03:10 26/03/2012

Đạo diễn Titanic thăm điểm sâu nhất thế giới

Đạo diễn James Cameron đã trở thành thợ lặn đầu tiên thực hiện chuyến thám hiểm một mình tới điểm sâu nhất của thế giới, nằm dưới mặt nước biển 11 km.

Đạo diễn James Cameron đã trở thành thợ lặn đầu tiên thực hiện chuyến thám hiểm một mình tới điểm sâu nhất của thế giới, nằm dưới mặt nước biển 11 km.

James Cameron đã bỏ ra nhiều triệu USD để thực hiện chuyến thám hiểm mơ ước của mình. Ảnh Internet.


Trên một chiếc tàu ngầm có tên “Deepsea Challenger” (Thách thức biển sâu), đạo diễn của Titanic đã xuống tới đáy Rãnh Mariana, nằm các đảo Guam 200 dặm về phía tây nam trên Thái Bình Dương. Mất hai tiếng để đạo diễn lừng danh xuống tới vùng đáy nước thăm thẳm này, và từ đầu tiên, khi ông ngoi trở lại mặt nước là: “Mọi thứ đều ổn”.

Tàu Deepsea Challenger được chế tạo tại Australia. Trong vài năm trở lại đây, James Cameron đã âm thầm làm việc với nhóm kỹ sư của mình để thiết kế và chế tạo con tàu nặng 11 tấn, dài hơn 7 mét này. Vị đạo diễn đã mô tả nó là “quả ngư lôi thẳng đứng”, cho phép ông hạ độ sâu rất nhanh.

Khoang của tàu được làm từ thép dày, có thể chịu được áp suất cực lớn ở vùng đáy sâu của đại dương. Trên tàu có gắn rất nhiều đèn và camera, khiến nó trở thành một studio dưới nước, cho phép Cameron có thể thoải mái ghi hình. Ông dự định sẽ làm một bộ phim tài liệu về chuyến thám hiểm “hoàn thành giấc mơ” của mình. Deepsea Challenger cũng được lắp đặt cả những cánh tay robot, cho phép Cameron thu lượm các mẫu đất đá.


Deepsea Challenger được Cameron ví như một "quả ngư lôi chiều thẳng đứng". Ảnh Internet.


Đây là chuyến thám hiểm thứ hai có người lái tới điểm sâu nhất của đại dương, và là chuyến đi đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ qua. Chuyến thám hiểm Rãnh Mariana đầu tiên do trung úy hải quân Mỹ, Don Walsh và nhà đại dương học người Thụy Sĩ Jacques Piccard thực hiện từ năm 1960. Hai người đã trải qua 20 phút dưới đáy biển, nhưng cuộc tiếp đất khuấy động quá nhiều bùn, khiến họ không thể quan sát.

Ông Don Walsh, nay đã ở tuổi 80, vẫn tham gia cùng Cameron và nhóm kỹ sư của ông trong dự án thám hiểm trị giá nhiều triệu USD này.

Ngoài hai cuộc thám hiểm có người lái, các nhà khoa học thế giới đã từng đưa hai tàu tự hành không người lái xuống Rãnh Mariana, trong đó tàu Kaiko của Nhật Bản thực hiện cuộc lặn vào năm 1995 và Nereus của Viện Đại dương học Woods Hole (Mỹ) vào năm 2008.

Rãnh Mariana lớn gấp 120 lần Thung lũng Lớn của Mỹ và có độ sâu lớn hơn chiều cao của núi Everest 1,6 km. Hiện nay, Công ty tàu ngầm Triton của Mỹ đang dự định chế tạo một con tàu bằng kính trong suốt để đưa khách du lịch xuống Rãnh Mariana với giá vé cho một người  250.000 USD.


Thu Hằng