10:21 26/10/2011

Dấu nhắc đen cho tương lai Libi

Mỹ và các đồng minh đều tỏ ra vui mừng trước cái chết của nhà lãnh đạo bị lật đổ Moamer Kadhafi. Về mặt lý thuyết, sự kiện này đã khép lại một trang sử đẫm máu tại quốc gia Bắc Phi. Song, giới quan sát không quá lạc quan rằng một tương lai tươi sáng hơn đang chờ đón người dân xứ sở này.

Mỹ và các đồng minh đều tỏ ra vui mừng trước cái chết của nhà lãnh đạo bị lật đổ Moamer Kadhafi. Về mặt lý thuyết, sự kiện này đã khép lại một trang sử đẫm máu tại quốc gia Bắc Phi. Song, giới quan sát không quá lạc quan rằng một tương lai tươi sáng hơn đang chờ đón người dân xứ sở này. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng một tương lai bất định, triển vọng u ám đang đợi Libi. Và những nhận định này không phải là võ đoán.

Khoảng trống quyền lực

Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và lãnh đạo nhiều quốc gia phương Tây đều mừng ra mặt khi hay tin ông Kadhafi đã chết sau khi bị bắt tại thành phố Sirte. Dẫu các nước phương Tây tin rằng một trang sử mới “hòa giải, thống nhất và tự do” của Libi đã mở ra, song chắc chắn Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) tại Libi sẽ không thể nhanh chóng thành lập được chính phủ quá độ để lấp đầy khoảng trống quyền lực.

Sau hơn 7 tháng chiến tranh, phía trước Libi là một tương lai không dễ đoán định. Ảnh: AFP/TTXVN

Lịch sử từng chứng minh rằng việc loại bỏ một nhà lãnh đạo được cho là “độc tài” không hẳn đã là “liều thần dược” cho những căn bệnh trầm kha của xã hội. Đa phần giới học giả đều đồng tình rằng trong một xã hội Libi chứa đựng nhiều mâu thuẫn và chia rẽ, sự cứng rắn của ông Kadhafi có thể là liều thuốc hiệu dụng giúp lấy lại sự cân bằng cho thể trạng ốm yếu của xã hội. Cũng chẳng sai khi có quan điểm cho rằng sự vắng bóng một nhân vật có sức mạnh thống nhất quốc gia có thể sẽ biến Libi thành một “Xômali thứ hai” ở châu Phi với các cuộc nội chiến và xung đột dai dẳng giữa các bộ lạc.

Trong lịch sử, Libi chỉ bắt đầu tồn tại như một quốc gia thống nhất từ năm 1951. Tuy nhiên, hố sâu ngăn cách giữa các bộ lạc vẫn luôn hiện hữu, chia rẽ sắc tộc dưới thời ông Kadhafi vẫn như căn bệnh nan y chỉ chờ cơ hội là bùng phát. Khi chính quyền Kadhafi sụp đổ, căn bệnh ấy giờ đã hiện rõ như ban ngày. Chủ tịch NTC Mahmoud Gibril đã phải cay đắng thừa nhận thực tế này, thậm chí ông còn tuyên bố sẵn sàng từ bỏ vị trí Thủ tướng tạm quyền để góp phần ổn định chính trị Libi thời hậu Kadhafi.

Rõ ràng, không thể phủ nhận rằng trong suốt 42 năm cầm quyền, bàn tay sắt của nhà lãnh đạo bị phương Tây chối bỏ ấy đã kiểm soát khá tốt những “ngòi nổ chiến tranh” từ các bộ tộc. Có lẽ rất ít người lạc quan rằng Libi thời hậu Kadhafi sẽ đạt được hòa giải, thống nhất và tự do.

Tương lai không phải màu hồng

Không khó để nhận ra một Libi nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh sau ngày 20/10/2011 nhưng rất khó để hình dung một Libi đoàn kết và vững mạnh trong tương lai xa. Dấu nhắc đen – luôn nhấp nháy ở đầu trang sử mới của Libi – sẽ chỉ ra hướng đi cho tương lai đầy bất ổn ở quốc gia Bắc Phi này khi chính phủ mới phải đối mặt với những khó khăn chồng chất và một tương lai không hoàn toàn màu hồng.

