Cầu Thăng Long - biểu tượng tình hữu nghị Việt-Xô

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được khởi công xây dựng ngày 26/11/1974 và chính thức khánh thành ngày 9/5/1985, sau 11 năm thi công. Cầu được xem là một trong những biểu tượng của tình hữu nghị Việt-Xô.

 

Cầu Thăng Long được xây dựng nhằm tăng thêm khả năng kết nối của Hà Nội sang bên kia sông Hồng vốn chỉ có mỗi cầu Long Biên đã quá tải.Cầu được khởi công xây dựng trên đất làng Vẽ, hay còn gọi là Kẻ Vẽ, bây giờ gọi là phường Đông Ngạc thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, với sự giúp đỡ về mặt kỹ thuật và công nghệ của chuyên gia Trung Quốc và Liên Xô.

 

Công trường xây dựng cầu Thăng Long trải rộng 192 hécta thuộc 8 xã của 2 huyện Đông Anh và Từ Liêm, và mô hình xí nghiệp liên hợp gọi theo đúng nghĩa của nó là một điều đặc biệt mới mẻ với nghề xây dựng cầu lúc bấy giờ.

 

Cầu Thăng Long là công trình đầu tiên mà cán bộ và công nhân xây dựng cầu Việt Nam trực tiếp thi công, đồng thời là cây cầu có quy mô lớn vào loại bậc nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á thời điểm đó. Ảnh: TTXVN

 

Lần đầu tiên người thợ cầu Việt Nam được tiếp xúc với nhiều vấn đề tổ chức thi công và phương pháp kỹ thuật mới, trong đó tiêu biểu là đắp đảo bằng bao tải, thay thế khung vây cọc ván thép để xây dựng móng giếng chìm cỡ lớn rộng 18m và bịt đáy trụ cầu ở một độ sâu 40 mét trong nền địa chất sét, cát, sỏi cuội.

 

Vào những năm 70 của thế kỷ XX, việc thi công móng trụ cầu bằng công nghệ “định vị giếng chìm chở nổi” đối với thợ cầu Việt Nam hết sức xa lạ. Song với sự giúp đỡ của các chuyên gia Trung Quốc và Liên Xô, 16 trụ cầu chính đã được xây dựng trong điều kiện khó khăn, luôn phải chống chọi với mưa lũ.

           

Tiếp theo đó, khi lắp những dàn dầm thép đồ sộ, lần đầu tiên người thợ cầu được học hỏi và tiếp xúc với quy trình công nghệ mới của Đông Âu. Những công việc phun cát, phun sơn, lấp hẫng các dàn dầm thép bằng bu-lông cường độ cao đã được bàn tay của người thợ cầu Việt Nam dựng lên trong sự kính nể của các chuyên gia Liên Xô thời đó.

 

Cầu Thăng Long có hai tầng. Tầng dưới, ở giữa là hai tuyến đường sắt (thiết kế theo khổ ray 1.435 mm), hai bên là đường xe thô sơ 3,5 m (có thể chạy ô tô 10 tấn). Tầng trên là đường ô tô rộng 15 mét, cho 4 làn xe chạy; hai bên là đường dùng cho người đi bộ rộng 1,5 mét. Chiều dài toàn cầu tính theo đường sắt (tầng dưới) là 5.503 mét, tính theo đường ô tô (tầng trên) là 3.115 mét, theo đường xe thô sơ là 2.658 mét. Phần cầu chính (vượt sông) gồm 15 nhịp dầm thép, khẩu độ mỗi nhịp 112 m. Móng trụ cầu chính đều dùng giếng chính. Phần cầu dẫn ở hai bên bờ đều dùng dầm bê tông dự ứng lực. Các trụ dẫn cầu đều dùng móng cọc ống phi 55 cm.

 

Cầu Thăng Long - một biểu tượng của tình hữu nghị Việt-Xô - được khánh thành vào ngày 9/5/1985, nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng phát xít. Tuy nhiên, thời gian này cầu Thăng Long đã không phát huy được ưu thế của nó. Lý do là  đường dẫn lên cầu lúc đó quá chật hẹp, có đoạn chỉ khoảng 3,5 mét, ô tô tránh nhau không đơn giản, đường thì xấu thành ra người ở ngoại thành cứ thẳng đường Yên Viên, qua Đông Anh rồi về cầu Long Biên, tới Hà Nội. Mặt khác, thời đó xe máy không có nhiều, phương tiện lưu thông chủ yếu bằng xe đạp. Mà đi xe đạp lên cầu Thăng Long thì chỉ có cách là dắt bộ vì cầu cao và dốc, lại dài hàng km, do vậy qua sông thì đi phà Chèm tiện hơn.

 

Tới thời kỳ đất nước đổi mới, nhu cầu đi lại bằng ô tô và máy bay nhiều hơn, Nhà nước đã đầu tư làm con đường cao tốc nối từ cầu Thăng Long đi thẳng lên sân bay Nội Bài. Chính nhờ con đường ấy mà xe cộ lên cầu bắt đầu đông đúc. Kể từ đây, câu cầu có quy mô vào bậc nhất Việt Nam đã phát huy tác dụng lớn lao của nó. Các vùng đất Từ Liêm, Đông Anh trở thành điểm hội tụ trong đầu mối giao thông phía Tây và Tây Bắc Thủ đô.

 

Hàng loạt các công trình giao thông được mở và xây mới. Ở phía Nam cầu Thăng Long có các trục đường Cầu Giấy, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt… Đặc biệt từ cầu Thăng Long đã hình thành thêm tuyến đường sắt phía Tây Hà Nội, từ Ngọc Hồi qua Hà Đông, Cổ Nhuế qua cầu Thăng Long đến ga Vân Trì – Đông Anh. Trục đường sắt này đã làm giảm lưu lượng các chuyến tàu hỏa qua các phố trung tâm trong thành phố.

 

Các công trình kiến trúc công sở và dân dụng bắt đầu mọc lên hình thành các dãy phố. Các công trình kiến trúc có quy mô lớn, đã và đang làm biến đổi một vùng nông thôn rộng lớn của huyện Thanh Trì trở thành đô thị. Đó thực sự là một kỳ tích trong phát triển đô thị của Hà Nội kể từ khi có cầu Thăng Long.

 

Năm tháng qua đi, nhiều cây cầu mới khác được xây dựng vượt qua sông Hồng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhưng cầu Thăng Long vẫn có một vẻ đẹp riêng và là chiếc cầu hữu nghị nối liền thủ đô với sân bay Nội Bài, cửa ngõ quan trọng đưa khách quốc tế đến Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

 

 

TTTL/TTXVN

Hà Nội và những cây cầu - Kỳ 1: Những “biểu tượng” trên sông
Hà Nội và những cây cầu - Kỳ 1: Những “biểu tượng” trên sông

“… Cho đến ngày hôm nay, trừ cây cầu Long Biên... đã gần như hoàn thành sứ mạng giao thông vĩ đại của mình qua suốt hơn một thế kỷ, để trở thành một di sản văn hóa, thì hầu như các cây cầu mới đã làm và đang làm...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN