04:10 21/04/2010

Daniel Ellsberg: Người nguy hiểm nhất nước Mỹ - Kỳ 6: Bước ngoặt tư tưởng

Tuy nhiên, từ sự thay đổi trong nhận thức đến chỗ quyết định hành động là một khoảng thời gian dài, với những cuộc giằng co dữ dội trong tư tưởng.

Tuy nhiên, từ sự thay đổi trong nhận thức đến chỗ quyết định hành động là một khoảng thời gian dài, với những cuộc giằng co dữ dội trong tư tưởng. Bước ngoặt của cuộc đấu tranh tư tưởng đó diễn ra vào một ngày cuối tháng 8/1969, khi Ellsberg đến Đại học Haverford ở gần thành phố Philadelphia để dự Hội nghị Liên đoàn Phản chiến Quốc tế (WRI).

Trang bìa cuốn sách “Những bí mật: Hồi ức về Việt Nam và Tài liệu Lầu Năm Góc” của D.Ellsberg.

Tại hội nghị, Ellsberg đã gặp nhiều gương mặt tiêu biểu trong làn sóng quốc tế chống chiến tranh như Bob Eaton hay Pastor Martin Niemoller. Chính họ, những người dám hy sinh cả cuộc đời để đấu tranh chống lại bạo lực và sự bạo tàn của chiến tranh, đã truyền cho ông một sức mạnh tinh thần để đối mặt với gian nan, mà ông biết chắc sẽ phải đương đầu khi quay lưng lại cỗ máy chiến tranh trong chính quyền Mỹ.

Một trong những người đầu tiên tác động tới Ellsberg là Janaki Natajaran Tschannerl, một cô gái Ấn Độ đấu tranh cho hòa bình theo Tư tưởng Gandhi mà Ellsberg đã từng gặp trước đó hơn 1 năm. Janaki là người đầu tiên đưa Ellsberg (khi đó vẫn là một người theo phái “diều hâu” rất tích cực) đến với khái niệm “phi kẻ thù” trong tư tưởng triết học Gandhi của nhà lãnh đạo vĩ đại của Ấn Độ Mahatma Gandhi.

Tại hội nghị WRI, ban tổ chức đã quyết định hủy một ngày họp (27/8/1969) để các đại biểu tới thành phố Philadelphia biểu tình bên ngoài Tòa nhà Bưu điện, phản đối phiên xét xử Bob Eaton – người mà ngay đêm hôm trước Ellsberg đã có cơ hội nói chuyện và nghe những lời thổ lộ về lý tưởng chống chiến tranh tới cùng của anh ta. Trước ngày ra tòa, Eaton vẫn tham gia đầy đủ các hoạt động của hội nghị, kể cả phiên kéo dài tới tận 10 giờ 30 phút đêm, sau đó là tiệc và khiêu vũ.

Eaton đang cầm một cốc bia và miệng không ngớt nói về những chiến lược lâu dài và những chiến thuật để thay đổi nước Mỹ. Ellsberg gợi ý rằng đó không phải là việc để làm vào đêm cuối cùng trước khi ngồi tù. Eaton trả lời ngay lập tức: "Nhưng đó là cách của tôi. Tôi là nhà tổ chức. Tôi sẽ là nhà tổ chức trong tù, giống như khi tôi tự do ở bên ngoài vậy". Câu nói quả quyết của Eaton khiến Ellsberg suy nghĩ rất nhiều.

Tại cuộc biểu tình ủng hộ Eaton, trong Ellsberg xuất hiện một cuộc giằng co tâm lý, giữa lòng ngưỡng mộ những thanh niên dám đương đầu với vòng lao lý để đấu tranh cho hòa bình và sự sợ hãi của một sỹ quan Lầu Năm Góc đang phục vụ cho cuộc chiến tranh Việt Nam.

Ellsberg kể lại: “Tôi cảm thấy ngớ ngẩn... Nếu đồng nghiệp của tôi ở RAND hoặc Lầu Năm Góc thấy tôi làm việc này, họ sẽ nghĩ tôi điên mất”. Và tự lúc nào, Ellsberg thấy mình hòa vào dòng người kéo dài phân phát những tờ bướm kêu gọi phản chiến và thả tự do cho Eaton. Kết thúc cuộc biểu tình, Ellsberg “cảm nhận được sự tự do” của một người lần đầu tiên không tuân thủ trách nhiệm công dân để đấu tranh cho lẽ phải.

Tờ New York Times (Mỹ) đưa tin Ellsberg được trả tự do.

Tuy nhiên, sự kiện cuối cùng thức tỉnh lương tri để biến Ellsberg thành một người phản chiến hoàn toàn, là bài diễn thuyết của Randy Kehler vào ngày cuối cùng của hội nghị WRI (28/8/1969). Là nhà đấu tranh cho hòa bình và công bằng xã hội, người dành cả cuộc đời để phản đối thuế bưu chính phục vụ chiến tranh, Kehler cũng sắp bị chính quyền tống giam vì những hành động phản chiến của mình. Kehler tâm sự về cuộc đời riêng tư và con đường dẫn anh ta tới WRI. Rồi Kehler nói: “Hôm qua một người bạn của chúng ta, Bon Eaton, đã vào trại giam. Cách đây một tuần, Davis Harris, chồng của Joan Baez, đã vào trại giam. Và tôi thực sự hạnh phúc được gia nhập họ.

Nhưng tôi không lo lắng, bởi tôi biết tất cả các bạn ở đây sẽ đi tiếp chặng đường”. Nghe đến đây, toàn bộ khán phòng đứng bật dậy với những tràng pháo tay không ngớt. Riêng Ellsberg thì không thể. Ông lảo đảo ngồi phịch xuống ghế. Lát sau, Ellsberg rời khán phòng tìm đến khu vệ sinh, ngồi bệt xuống nền gạch và khóc. Ông khóc hơn một tiếng đồng hồ, trong đầu quẩn quanh những ý nghĩ: “Điều tốt nhất mà những người trẻ giỏi nhất ở đất nước mình có thể làm, đó là vào tù”.

Cuối cùng, Ellsberg đứng dậy rửa mặt và nghĩ: “Ok, vậy mình có thể làm gì để giúp chấm dứt cuộc chiến này? Mình đã sẵn sàng để vào tù chưa?” Sau này Ellsberg kể lại: “Câu nói tôi sẽ vào tù giống như một nhát rìu chẻ đầu tôi ra thành hai mảnh; nhưng trên thực tế, chính cuộc đời tôi mới bị chẻ làm đôi. Và phần đời diễn ra sau câu nói đó mới thực sự là cuộc đời tôi được sống”.

VŨ HỘI (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ 7: Hành động