Thứ nhất, nội chiến kết thúc trên toàn lãnh thổ nhưng xã hội Libi vẫn rất hỗn loạn. Ông Kadhafi đã chết nhưng những người ủng hộ ông còn rải rác trong dân. Điều này vô hình trung trở thành mối ẩn họa lớn đối với an ninh. Thậm chí cái chết gây tranh cãi của ông có thể còn khoét sâu thêm mối hận thù trong lòng những người trung thành với chế độ cũ. Ngoài ra, mâu thuẫn giữa các phe phái, bộ lạc cũng nhen nhóm mồi lửa xung đột. Do đó, làm thế nào để nhanh chóng khôi phục an ninh quốc gia là thách thức nghiêm trọng nhất đối với NTC.

Sau nữa, khi quân chính phủ tháo chạy, một số lượng lớn vũ khí của chế độ cũ đã “không cánh mà bay”. Người ta lo ngại số vũ khí này bị phát tán trong dân, rơi vào tay các phần tử cực đoan, các thế lực địa phương và có nguy cơ được đưa ra sử dụng trong các cuộc xung đột nhỏ lẻ trong tương lai.

Tiếp đến là câu hỏi NTC phải làm sao để nhanh chóng cố kết quyền lực và giữ thế thượng phong trong đời sống chính trị ở Libi. Sau chiến tranh, kinh tế Libi gần như kiệt quệ do hoạt động khai thác dầu vẫn chưa được nối lại. Địa vị còn yếu, kinh nghiệm còn thiếu, NTC phải nhanh chóng xây dựng chính đảng, thành lập chính phủ, công bố hiến pháp, tổ chức bầu cử... Vô vàn những nhiệm vụ cần sớm hoàn thành để có được một cuộc chuyển giao êm thấm.

Cũng không thể bỏ qua “mối họa thù trong” khi luôn tiềm ẩn nguy cơ chia rẽ nội bộ và tranh giành quyền lực giữa những người vốn cùng chung chiến hào chống ông Kadhafi trước đây. Giải quyết những mâu thuẫn hiện hữu trong nội bộ chính quyền mới có ý nghĩa quyết định trong công cuộc tái thiết Libi hậu chiến. Hiện ở Libi có ít nhất 150 bộ lạc. Các bộ lạc này sẽ đưa ra những chủ kiến và đòi hỏi lợi ích trong quá trình tái thiết đất nước. Khi ông Kadhafi chết, các lãnh đạo mới của Libi dường như không còn kẻ thù chung để gắn kết và tham vọng quyền lực sẽ khiến họ quên đi sứ mệnh cùng nhau giải quyết các vấn đề của Libi thời hậu chiến.

Việc NATO quyết tâm rút quân khỏi Libi sau ngày 31/10 có thể tạo ra một cú sốc an ninh đối với chính quyền mới trong bối cảnh mâu thuẫn xã hội đang dần lộ diện. Chính một lãnh đạo của NTC hôm 25/10 cũng đã nêu mong muốn NATO ở lại thêm ít nhất một tháng nữa. Giới phân tích cũng không loại trừ khả năng các tay súng ủng hộ ông Kadhafi có thể tìm cách tiến hành các cuộc tấn công kiểu du kích "đánh rồi chạy" nhằm vào các chính khách Libi, công dân nước ngoài và các cơ sở dầu mỏ ở quận Fezzan xa xôi. Chiến thuật đánh du kích này có thể ngăn cản những nỗ lực tái thiết đất nước của chính phủ mới và gây trở ngại cho việc bảo vệ công nhân dầu mỏ nước ngoài, những người được coi là đóng vai trò then chốt trong việc đưa sản lượng dầu thô của Libi trở lại mức trước khi xảy ra chiến tranh là 1,6 triệu thùng/ngày.

Vậy điều gì đang chờ đợi chính phủ mới và nhân dân Libi ở phía trước? Một câu hỏi không dễ có câu trả lời! Mỹ và các đồng minh phương Tây tin rằng cái chết của Kadhafi sẽ giúp lịch sử Libi bước sang một trang mới. Nhưng không có gì đảm bảo rằng trang sử ấy sẽ huy hoàng.

Hữu Thắng