10:09 05/10/2012

Đào tạo nghề tại chỗ ở vùng dân tộc thiểu số

Tỉnh Kiên Giang đã thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề ở nông thôn vùng dân tộc thiểu số, qua đó góp phần nâng cao trình độ của lao động địa phương, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

Tỉnh Kiên Giang đã thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề ở nông thôn vùng dân tộc thiểu số, qua đó góp phần nâng cao trình độ của lao động địa phương, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.


Hiện nay, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo nghề tại nông thôn Kiên Giang còn khá cao, trong khi đó đi học xa thì rất khó khăn. Giải pháp hợp lý hơn cả đối với khu vực nông thôn là tổ chức dạy nghề tại chỗ, một mặt giảm chi phí cho đối tượng muốn tham gia học nghề, mặt khác các cơ sở và các trường đào tạo cũng sẽ dễ dàng hơn khi vận động được nhiều người đến học. Ngoài ra, dạy nghề tại chỗ sẽ giúp địa phương thực hiện tốt chủ trương nâng cao trình độ dân trí, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Cách làm này đang được các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh và người lao động đồng tình hưởng ứng.


Em Lê Hữu Anh, ở xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải nghỉ học khi mới lên lớp 10. Đầu tháng 9/2012, xã Bàn Thạch phối hợp với Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang mở lớp trung cấp bảo vệ thực vật với thời gian đào tạo là 3 năm. Thấy được lợi ích từ việc học ngay tại xã vừa tiết kiệm được chi phí ăn ở, điều kiện đi lại, vừa có thời gian phụ giúp việc nhà, nên gia đình động viên Lê Hữu Anh theo học. Trong thời gian học nghề, Hữu Anh còn được học thêm văn hóa tương ứng trình độ phổ thông trung học. Đây là điều kiện để Hữu Anh được xin vào làm ở các doanh nghiệp hay địa phương. Ngoài ra, từ lớp học này, em có đủ tự tin đem kiến thức đã học vào sản xuất trên đồng ruộng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình.


Ngoài khóa đào tạo trung cấp nghề bảo vệ thực vật, Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang còn mở thêm lớp trung cấp xây dựng, chăn nuôi gia súc gia cầm ngay tại địa phương. Chính cách làm này đã tạo điều kiện cho lao động trẻ có điều kiện học tập, trang bị cho mình nghề nghiệp vững vàng để có cơ hội trong quá trình lập thân, lập nghiệp.


Lê Sen