Thời cơ chiến lược trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975

Sau khi Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết (27/1/1973), tương quan lực lượng địch - ta trên chiến trường miền Nam có sự thay đổi căn bản, theo hướng có lợi cho ta và bất lợi cho địch. Đây là thời cơ rất lớn, mở ra cuộc tiến công quyết định để có thể giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà (Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) nhớ lại: Ngày 24/5/1973 Bộ Chính trị họp hội nghị mở rộng với đại biểu của các chiến trường để nghiên cứu, thảo luận, phân tích âm mưu, hành động Mỹ - ngụy, đánh giá thực trạng của miền Nam sau Hiệp định Paris, đánh giá lực lượng giữa ta và địch, dự kiến khả năng phát triển tình hình cũng như nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam. Tiếp sau Hội nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ 21 (hội nghị được tiến hành trong hai đợt, đợt I từ ngày 19/6 đến ngày 6/7/1973 và đợt II từ ngày 1/10 đến ngày 4/10/1973) xác định, việc Mỹ rút quân đã tạo cơ hội rất lớn cho chúng ta giải phóng miền Nam. Đảng đã quyết định tập trung toàn bộ lực lượng, toàn bộ cơ sở vật chất mà chúng ta có để đưa vào miền Nam.

Từ tháng 4/1973, theo chỉ thị của đồng chí Lê Duẩn, Bộ Tổng tham mưu xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Kế hoạch này được sửa đổi 8 lần, đến cuối năm 1973, cơ bản thống nhất kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm (dự kiến 1975 - 1976).

Chuẩn bị công phu, bí mật và chủ động

Trong vòng 2 năm kể từ khi kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam được xây dựng, để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công, ta đã đưa 11 vạn bộ đội, vận chuyển hơn 400.000 tấn vật chất vào miền Nam; Dồn toàn bộ sức lực còn lại của miền Bắc cho trận cuối cùng. Chúng ta cũng thành lập ra những quân đoàn chủ lực. Trong đó, Quân đoàn 1 thành lập ngày 24/10/1973, Quân đoàn 2 thành lập ngày 17/5/1974, Quân đoàn 3 thành lập ngày 26/3/1975 (khi đang trong quá trình đánh Tây Nguyên). Đó là những đơn vị sắm vai trò chủ công trong cuộc tổng tấn công. Chúng ta cũng xây dựng được hệ thống mạng lưới đường xá, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu, hệ thống hơn 10.000 km dây thông tin cho cuộc tổng tiến công.

Trưa 30/4/1975, xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN

Điều khiến Đảng ta băn khoăn khi đó là, nếu chúng ta đánh, Mỹ có quay trở lại không? Tuy nhiên, sau khi tổng hợp tất cả các yếu tố, đặc biệt là tháng 8/1974, khi tổng thống Mỹ Nixon, người ủng hộ nhiều nhất cho quân đội Việt Nam cộng hòa, buộc phải từ chức vì vụ bê bối Watergate, Đảng ta nhận định, thời cơ của cuộc tổng tiến công lớn đã đến, đồng thời cùng Quân ủy TƯ, Bộ Tổng tư lệnh vạch ra kế hoạch Tổng tiến công mùa xuân 1975.

Để thử phản ứng của Mỹ, ta đã mở một cuộc trinh sát chiến lược, thực hiện chiến dịch giải phóng Phước Long. Đến ngày 6/1/1975, sau khi giải phóng thị xã Phước Long, kết thúc chiến dịch, phía Mỹ cũng chỉ phản ứng chiếu lệ. Điều này giúp ta khẳng định Mỹ sẽ không quay trở lại Việt Nam.

Cuộc tổng tiến công này có nhiều điều đặc biệt: Thứ nhất, công tác chuẩn bị rất bí mật. Ngay từ tháng 1/1975 Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã được bí mật điều vào miền Nam, đại diện Bộ Chính trị cùng quân dân miền Nam chỉ đạo cuộc tiến công này. Chúng ta cũng xác định Tây Nguyên sẽ là chiến trường mở màn cho cuộc tổng tiến công. Chính vì vậy, từ trước đó, trong các tập bài của học viện quân sự cao cấp, các giáo viên đã ra các tình huống cho học viên, là những cán bộ cao cấp trong quân đội về các tình huống đánh các vị trí, thị xã trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Chiến dịch Tây Nguyên được vạch ra rất bí mật, trưởng phòng tác chiến mặt trận Tây Nguyên được đưa ra Hà Nội họp với Bộ Tổng tham mưu, phải học thuộc lòng tất cả các tình huống, phương án tác chiến rồi đi vào, mà không được phép ghi chép bất cứ điều gì.

