07:20 15/07/2012

Đáp án môn Lịch sử chưa sửa đổi triệt để

Nội dung câu 4a là khái quát chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kì Chiến tranh lạnh, đã được điều chỉnh đáp án. Một số giáo viên dạy môn Sử cho rằng đáp án môn Lịch sử (khối C) của Bộ GD – ĐT có nhiều bất ổn. Nếu chấm máy móc thì học sinh sẽ mất nhiều điểm.

Trưa ngày 15/7, Ban chỉ đạo tuyển sinh, Bộ GD- ĐT cho biết có điều chỉnh đáp án và phiếu chấm môn Lịch sử kỳ thi ĐH, CĐ đợt 2, phần điều chỉnh nằm trong câu 4a.


Nội dung câu 4a là khái quát chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kì Chiến tranh lạnh. Một số giáo viên dạy môn Sử cho rằng đáp án môn Lịch sử (khối C) của Bộ GD – ĐT có nhiều bất ổn. Nếu chấm máy móc thì học sinh sẽ mất nhiều điểm.


Tuy nhiên, đáp án đã sửa đổi của Bộ GD – ĐT cũng khiến nhiều giáo viên dạy chuyên môn Lịch sử chưa thực sự thỏa mãn.


Trao đổi với Tin tức, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy môn Lịch sử, trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) nói: “Chúng tôi ghi nhận tinh thần sớm tiếp thu về những bất ổn trong đáp án chính thức môn Lịch sử từ Bộ GD – ĐT. Bộ đã sửa đổi đáp án chứng tỏ đã thừa nhận là có những điểm chưa được. Tuy nhiên, ý kiến của tôi cũng như nhiều giáo viên dạy Sử đều thấy đáp án đã sửa đổi chưa triệt để”.


Thầy Hiếu dẫn chứng, câu 1 là câu học sinh dễ bị mất điểm nhiều nhất thì Bộ không điều chỉnh. Lẽ ra nội dung 4 ý cần điều chỉnh các ý về thang điểm nhưng Bộ vẫn giữ nguyên.


Một số giáo viên dạy môn Sử cho rằng đáp án môn Lịch sử (khối C) của Bộ GD – ĐT có nhiều bất ổn. Ảnh Quý Trung - TTXVN.


Thầy Trần Trung Hiếu đặt câu hỏi: “Hiện nay các trường đã tiến hành chấm thi. Vậy với những bài thi đã chấm theo đáp án chưa điều chỉnh thì sẽ ra sao. Liệu họ có thiệt thòi không”.


Cùng quan điểm này, cô Phạm Lê Trang Đài, giáo viên dạy Lịch sử, trường THPT chuyên Quang Trung (Bình Phước) cho biết, trong đáp án sửa đổi môn Lịch sử, ở câu 4 Bộ đã bỏ đi một ý là rất hợp lý.


Tuy nhiên trong điều chỉnh đó vẫn còn có những cái chưa triệt để. Cụ thể ở câu 1 là thang điểm chưa hợp lý.


Câu 1 nêu “Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực nhân Pháp đã tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?”. Có thể thấy yêu cầu chính của câu hỏi là phần “tác động đến nền kinh tế Việt Nam” nhưng điểm cho phần này là 0,5 điểm.


Trong khi nội dung chương trình khai thác lại được 1,5 điểm. Ở phần này, Bộ nên điều chỉnh xuống từ 0,5 đến 0,75 điểm là hợp lý. Những em học sinh khá giỏi sẽ rất dễ mất điểm nếu theo thang điểm ở câu 1 này”.


Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD – ĐT cho biết, trên cơ sở việc ý kiến của giáo viên chuyên môn phản biện về đáp án đó, Bộ đã yêu cầu tổ ra đề Lịch sử xem xét vấn đề đó. Từ đó có những phần sửa đổi và có những phần không sửa đổi. Tổ ra đề có trách nhiệm chứng minh điều đó.



Lê Vân