10:20 08/10/2014

Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong chính sách biến đổi khí hậu

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, đã chủ trì cuộc họp của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu với các nhà tài trợ Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) và các đối tác phát triển.

Chiều 8/10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, đã chủ trì cuộc họp của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu với các nhà tài trợ Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) và các đối tác phát triển.

 

Ảnh: VGP

 

Tại cuộc họp, các đại biểu đã cùng nhau đánh giá kết quả triển khai khung chính sách năm 2013, 2014, kế hoạch triển khai khung chính sách năm 2015 và các định hướng sau năm 2015 của Chương trình SP-RCC. Theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, từ năm 2009 đến nay, Chương trình SP-RCC đã xây dựng trên 200 hành động chính sách và nhận được khoảng 1 tỷ USD hỗ trợ ngân sách để thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều hành động chính sách mang tầm chiến lược đã được xây dựng, tiến độ thực hiện nội dung hành động chính sách được đánh giá tốt. Hiện Việt Nam đã có hệ thống quan điểm, chiến lược, chính sách về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh khá đầy đủ như Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược Tăng trưởng xanh, Luật Bảo vệ môi trường… đã được ban hành để ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Tuy vậy, Chương trình SP-RCC vẫn còn một số tồn tại như: số lượng hành động chính sách được xây dựng khá lớn nhưng còn dàn trải, thiếu các chính sách giải quyết những vấn đề liên vùng, liên ngành; việc triển khai thực hiện hành động chính sách chưa được đưa vào khuôn khổ hợp tác trong SP-RCC; có sự lệch pha trong chu kỳ xây dựng khung chính sách và chu kỳ xây dựng kế hoạch của các Bộ; mối liên kết giữa xây dựng chính sách với hỗ trợ của các nhà tài trợ chưa được làm rõ nên chưa khuyến khích các đơn vị xây dựng chính sách.

 

Các nhà tài trợ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện các chính sách về biến đổi khí hậu cũng như triển khai các dự án cụ thể. Đại diện của JICA cho rằng, SP-RCC đã khẳng định được mình với vị thế là một diễn đàn lớn nhất quy tụ 9 Bộ và 6 đối tác phát triển chính trong chương trình, cùng nhiều đối tác tham gia khác, xung quanh bàn đối thoại về các hành động biến đổi khí hậu. SP-RCC đã tạo cơ hội cho các nhà tài trợ tiếp cận trực tiếp đến các bộ, ngành để thảo luận và đàm phán về các dự án biến đổi khí hậu mới.

 

Các nhà tài trợ cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, bên cạnh nguồn tài chính hỗ trợ từ các đối tác phát triển, nhà tài trợ, Chính phủ Việt Nam cần thu hút được nguồn tài chính từ khu vực tư nhân đầu tư cho chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao sự hỗ trợ của các nhà tài trợ cho Chương trình SP-RCC cùng các đối tác phát triển cho Việt Nam trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và mong muốn các nhà tài trợ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam nỗ lực trong thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong 6 năm qua, với việc xây dựng trên 200 hành động chính sách, Chương trình SP-RCC đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức của toàn xã hội về biến đổi khí hậu. Đặc biệt là việc quy hoạch của các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước đều được điều chỉnh theo các kịch bản biến đổi khí hậu. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ nhà tài trợ, Việt Nam cũng đã thu hút được khối tư nhân đầu tư vào các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: “Trong kế hoạch năm 2015, 3.000 tỷ đồng dành cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, tập trung chủ yếu là trồng rừng đã bắt đầu được huy động xã hội hóa với sự góp mặt của các thành phần kinh tế tư nhân. Thay vì Nhà nước đứng ra trồng rừng, đối với vùng có khả năng kinh tế thì giao cho tư nhân, hỗ trợ tư nhân làm và quản lý thì sẽ bền vững. Đây là cách sử dụng nguồn vốn rẻ nhất nhưng mang lại hiệu quả cao”.

 

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, đối với Chương trình SP-RCC sau năm 2015, cần đẩy nhanh xây dựng để hoàn thành kế hoạch cho phù hợp, đồng bộ với kế hoạch ngân sách của Việt Nam. Các Bộ, ngành liên quan cần khẩn trương làm việc với các nhà tài trợ về kế hoạch chi tiết, tài chính... để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Thanh Tuấn