12:14 24/12/2012

'Đánh đu' tính mạng 'tìm' con chữ

Những ngày này về mảnh đất nghèo An Trung, huyện KôngChro (Gia Lai), hàng chục học sinh ngày qua ngày đầu đội cặp sách “quăng mình” qua sông Ba đến trường “tìm con chữ”.

Những ngày này về mảnh đất nghèo An Trung, huyện KôngChro (Gia Lai), hàng chục học sinh ngày qua ngày đầu đội cặp sách “quăng mình” qua sông Ba đến trường “tìm con chữ”.

 

Dẫu biết rằng nguy hiểm luôn rình rập tính mạng, song để đến được lớp học các em chỉ còn cách duy nhất là lội bộ qua sông. Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm nay mà chính quyền địa phương đang loay hoay tìm lời giải.

 

Sau giờ tan học và đi bộ hơn 5 cây số, một nhóm học sinh vẫn đang phải đợi đò hơn 2 tiếng đồng hồ để được về nhà. Gần đó, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, một số khác đành phải dìu nhau bơi qua sông. Dù bây giờ đang là mùa khô nhưng mực nước Sông Ba vẫn khá cao, nước ngập ngang lưng các em. Mỗi khi qua sông chỉ cần một thoáng sơ xảy là nguy hiểm sẽ đến. Còn khi nước lớn, Sông Ba dâng cao, chảy siết, trong khi con đò – phương tiện duy nhất đưa các em sang sông thì quá thô sơ, cũ kỹ không một thiết bị an toàn nhưng ngày ngày vẫn “gồng mình” chòng chành chở hàng chục lượt học sinh ở 3 làng Ki A1, Ki A2 và làng Biên vượt hiểm nguy “tìm chữ”. Bà Trần Thị Hồng, người lái đò cho biết: Hai, ba bữa rồi có nhiều cháu học sinh không đi học, vì sợ bị cô giáo kiểm điểm nên nài nỉ mãi tôi mới chở qua sông. Nước lớn như thế nguy hiểm lắm, cực chẳng đã tôi mới chở đi.

 

Trường THCS Kpăh Klơng hiện có 324 học sinh, trong đó có hơn 40 em người dân tộc thiểu số Bana sống ở 3 làng bên kia sông Ba. Ngày nước lớn, số học sinh vắng mặt có thể chiếm đến hơn một nửa, ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng dạy và học. Để tạo điều kiện tốt nhất cho các em được ổn định học tập và cố gắng phấn đấu vì một ngày mai tươi sáng, thầy Huỳnh Cao Thương, Phó hiệu trưởng Trường THCS Kpăh Klơng, xã An Trung cho biết: Nhà trường cũng đang có hướng vận động lực lượng ngoài xã hội cùng với công tác xã hội hóa giáo dục để hỗ trợ chỗ ở, gạo ăn cho các em ổn định tại nhà trường để thuận tiện cho việc học tập.

 

Về phía lãnh đạo huyện KôngChro, Bà Trần Thị Nhiên, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện mong sao trong thời gian tới, các cấp quan tâm tạo điều kiện hơn nữa đầu tư xây dựng cho địa phương một cây cầu để đảm bảo tính mạng cho các em trong quá trình học tập, cũng như thuận tiện cho người dân trong thông thương buôn bán, nâng cao đời sống !

 

 

Nguyễn Hoài Nam