09:10 23/09/2012

Đạp xe xuyên Việt đem Trung thu đến trẻ em nghèo

Bằng chiếc xe đạp rất bình thường và một số vật dụng cá nhân, một sinh viên đã đạp xe xuyên Việt với ước mong đem lại một cái Tết Trung thu giản dị nhưng ý nghĩa cho những trẻ em nghèo nơi mình đi qua.

Bằng chiếc xe đạp rất bình thường và một số vật dụng cá nhân, một sinh viên đã đạp xe xuyên Việt với ước mong đem lại một cái Tết Trung thu giản dị nhưng ý nghĩa cho những trẻ em nghèo nơi mình đi qua. Đó là hành động và tâm nguyện rất đáng quý của sinh viên Triệu Tiến Ly, Trường Cao Đẳng Bưu chính viễn thông Hà Nội.


Ước mơ bình dị


Sau cơn mưa trời lại càng oi bức hơn. Trong cái nắng nhạt, trên đường phố Tam Kỳ (Quảng Nam), chúng tôi gặp chàng sinh viên Triệu Tiến Ly đang trên hành trình xuyên Việt bằng xe đạp. Đầu chỉ quấn một cái khăn, mồ hôi nhễ nhại, em đang cố gắng hoàn tất mục tiêu là đầu giờ chiều đến được trung tâm nội thành của tỉnh Quảng Ngãi. Tiếp xúc với Ly trong một khoảng thời gian không nhiều, nhưng chàng sinh viên đã để lại cho chúng tôi những ấn tượng đáng nhớ.


Triệu Tiến Ly trên đường Phan Bội Châu, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam.


Theo lời kể của Triệu Tiến Ly thì mong muốn đạp xe một mình xuyên Việt của em đã có từ lâu, nhưng do nhiều lý do nên chưa thực hiện được. Tháng 7 vừa rồi em cũng đã có một cuộc hành trình xuyên Việt bằng xe đạp nhưng lần ấy đi cùng với một đoàn tình nguyện nên em chưa bằng lòng lắm với chính mình. Nhân mùa Trung thu năm nay, Ly quyết định một mình một "ngựa sắt" đem chút ấm áp đến cho những trẻ em nghèo, khó khăn ở những nơi mình đi qua.


Xuất phát từ 5 giờ sáng ngày 8/9/2012 tại Hà Nội, cuộc hành trình của Triệu Tiến Ly qua các tỉnh miền Bắc, miền Trung.


Trao đổi với chúng tôi, Ly hào hứng kể: "Đến bây giờ, càng đi tôi càng thấy hứng thú và khỏe ra. Chỉ có ngày đầu tiên là hơi mệt bởi chưa quen. Sang các ngày tiếp theo, ngày nào tôi cũng cố gắng đạp gần 100 km với vận tốc trung bình khoảng hơn 30 km/giờ. Mục tiêu của tôi là vào tới tỉnh Đồng Nai, liên hệ với bạn bè của tôi ở đó, tổ chức một cuộc vui nho nhỏ Trung thu cho trẻ em nghèo, tàn tật và phát quà cho các em thuộc gia cảnh khó khăn. Ngoài ra, trên đường đi, tôi sẽ cố gắng liên hệ với bạn bè quen biết để giúp đỡ và kết nối những mảnh đời khó khăn (nhất là trẻ em) đến với những mạnh thường quân ở Hà Nội mà tôi biết để được sự bảo trợ cả về vật chất lẫn tinh thần...".


Hôm đến Đà Nẵng, Ly đã làm được một việc có ý nghĩa là kết nối được bệnh nhân Trần Thị Hoa đang rất cần máu được đến với ngân hàng máu sống của một tình nguyện viên mà Ly quen.



Trong câu chuyện, Triệu Tiến Ly còn mong muốn bằng hành động của mình, kết nối và mong mọi người hãy chung tay làm những việc có ý nghĩa giúp đỡ người khó khăn, tàn tật, cơ nhỡ. Không cần phải tổ chức rầm rộ, mỗi người bằng chính sức của mình đều có thể giúp đỡ những người khó khăn hơn mình.


