04:08 24/04/2015

Dấu tích Kinh đô Văn Lang xưa

Bản ngọc phả Đền Hùng và ngọc phả làng Lâu Thượng soạn từ thời Hồng Đức (1470) còn ghi rõ: “Khi tới Sơn Tây, Người thấy một vùng đất có ngàn ngọn núi quay về, vạn dòng sông tụ lại, thảy đều quay về Nghĩa Lĩnh.

Bản ngọc phả Đền Hùng và ngọc phả làng Lâu Thượng soạn từ thời Hồng Đức (1470) còn ghi rõ: “Khi tới Sơn Tây, Người thấy một vùng đất có ngàn ngọn núi quay về, vạn dòng sông tụ lại, thảy đều quay về Nghĩa Lĩnh. Vua nhận ra đất này là đất tốt liền chọn làm Kinh đô, cho dựng chính điện trên núi Nghĩa Lĩnh. Phía ngoại vi cho lập đô thành Phong Châu từ Nghĩa Lĩnh tới Phù Khang và tới các xã Lâu Thượng, Lâu Hạ, Thanh Miếu, Việt Trì, Bạch Hạc… Người đổi tên nước Văn Lang. Nước Văn Lang phía Nam giáp nước Hồ Tôn, phía Đông giáp Nam Hải, phía Tây giáp Ba Thục và phía Bắc tới hồ Động Đình”.

Từ Nghĩa Lĩnh tới Bạch Hạc, thời đó Hùng Vương cho dựng 50 lâu đài, cung điện.

Nhiều ngọc phả thời tiền sử, sử sách và các nhà khoa học đã xác nhận vùng đất tụ thủy, tụ nhân này - vùng đất nằm gọn giữa ba dòng sông lớn: Sông Hồng, sông Lô, sông Đà, và ba trái núi thiêng: Núi Nghĩa Lĩnh, núi Ba Vì, núi Tam Đảo, chính là trung tâm của nhà nước Văn Lang xưa. Không chỉ vị thế đẹp mà đặc biệt, không có nơi nào lại dày đặc những địa danh, những di tích, những truyền thuyết về thời tiền sử, về thời đại nhà nước Văn Lang như ở Việt Trì. Việc tìm ra khu mộ táng và hàng loạt hiện vật khảo cổ ở di tích Làng Cả đã chứng minh từ thời Hùng Vương đã có một bộ phận dân cư đông đúc sống ở Việt Trì. Đó là căn cứ khoa học tin cậy.

Thiên Cổ miếu tại xã Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ.



Còn trong truyền thuyết, xã Trưng Vương (hay Lâu Thượng), xưa có Lâu Thượng là nơi Vua Hùng bàn việc với các lạc hầu, lạc tướng. Nơi này xưa có 12 lâu đài, cung điện. Xã Sông Lô (xưa là Lâu Hạ) là nơi ở của các Mỵ Nương. Các công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa đã từng ở nơi này. Đây cũng là nơi trồng dâu, nuôi tằm, dệt cửi. Xã Dữu Lâu, nơi trồng trầu, dùng cho việc cưới xin và làm thuốc. Cách đây nửa thế kỷ, Dữu Lâu còn dày đặc các giàn trầu giống quý. Xã Phượng Lâu, xưa là nơi có Lầu Phượng (nơi ở của các vợ vua). Xã Vân Phú có địa danh Thậm Thình mà mỗi khi đi qua như còn được thấy: “Trăm cô gái tựa tiên sa/ Múa chày đôi với chày ba thậm thình/ Đêm đêm tiếng thậm, tiếng thình/ Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non”. Xã Thụy Vân xưa là khu vực quân sự của Hùng Vương.

Ở đây còn di tích bãi luyện quân, bãi tập võ và rừng Cấm - nơi nhà vua thường đi săn trong những ngày rảnh rỗi. Xã Minh Phương - Vân Cơ là nơi có hồ Thủy Quân, có đồi Mả Vương, rừng rước vua. Nông Trang là nơi có kho lương thực của các vua Hùng. Minh Nông, Gia Cẩm (xưa gọi là Kẻ Lú) là nơi Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Tân Dân - nơi có Giếng Rùng, nhà vua đã từng rửa chân, có miếu Vũ thờ bà Vũ Thị Hiền, em dâu của Vua Hùng thứ nhất. Tiên Cát - nơi có đền thờ Thủy Tổ Quốc Mẫu - thân mẫu Vua Lạc Long Quân, có đồi Kén Rể, nơi đã diễn ra cuộc tranh tài của Sơn Tinh - Thủy Tinh. Thọ Sơn nơi có di chỉ làng Cả nổi tiếng thế giới, nơi chế tạo dụng cụ và vũ khí bằng đồng của các Vua Hùng. Thanh Miếu là nơi thờ tự của nhà vua, nơi ngày xưa có trường dạy học. Bến Gót có Hoa Long Tự, địa danh đã từng chứng kiến việc đặt tên cho 100 người con của Mẫu Âu Cơ. Bạch Hạc là nơi có thần Tam Giang, có đền Long Đài, nơi trấn giữ phía Đông Kinh đô Văn Lang của Đông Hải đại vương, hoàng tử thứ 25 của Vua Hùng thứ 18.

Trong mỗi làng xã, phố phường còn bao dấu tích địa danh và truyền thống về thời đại Hùng Vương. Kể không thể hết những câu chuyện về vua dạy dân cấy lúa ở Kẻ Lú, vua đi săn ở Thụy Vân, vua kén rể ở Tiên Cát.