Điều đặc biệt thứ 2 là chúng ta đã tổ chức nghi binh trong Chiến dịch Tây Nguyên rất tốt. Đây là “cuộc nghi binh hoàn hảo” trong kháng chiến chống Mỹ, chúng ta đã giữ được bí mật đến phút chót, khiến quân đội chính quyền Sài Gòn bất ngờ. Chính quyền Sài Gòn luôn cho rằng, chúng ta sẽ tấn công Pleiku và Kon Tum, nên đã đưa toàn bộ quân đi phòng thủ 2 địa phương này, mà không phòng thủ Buôn Mê Thuột. Đến đêm 9/3, khi quân ta đánh chiếm Buôn Mê Thuột, địch bị bất ngờ, không kịp trở tay, và đến trưa ngày 11/3, ta đã chiếm được thị xã Buôn Mê Thuột.

Thời cơ chiến lược

Việc ta đánh Buôn Mê Thuột là đòn điểm huyệt, làm rung động thế bố trí của toàn quân đội Sài Gòn ở Tây Nguyên. Không bao giờ nghĩ chúng ta dám đánh thị xã lớn nhất Tây Nguyên, nên khi bị đánh chiếm xong Buôn Mê Thuột, quân đội Sài Gòn có phản kích, tái chiếm mấy lần nhưng không được. Lúc này, Nguyễn Văn Thiệu và tướng lĩnh ngụy quyền Sài Gòn đã phạm sai lầm lớn về chiến lược, đó là rút bỏ khỏi Tây Nguyên để lui về cố thủ giữ Sài Gòn và các tỉnh duyên hải miền Trung. Sai lầm này của Nguyễn Văn Thiệu đã dẫn đến sự sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn, đồng thời tạo ra thời cơ chiến lược rất lớn cho ta.

Việc ngụy quyền Sài Gòn rút chạy khỏi Tây Nguyên là tình huống chiến lược ngay cả Quân ủy TƯ và Đảng ta cũng không lường tới. Không ngờ được là ta chỉ đánh mỗi trận Buôn Mê Thuột mà lại chiếm được cả Tây Nguyên. Chính vì ta không lường được việc quân Sài Gòn rút chạy, nên chúng ta cũng không có phương án chặn đánh khi địch rút chạy. Đây là một thực tế, bởi theo kế hoạch, ta đánh Buôn Mê Thuột và các địa bàn trên Tây Nguyên, dần dần theo tình hình mới tập trung đánh nơi khác và đến năm 1976 mới mở cuộc tổng tiến công.

Tuy nhiên, sau khi đánh chiếm Buôn Mê Thuột, các trinh sát ta phát hiện máy bay lên xuống liên tục, các gia đình chính quyền Sài Gòn vội vàng mua vé máy bay rời khỏi đó hết, nên các trinh sát phán đoán có lẽ địch sẽ rút chạy. Lúc này, các đơn vị của Nguyễn Văn Thiệu ở Tây Nguyên đã lặng lẽ theo một số đường đi xuống duyên hải miền Trung. Các đơn vị của ta phát hiện, báo lên Bộ Chỉ huy chiến dịch và đồng chí Văn Tiến Dũng. Do không chuẩn bị phương án chặn đánh từ trước, nên Bộ chỉ huy và đồng chí Văn Tiến Dũng lệnh cho các đơn vị vừa truy kích, bám theo và chặn đánh quân đội Sài Gòn.

Khi các đơn vị của chúng ta đang bám theo quân đội Sài Gòn trên đường chạy xuống các tỉnh duyên hải miền trung, Đại tướng Văn Tiến Dũng nhận được lệnh từ Bộ Chính trị điện về, yêu cầu dừng truy kích, quay trở lại phát triển dọc Tây Nguyên. Khi nhận được bức điện, Đại tướng Văn Tiến Dũng rất ngạc nhiên, không hiểu sao Hà Nội lại có chỉ đạo như vậy. Ông không trả lời, cứ để anh em tiếp tục bám theo truy kích và đánh địch. Sau đó, ông lại nhận được một bức điện thứ 2, có nội dung kiên quyết hơn, nội dung đại ý yêu cầu quân ta dừng truy kích, quay ngay trở lại phát triển dọc Tây Nguyên và đánh từ Tây Nguyên xuống Tây Ninh sau đó vào Sài Gòn.

