Bác Hồ trong ký ức con gái đỡ đầu Elisabeth Aubrac

Dù chưa một lần được gặp Bác Hồ khi Người còn sống nhưng trong suy nghĩ và tình cảm của bà Elisabeth Helfer Aubrac, vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam luôn là một người thân trong gia đình, lớn lên cùng với tuổi thơ của bà, luôn dành cho bà tình cảm và sự quan tâm sâu sắc.

Bác Hồ bế con gái nuôi Elizabeth. Bên cạnh là bà Lucie Aubrac. Ảnh tư liệu.


Khi Aubrac chào đời vào ngày 15/8/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người bạn của cha bà, ông Raymond Aubrac - đang có mặt tại Pháp để dự Hội nghị Fontainebleau, đã đến tận nhà hộ sinh Port-Royal tại Paris để thăm hai mẹ con bà, tặng quà và nhận bà làm con đỡ đầu.

Trong căn hộ của vợ chồng bà Aubrac tại phố Condorcet, quận 9, trung tâm Paris, bà đã kể cho chúng tôi về mối quan hệ mật thiết giữa cha bà, ông Raymond Aubrac - một nhà kháng chiến chống phát xít nổi tiếng ở Pháp, với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam.

Qua lời kể chúng tôi được biết: Năm 1944, ông Raymond Aubrac giữ chức Ủy viên vùng Marseille, một chức vụ tương đương với chức Tỉnh trưởng hiện nay. Trong quá trình đi thị sát, ông phát hiện một trại lao động với điều kiện sinh hoạt hết sức tồi tàn, tạm bợ, nơi các lính thợ (ONS) Việt Nam bị “giam lỏng” và bị Ban quản lý trại đối xử như các nô lệ. Khi đó, ông Aubrac đã can thiệp và yêu cầu cải thiện điều kiện sống của những người lao động Việt Nam. Chính vì lý do đó nên khi Bác Hồ đến thăm chính thức nước Pháp năm 1946, ông Aubrac đã được các hội đoàn người Việt Nam tại Pháp giới thiệu và mời tham dự cuộc gặp gỡ với Người tại vườn hồng Bagatelle tại Paris vào tháng 7/1946. Tại cuộc gặp, cảm nhận được sự gần gũi giữa những người theo lực lượng kháng chiến Pháp và nhân dân Việt Nam đang chống chủ nghĩa thực dân, ông Aubrac đã mời Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở nhà mình tại Soisy-sous-Montmorency, ngoại ô phía Bắc Paris. Tình bạn giữa hai người đã trở nên thân thiết từ những ngày đó.

Bà Elisabeth Helfer Aubrac nói: “Tình bạn đó đã vô cùng thân thiết ngay từ những ngày Bác Hồ đến ở cùng gia đình chúng tôi. Người nói chuyện hết sức cởi mở và gần gũi với bà ngoại và mẹ của tôi, Người cũng hay đàm đạo về các vấn đề chính trị với cha tôi và nhiều đồng chí khác. Giữa cha tôi và Chủ tịch Hồ Chí Minh có một sợi dây gắn bó vô cùng bền chặt. Chính vì vậy, dù sau này sống cách xa nhau, không thường xuyên gặp gỡ, nhưng họ không ngừng quan tâm đến nhau và vẫn luôn giữ mối liên hệ với nhau”.

Năm 1955, ông Aubrac đến Bắc Kinh triển khai một dự án hạ tầng, tại đây ông đã gặp Hồ Chủ tịch khi Người đang trên đường đi Moskva. Hồ Chủ tịch đã đề nghị ông dành thời gian giúp Việt Nam nối lại cuộc đàm phán với phía Pháp về thỏa thuận thương mại Việt - Pháp. Ông Aubrac đã vui vẻ nhận lời. Tận dụng các mối quan hệ với các thành viên đoàn đàm phán của Pháp, ông đã giúp hai bên nhất trí và đi đến việc ký kết Bản thỏa thuận thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Pháp. Nhưng để làm được điều đó, ông đã phải dành 5 ngày và 4 đêm để đi tàu hỏa từ Bắc Kinh đến Hà Nội và ở lại đó hai tuần nhằm gặp gỡ, trao đổi với hai phái đoàn.

Cuộc hội ngộ lần thứ ba giữa ông Aubrac và Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra năm 1967, thời điểm cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam ngày càng trở nên khốc liệt với việc Mỹ đẩy mạnh sự hiện diện quân sự tại miền Nam và tăng cường các đợt ném bom đánh phá miền Bắc. Ông Aubrac đã đến Hà Nội với sứ mạng giúp Washington và Hà Nội trao đổi thông điệp nhằm mở đường cho cuộc thương lượng về việc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, một việc làm theo đề nghị của Phong trào các nhà khoa học thế giới (Prugwash). Tuy nhiên, cuộc gặp đã không đem lại kết quả mong muốn.

Về sự gắn bó thủy chung của cha bà với Việt Nam, bà Elisabeth Helfer Aubrac kể lại với ánh mắt tự hào: “Ngay cả khi Chủ tịch Hồ Chí Minh không còn nữa, Việt Nam đã thống nhất, cha tôi vẫn tiếp tục giúp đỡ Việt Nam với các việc làm cụ thể như kêu gọi Mỹ chấm dứt việc ném bom đê sông Hồng vào năm 1972, thực hiện chương trình trợ giúp của Liên hợp quốc cho Việt Nam thống nhất vào năm 1976, yêu cầu Mc Namara chuyển cho Việt Nam sơ đồ các bãi mìn ở vĩ tuyến 17 vào năm 1979”. Ngoài ra, cha tôi cũng tham gia vào nhiều chương trình hợp tác trong các lĩnh vực hạ tầng cơ sở như đường bộ, đường sắt, hệ thống điện… giữa Việt Nam với Pháp cũng như giữa Việt Nam và nhiều tổ chức của Liên hợp quốc”.

Bà cũng giải thích thêm rằng với tư cách là người “đưa thoi” giữa Washington và Hà Nội vào năm 1967, ông Aubrac đã quen biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Robert Mc Namara. Sau năm 1975, ông Aubrac đã thuyết phục Mc Namara khi đó đã trở thành Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) chuyển tới Chính phủ Việt Nam bản đồ các bãi mìn dọc theo “bức tường điện tử Mc Namara” tại khu phi quân sự tại vĩ tuyến 17 nhằm giảm bớt các thương vong sau chiến tranh.

Có thể nói ông Raymond Aubrac đã kiên trì ủng hộ Việt Nam từ những ngày trứng nước của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến những năm Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ. Ông đã nỗ lực hết mình để góp phần thiết lập hòa bình và hàn gắn vết thương chiến tranh cho Việt Nam.

(Còn tiếp)

Bích Hà (P/v TTXVN tại Pháp)
Kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các nước
Kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các nước

Những hoạt động kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tổ chức long trọng tại Lào, Thái Lan, Hàn Quốc và Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN