07:08 21/07/2011

"Đấu tranh này là trận cuối cùng"

Nhằm tăng cường thực hiện những chương trình hợp tác, trao đổi, giao lưu văn hóa giữa nghệ sỹ sân khấu hai nước Việt Nam – Trung Quốc, Nhà hát Kịch Việt Nam đã mời đoàn đại biểu nghệ sỹ sân khấu Trung Quốc sang thăm hữu nghị và biểu diễn tại Việt Nam vở kịch nói “Đấu tranh này là trận cuối cùng”.

Được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhằm tăng cường thực hiện những chương trình hợp tác, trao đổi, giao lưu văn hóa giữa nghệ sỹ sân khấu hai nước Việt Nam – Trung Quốc, Nhà hát Kịch Việt Nam đã mời đoàn đại biểu nghệ sỹ sân khấu Trung Quốc sang thăm hữu nghị và biểu diễn tại Việt Nam vở kịch nói “Đấu tranh này là trận cuối cùng”.

Đêm giao thừa tại nhà họ Hà đã trở thành đêm của sự đối mặt với những lựa chọn đầy khó khăn... Ảnh: CTV


Đây là vở kịch về chủ đề chống tiêu cực và xây dựng đạo đức cách mạng, được đánh giá là một tác phẩm hấp dẫn, kết hợp được cả tính tư tưởng, nghệ thuật và giải trí. Vở kịch đã tiếp cận được gần nhất với quần chúng, gần nhất với cuộc sống, gần nhất với thực tế, đã thể hiện tất cả những điều mà người dân bình thường cảm nhận được trong đời sống hàng ngày, qua đó cũng đã vạch trần những vấn đề tiêu cực còn tồn tại trong xã hội hiện thời. Vở kịch sẽ được trình diễn tại Rạp Tuổi trẻ (Hà Nội) vào 20 giờ các ngày 22 - 23/7/2011 (có phụ đề tiếng Việt trên màn hình LED ở hai bên sân khấu).

Bối cảnh câu chuyện là đêm giao thừa tại gia đình một cựu cán bộ cao cấp. Một loạt chuyện bất ngờ từ một vị khách không mời mà đến đã làm cho một đêm vốn là đêm đoàn tụ vui vẻ cuối năm của 3 thế hệ gia đình họ Hà trở thành đêm của sự đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa đồng tiền và niềm tin, trung thành và phản bội, chính nghĩa và tình riêng...

Người cán bộ lão thành về hưu Hà Quang Minh đã chứng kiến sự ra đời và phát triển của đất nước. Sự gian khổ trong đấu tranh cách mạng đã tôi rèn nên tính đảng kiên cường và trách nhiệm xã hội mãnh liệt của ông. Nhưng với sự thay đổi không ngừng của quan niệm giá trị ngày nay, sự ồn ào gấp gáp xung quanh đã đẩy ông cụ vào tình trạng khủng hoảng lòng tin, buộc phải liên tiếp suy ngẫm, tìm lối thoát một cách khó khăn trong cuộc đối thoại với tâm hồn.

Con trai trưởng Hà Đại Minh của ông có cá tính phức tạp, đan xen giữa truyền thống và hiện đại, luôn hy vọng, cùng với sự tiến bộ của thời đại, định nghĩa giá trị nhân sinh cũng không ngừng được đổi mới. Nhưng kết quả lại bị kẹt trong cái rãnh chật hẹp giữa lý tưởng và hiện thực. Con trai thứ Hà Nhị Minh vô cùng căm ghét những cảnh tượng tiêu cực trong xã hội, nhưng để sinh tồn, đành phải gửi thân vào đó mà thăng tiến, dẫn đến sự trăn trở dày vò liên miên bởi sự tra khảo của lương tâm. Cặp vợ chồng của con trai út Hà Hiểu Minh cùng vợ là Khang Viên Viên là cuộc hôn nhân hữu danh vô thực, nhưng cả hai đã thỏa thuận với nhau, trước mặt Hà Quang Minh giấu chuyện đó để tỏ ra như vợ chồng thật.

Hà Hiểu Minh góp vốn bất hợp pháp, cuối cùng bại lộ, mà người tiết lộ lại là đứa cháu ngoại Tiểu Kiếm. Chuyện là mẹ Tiểu Kiếm, Quách Xuân Lan, là con gái cả của Hà Quang Minh, trong những năm chiến tranh phải gửi về nuôi ở nông thôn, một đời lam lũ. Tiểu Kiếm biết được chuyện, giấu tên giấu tuổi vào làm việc ở công ty của con trai út nhà họ Hà là Hà Hiểu Minh, thề rằng số phận thay đổi, sẽ có một ngày đạp nhà họ Hà xuống đất. Trước sự đe dọa của Tiểu Kiếm, Hà Hiểu Minh quyết định sau khi cùng bố mẹ chung hưởng đêm giao thừa cuối cùng, sẽ bỏ trốn ra nước ngoài. Nhưng Hà Đại Minh lại biết chuyện đó, cố ý giấu bố mẹ, chờ cho đến khi em trai trong giây phút cuối cùng lầm đường lạc lối mới tự mình cứu về.

Tiếng chuông giao thừa đã điểm, tiếng pháo bên ngoài rộn rã vang lên, dường như đã mang đến niềm hy vọng mới, nhưng hai thế hệ gia đình họ Hà cuối cùng ngồi bên bàn tiệc với những tâm trạng riêng. Hình như trong không khí ấm cúng hòa mục đó ngấm ngầm diễn ra cuộc đọ sức tâm hồn dữ dội...

P.V