Nhận được bức điện thứ 2, Đại tướng Văn Tiến Dũng không thể không trả lời, ông trăn trở rồi quyết định thảo một bức điện gửi về Bộ Chính trị, nội dung bức điện đại ý: Mọi việc trong này, anh Năm Công (tức đồng chí Võ Chí Công - khi đó là bí thư Liên khu 5) sẽ ra báo cáo các anh, còn xin đề nghị cho chúng tôi tùy tình hình trong này để triển khai… Và đại tướng Văn Tiến Dũng tiếp tục chỉ huy các lực lượng quân ta bám đánh quân đội Sài Gòn theo các con đường 7, 5, 19, 21 xuống duyên hải miền Trung.

Về tình huống này, qua nghiên cứu, PGS - TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện lịch sử Đảng cho rằng, nếu khi đó Bộ chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên và Đại tướng Văn Tiến Dũng chấp hành lệnh của Bộ Chính trị, dừng truy kích và quay trở lại phát triển dọc Tây Nguyên, thì chưa biết cuộc tổng tiến công của chúng ta sẽ kéo dài đến khi nào. Vì khi ta truy kích quân địch xuống duyên hải miền Trung, vô hình trung chúng ta đã cô lập được quân khu 1 của địch. Đây là điều về mặt chiến lược mà Bộ chỉ huy quân sự Tây Nguyên thấy rất rõ, nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lệnh cho Đại tướng Lê Trọng Tấn, trong vòng 3 ngày phải giải phóng Huế và Đà Nẵng để khớp được kế hoạch tiến công. Ngày 26/3, ta giải phóng Huế và ngày 29/3, ta giải phóng Đà Nẵng.

Khi giải phóng được Huế và Đà Nẵng, ta đã hoàn thành một nửa chặng đường của chiến dịch. Nhưng quan trọng nhất lúc này, là thời cơ chiến lược xuất hiện ngày càng rõ. Nếu như khi ta chiếm được Tây Nguyên, Bộ Chính trị xác định, trong suốt 20 năm chiến tranh giải phóng, chưa bao giờ có thời cơ thuận lợi như lúc này, và bắt đầu chuyển sang kế hoạch thời cơ, tức là cố gắng giải gắng giải phóng miền Nam trước mùa mưa (mà không dùng kế hoạch 2 năm nữa). Đến khi giải phóng Huế, Đà Nẵng xong, Bộ Chính trị xác định, cố gắng giải phóng miền Nam trong tháng 4.

Sau khi giải phóng Đà Nẵng, giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung, việc đánh vào Sài Gòn trở nên đơn giản hơn nhiều. Quân ta chỉ vấp phải phòng tuyến vòng ngoài cùng là Phan Rang. Sau khi đánh Phan Rang, phá vỡ cánh cửa thép Xuân Lộc, ngày 19/4 đến 21/4, Nguyễn Văn Thiệu lên đài truyền hình tuyên bố từ chức. Ngày 26/4, ta bắt đầu mở chiến dịch Hồ Chí Minh với lực lượng áp đảo, gấp 3 lần lực lượng quân đội Sài Gòn. Ta tập trung khoảng 15 vạn quân đánh vào Sài Gòn. Đây là chiến dịch lực lượng mạnh nhất, tập trung đông nhất, chiến dịch diễn ra ngắn ngày nhất (chỉ trong 4 ngày).

Từ những diễn biến dẫn đến thời cơ thuận lợi nhất cho cuộc chiến cho thấy, trong chỉ đạo chiến lược, nếu chúng ta chỉ cần có quyết định khác một chút, tình thế sẽ khác hẳn. Và rất may mắn là chúng ta có những quyết định chính xác, đúng đắn cho cuộc tổng tiến công. Góp phần vào chiến thắng to lớn, nhanh chóng cho chúng ta trong cuộc tổng tiến công năm 1975.

Phương Lan (ghi)
Báo chí Argentina đưa tin Việt Nam kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam
Báo chí Argentina đưa tin Việt Nam kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam

Trang mạng Dossiercultural của Argentina ngày 1/5 đã đăng bài viết về sự ủng hộ của nhân dân Argentina đối với Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN