08:07 22/08/2014

"Đầu tiên là công việc đối với con người”

Nhân kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Hồ Chí Minh, TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết của Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, Hội đồng Lý luận Trung ương: "Đầu tiên là công việc đối với con người” - Một tư tưởng lớn thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

Nhân kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Hồ Chí Minh, TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết của Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, Hội đồng Lý luận Trung ương: "Đầu tiên là công việc đối với con người” - Một tư tưởng lớn thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

 

Trong Di chúc, Người không chỉ trước hết nói về Đảng mà còn nhấn mạnh “đầu tiên là công việc đối với con người ”. Đây là phần được Người viết vào tháng 5/1968 với dung lượng nhiều nhất. Người dặn dò tỷ mỷ, cụ thể nhất về chủ trương, chính sách và biện pháp xung quanh các vấn đề xã hội liên quan trực tiếp tới cuộc sống, đời sống của dân, bao trùm các đối tượng xã hội. Đó cũng là những việc phải làm ngay, sau khi chiến tranh kết thúc. Đó là sự thể hiện tập trung nhất tư duy quản lý xã hội của Hồ Chí Minh, gợi mở rất bổ ích, thiết thực cho việc quản lý, quản trị xã hội, thực hiện chính sách xã hội và an sinh xã hội theo đường lối, Nghị quyết của Đảng trong đổi mới hiện nay.


Người đặc biệt chú ý đến chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước đối với những người có công với nước, những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...). Phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Không chỉ chăm lo đời sống vật chất mà còn phải chú trọng những bù đắp, tôn vinh về tinh thần, qua đó giáo dục truyền thống, giáo dục tinh thần yêu nước (xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ở các thành phố, làng mạc ghi công các anh hùng liệt sỹ).

 

Chăm lo gia đình các thương binh và liệt sỹ (bố mẹ, vợ con của họ). Chính quyền địa phương và hợp tác xã phải giúp đỡ họ có công việc, làm ăn thích hợp quyết không để họ bị đói rét. Chọn những thanh niên ưu tú đã qua rèn luyện trong chiến đấu cho các cháu đi học thêm các ngành, nghề để có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc, thành đội quân chủ lực xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Người còn căn dặn quan tâm tới phụ nữ, có chế độ, chính sách tạo điều kiện cho chị em tiến bộ, trưởng thành cả trong chuyên môn và chính trị. Đây là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và chính quyền, đồng thời chị em cũng phải chủ động vươn lên, khắc phục tự ti, mặc cảm, tự mình ý thức rõ đây là một cuộc cách mạng bình quyền. Chăm lo giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, đó là một công việc vô cùng quan trọng và cần thiết. Lại phải chú trọng tới đồng bào các dân tộc ở miền núi, phát triển kinh tế - văn hóa, làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.


Người còn căn dặn về thái độ và chính sách với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, Nhà nước phải vừa giáo dục vừa dùng pháp luật để cải tạo, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện. Người còn gợi ý miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất.


Với sự quan tâm đặc biệt tới đời sống của nhân dân, Người vạch ra kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Người chủ trương khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế, nhất là “sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân. Người gợi ý phát triển các trường nửa ngày học tập, nửa ngày lao động. Đó là vận dụng nguyên lý giáo dục gắn với lao động sản xuất. Củng cố quốc phòng, chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc.


Vậy là từ những trang viết của Người ta thấy hiện lên cả một chương trình phát triển kinh tế và văn hóa, giải quyết các vấn đề xã hội bằng một hệ thống các chính sách và biện pháp, kết hợp cải tạo xã hội cũ với xây dựng xã hội mới, hàn gắn các vết thương chiến tranh, giải quyết những hậu quả nặng nề bởi chiến tranh tàn phá, tất cả quy tụ vào chăm lo cuộc sống cho dân, không sót một đối tượng nào. Trong những chỉ dẫn, những trù tính của Người, ta thấy rõ sự quan tâm đặc biệt của người tới động lực phát triển con người và phát triển xã hội, đó là động lực lợi ích vật chất và tinh thần, thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh: làm điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân, giải phóng sức dân, phát triển sức dân, bồi dưỡng sức dân và tiết kiệm sức dân.