực đầu tư công.

 

Nông nghiệp - điểm then chốt cho phát triển


Hạ tầng kỹ thuật - kinh tế nông thôn được chú trọng xây dựng trong mối quan hệ chặt chẽ với đầu tư trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp. Đó là đầu tư cho việc chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, cho công tác khuyến nông, cho việc xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ mua máy móc nông nghiệp, phân bón…


Với mức đầu tư bình quân khoảng 30 - 40 tỷ đồng/năm trong những năm gần đây, đầu tư công trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp đã mang lại những kết quả cụ thể như: Xây dựng được nhiều mô hình nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới phun tự động, màng phủ nông nghiệp… Trong 5 năm qua, đã có 4.923 ha cây trồng được hỗ trợ chuyển đổi giống bao gồm: 215 ha rau, hoa, 1.256 ha cà phê, 562 ha cây ăn quả các loại, 132 ha chè chất lượng cao, 105 ha cao su, 95 ha ca cao… Hàng nghìn con bò lai shind, lợn… cũng được cung cấp cho nông dân. Đặc biệt nhiều máy nông cụ như máy làm đất, máy sấy chè búp tươi, máy sấy cà phê… cũng được Nhà nước đầu tư làm các mô hình điểm để nông dân tham khảo, tiếp tục đầu tư phục vụ sản xuất.


Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - khẳng định: Việc đầu tư trực tiếp cho sản xuất có ý nghĩa và hiệu quả rất lớn, nhất là trong việc giúp nông dân vượt khó trong sản xuất, mang lại hiệu quả nhanh và cụ thể, góp phần tạo niềm tin cho nông dân về chính sách tam nông của Đảng và Nhà nước.

 

Ấn tượng những con số đầu tư xã hội


Không chỉ lo nước đến tận ruộng vườn, đường đến từng thôn buôn, điện luôn sáng mọi nhà..., nguồn vốn đầu tư công ở Lâm Đồng còn tạo nên một sự đổi thay ấn tượng cho nông thôn trong đời sống xã hội. Con số 663 trường học các cấp, 47 cơ sở dạy nghề sơ cấp đến cao đẳng..., trong đó có nhiều trường dân tộc nội trú kiên cố, khang trang, đầy đủ thiết bị dạy và học đã giúp cho nông dân có đủ tri thức, giúp nông thôn Lâm Đồng khởi sắc nhanh chóng và theo đó khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ở nhiều nơi gần như chỉ còn là khái niệm.


Lâm Đồng cũng là tỉnh được đánh giá cao về đầu tư, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Con số 224,4 tỷ đồng cho y tế ở nông thôn trong 5 năm (2006 - 2011), 100% xã có trạm y tế, 140/148 xã, phường, thị trấn và 9/12 huyện thành phố đạt chuẩn quốc gia về y tế... đã minh chứng sự nỗ lực rất lớn của tỉnh về vấn đề này. Một con số cụ thể cực kỳ ấn tượng với nông dân đó là hàng chục nghìn gia đình nông dân đã được hỗ trợ xây nhà ở từ nguồn vốn công; chỉ riêng hai chương trình 134 và 167, đã có hơn 81 tỷ đồng vốn ngân sách được chi ra để xây dựng 10.874 căn nhà cho nông dân.


Đặc biệt, nước sạch nông thôn là một trong những lĩnh vực trước đây vốn “xa lạ” với hầu hết nông dân, nhưng cũng được Lâm Đồng tập trung đầu tư với số lượng rất lớn. Chỉ riêng với 2 chương trình: nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn và chương trình 134 của Chính phủ, trong 5 năm 2006 - 2011 Lâm Đồng đã chi đến 170 tỷ đồng để xây dựng 7.808 công trình nước sạch các loại (trong đó có 129 công trình nước tập trung) cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho hơn 105.000 người.


Nhiều khoản đầu tư công trực tiếp hoặc gián tiếp khác cho tam nông, như đầu tư phát triển hợp tác xã nông nghiệp, đầu tư cho an sinh xã hội, đầu tư cho phòng chống thiên tai (hạn hán, lụt bão)… cũng được chú trọng. Nhờ vậy mà bức tranh toàn cảnh đầu tư công cho tam nông ở Lâm Đồng hiện hữu rõ nhiều điểm sáng.

 

Nhìn chung tam nông cho đến nay vẫn chưa phải là “miếng bánh ngon” để có thể hấp dẫn được các nguồn lực ngoài Nhà nước, vì đầu tư cho tam nông mất thời gian dài, lợi nhuận thấp, xác suất rủi ro cao… Vì vậy, đầu tư công vẫn là nguồn lực chủ đạo, mang tính quyết định cho tam nông phát triển. Kết quả đạt được trong đầu tư công cho tam nông ở Lâm Đồng chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển, nhưng có thể khẳng định đó là những thành tựu, những cơ sở… có tác động và ý nghĩa cực kỳ quan trọng, giúp cho tam nông ở Lâm Đồng - nhất là ở những vùng đồng bào các dân tộc thiểu, vùng sâu, vùng xa - có được sức bật lớn trong thời gian qua; đồng thời đó cũng là tiền đề to lớn để tam nông Lâm Đồng có được sự tăng tốc trong thời gian tới.

 

Bài và ảnh: Phan Văn Đông

 

Bài 2: Nhận diện những lực cản