Theo Ly, không ít tổ chức thiện nguyện của thanh niên Thủ đô nói riêng và thanh niên cả nước nói chung lập ra, hành động tuy có hiệu quả nhưng đôi khi vì cái tôi của tổ chức, đôi khi còn có động cơ ganh tị với các nhóm thiện nguyện khác và cố tình đánh bóng tên tuổi của mình. Ly không thích điều đó. Đều hành động vì cộng đồng, Ly mong mọi người hòa đồng, gạt bỏ cái tôi để cùng chung một tấm lòng...


Vượt qua những trở ngại


Từ phường Dương Nội, Hà Đông (Hà Nội) đến Quảng Nam, để bảo đảm tiến độ cuộc hành trình, Triệu Tiến Ly rất ít khi nghỉ ngơi dù bạn bè của em trong các tổ chức thiện nguyện trên cả nước mời ở lại. Em chỉ nghỉ ở Thanh Hóa, Vinh, Huế và Đà Nẵng.


Đặc biệt, qua 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, Ly không dừng lại, chỉ uống nước và đi tiếp xuyên đêm. Đến đèo Hải Vân (địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ly quyết định leo đèo mà không chạm chân xuống đất. Ly cho biết, ban đầu rất lo vì sợ những cung đường đèo quanh co, cao và rất nguy hiểm, dừng lại dắt bộ thì tốn thời gian, tốn sức. Vì vậy, em quyết định liều vượt đèo và thả đèo. May mắn là em đã thành công với nguyện vọng của mình.


Trở ngại không nhỏ của Triệu Tiến Ly là em không quen đi xe đạp đường xa, chưa có nhiều kinh nghiệm như những người xuyên Việt trước. Ngay cả chiếc xe đạp Ly sử dụng trong chuyến đi này cũng rất bình thường chứ không phải là một xe đua hoặc xe chuyên dụng để leo dốc, vượt đèo, như những nhóm xuyên Việt thường dùng.


Bởi vậy, dù mang theo một số phụ tùng thay thế và công cụ hỗ trợ như bơm, miếng vá... nhưng đôi lúc Triệu Tiến Ly phải lo lắng, nhất là qua những cung đèo dài và cao như đèo Hải Vân.


Nhưng chàng sinh viên bưu chính viễn thông vẫn rất tự tin, Ly cho biết: "Kỷ lục xuyên Việt gần đây nhất của tôi là từ Sài Gòn ra Hà Nội trong vòng 7 ngày. Tôi sẽ quyết tâm vượt qua kỷ lục ấy trong chuyến đi tới dù xe của tôi không bằng xe các bạn xuyên Việt khác, nhưng tôi tin sức khỏe và nhất là lòng quyết tâm của mình sẽ đưa tôi đến mục tiêu hoàn thành tốt đẹp. Sau khi tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em nghèo tại tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh khác phía Nam, sau đó để làm một số công tác thiện nguyện khác, tôi sẽ dồn sức cho chuyến đạp về, với mục tiêu hành trình dưới 7 ngày. Dự tính của tôi là về tới Hà Nội trước ngày 15/10/2012 để kịp vào học năm học mới. Giờ tôi rất quyết tâm...".


Được biết, trên con đường thiện nguyện nói chung và xuyên Việt với mục đích tốt đẹp của Triệu Tiến Ly, gia đình và đông đảo bè bạn em đều ủng hộ hết mình. Bạn bè trên cả nước quen và các mạng xã hội đều nhiệt tình tiếp đón và tương trợ cho Ly khi đến địa phương.


Ba mẹ dặn dò Ly phải cẩn thận để chinh phục khó khăn và chiến thắng chính bản thân. Đường đi tuy rất khó khăn, chông gai, nguy hiểm nhưng sẽ là điều đáng học tập của nhiều thanh niên, là niềm tự hào không nhỏ của gia đình...


Không ngồi với chúng tôi được lâu, Triệu Tiến Ly vội vàng xin lỗi để tiếp tục cuộc hành trình xuyên Việt của mình. Nhìn bóng áo xanh của Ly xa dần dưới nắng trưa và lá cờ đỏ sao vàng cắm sau xe tung bay trong gió thu, tôi tin rằng mục tiêu của Ly trên chuyến đi này cũng như trên con đường thiện nguyện còn rất dài của em sẽ thành công, sẽ đem lại được nhiều niềm vui và ý nghĩa cho cộng đồng và cho chính bản thân em...



Bài và ảnh:Thành Giang