02:09 22/02/2011

Đào tạo “mỳ ăn liền”

Quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa của đất nước luôn gắn liền với việc chuyển dịch cơ cấu ngành nghề lao động, cụ thể là tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ trọng của nông nghiệp trong nền kinh tế.

Quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa của đất nước luôn gắn liền với việc chuyển dịch cơ cấu ngành nghề lao động, cụ thể là tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ trọng của nông nghiệp trong nền kinh tế.


Do đó, cùng với việc hàng ngàn ha đất nông nghiệp phải chuyển đổi mục đích sử dụng, thì cũng có hàng chục ngàn nông dân phải chuyển đổi ngành nghề. Đây cũng là vấn đề nan giải nhất ở hầu hết các dự án đầu tư có lấy đất nông nghiệp.


Thực tế cho thấy, chỉ có một bộ phận nhỏ thanh niên nông thôn được (và có thể) tham gia các khóa đào tạo chuyển đổi nghề. Còn lại những nông dân “cứng tuổi” trở lên rất khó theo học (thường là các lớp đào tạo công nhân cho các doanh nghiệp trong vùng dự án) để có một nghề ổn định nuôi sống gia đình. Nhiều dự án triển khai khó khăn có một phần nguyên nhân từ đây.

Từ nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh Đồng Nai đã có một bước đột phá khá độc đáo. Như ông Ngô Phan Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Định Quán đã đúc rút kinh nghiệm về dạy nghề cho lao động nông thôn vùng lòng hồ Trị An: Nên tập trung vào dạy ngắn hạn, giới thiệu việc làm có thu nhập ngay phù hợp với bà con.


Những năm qua, các lớp dạy nghề ngắn hạn như sửa xe gắn máy, chăn nuôi, đan mây tre… luôn được bà con ưa chuộng. Nhờ đó mà hàng trăm lao động là bà con dân tộc thiểu số và vùng nông thôn đã được dạy nghề, có việc làm ổn định


. Cùng chung đánh giá này, ông Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề khu vực Long Thành - Nhơn Trạch (Đồng Nai) cũng cho biết, bên cạnh việc tập trung khảo sát nhu cầu dạy nghề của thị trường cho học viên dài hạn thì các nghề ngắn hạn đang mang lại hiệu quả.


Trung bình mỗi năm, trường dạy từ 8-10 lớp ngắn hạn cho lao động nông thôn. Sau các khóa học có 70% người tìm được việc làm đúng chuyên ngành đào tạo.

Như vậy, việc nắm bắt được nguyện vọng, khả năng của lao động nông thôn để định hướng đào tạo nghề phù hợp là hết sức cần thiết. Chính quyền địa phương và ngành chức năng cần phối hợp khảo sát, đầu tư thêm trang thiết bị, đội ngũ giáo viên để mở rộng đối tượng và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đúng hướng, hiệu quả.


Có như vậy, người nông dân mới có thể “ly nông bất ly hương”, có cuộc sống ổn định, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Bắc Hà