Hai cây táu cổ ở đền Thiên Cổ (Việt Trì, Phú Thọ).



Trong hội thảo về kinh đô Văn Lang cuối năm 1994, một số nhà sử học, nhà nghiên cứu về văn hóa đã khẳng định: “Điều quan trọng là chỉ ở Việt Trì mới có sự phân bố khu vực của một đô thành: Nơi tập trung lâu đài cung điện, nơi cày cấy ruộng công, kho lương thực, nơi đóng quân…”. Cùng với nhận định đó, kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh còn bổ sung: “Không những là trung tâm văn hóa chính trị của nước Văn Lang thời bấy giờ, nơi đây còn hình thành trung tâm của các nghề thủ công: Dệt vải, đan lát, đúc đồng, trạm khắc…”.

So với các cố đô khác như Cổ Loa, Hoa Lư, Thăng Long và Huế thì cố đô Văn Lang hầu như không còn lại gì, nó buồn và đẹp như những vần thơ của thi sĩ Nguyễn Ngô Đoan: Bay đâu cánh hạc năm xưa/Tìm đâu thấy bóng cố đô đất này.

Đúng là cố đô đã mất đi nhiều dấu tích, bởi ngoài yếu tố thời gian trải mấy nghìn năm, ngoài yếu tố khí hậu khắc nghiệt, Việt Trì - cố đô Văn Lang còn chịu nhiều tàn phá nặng nề của kẻ thù. Khi An Dương Vương rời đô về Hoa Lư, lâu đài cung điện nơi đây không còn người chăm sóc. Một số nhà yêu nước như tể tướng Lữ Gia, Hai Bà Trưng đã về đây dựa bóng tổ tiên để mưu đồ khôi phục độc lập dân tộc. Nhưng cuối cùng, các cuộc khởi nghĩa đều thất bại. Rồi dằng dặc hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Những cuộc chiến tranh liên tiếp trong cuộc chiến đấu chống quân Mông Cổ thế kỷ 13, cuộc thử lửa đầu tiên diễn ra ở hai bên bờ sông Việt Trì - Bạch Hạc.

Rất tiếc, trận ấy quân ta thất bại. Việt Trì rơi vào tay đội quân khét tiếng tàn bạo ấy. Gần hai thế kỷ sau, lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ phong kiến nước ta, quân Minh rầm rộ kéo sang. Sử sách còn ghi: “Minh Vĩnh Lạc năm thứ tư ngày mồng 2 tháng 12 năm 1406, quân Minh chiếm được Việt Trì”. Chúng đã tàn sát đàn ông, hãm hiếp phụ nữ, kẹp cổ trẻ em dìm xuống nước. Chúng còn hối hả lùng bắt gái đẹp, thợ giỏi, các nhân tài và cướp phá hết sách vở, đồ đạc quý đem về nước. Khi chúng rút đi, Trung Tiên Cát, nơi có ngôi đền đá thờ Thủy Tổ Quốc Mẫu, chỉ còn lại có 8 gia đình.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, vào thế kỷ 19, VIệt Trì cũng được chúng hết sức “quan tâm”. An Nam nhất thống chí còn ghi: Năm 1886 người Pháp phá Hoa Long Tự, đình Việt Trì và miếu công chúa Hoa Dung đưa vào thôn Bạc Nội lấy đất xây trại lính Pháp. Trong cuộc kháng chiến chín năm trường kỳ chống thực dân Pháp, vào năm 1949, ngôi đền thờ Thủy Tổ Nam Bang Kinh Dương Vương Lữ Á Lữ (Bắc Ninh) và ngôi đền thờ hoàng hậu của Người - Thủy tổ Quốc Mẫu ở Tiên Cát (Việt Trì) cũng bị tàn phá. Tháng 3 năm 1951, một tiểu đoàn lính lê dương tràn vào Lâu Thương giết hại dân lành và tàn phá đình chùa, đền miếu. Nhiều di tích ở Việt Trì đã bị phá tan hoang. Chưa kịp khôi phục, sửa chữa lại thì chiến tranh chống Mỹ, cứu nước diễn ra. Việt Trì lại trở thành mục tiêu bắn phá của kẻ thù.

Dù một số di tích bị mất đi, nhưng trên đất Việt Trì vẫn còn lưu giữ được nhiều dấu tích, những truyền thuyết, huyền thoại về thời dựng nước. Từ khi có Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) của Đảng đến nay, các giá trị văn hóa truyền thống đã được khôi phục, tôn tạo, giữ gìn và phát huy tác dụng, đã góp phần quan trọng vào việc chấn hưng văn hóa vùng đất Tổ cội nguồn - văn hóa dân tộc. Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân thành phố Việt Trì đã tập trung nhiều nguồn lực để thực thi có kết quả mục tiêu xây dựng thành phố lễ hội về với cội nguồn.

Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Truyền thuyết dân gian thường có một cái lõi là lịch sử, mà nhân dân qua nhiều thế hệ đã lý tưởng hóa, gửi vào đó tâm tình thiết tha của mình cùng với thơ và mộng”. Cái lõi lịch sử hiện ra ngày một rõ. Việc đi tìm dấu tích kinh đô Văn Lang xưa đã hé mở nhiều bất ngờ, thú vị. Việc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa ở Việt Trì hôm nay không thể không tính đến yếu tố lịch sử văn hóa để phát triển; bởi dù có phát triển đến đâu thì “Việt Trì vẫn là kinh đô của nhà nước Văn Lang” như các nhà sử học tên tuổi của đất nước đã khẳng định”.

Nguyễn Hưng