12:01 31/12/2011

Đằng sau sự tăng cường hợp tác chiến lược Nhật Bản - Ấn Độ

Theo mạng tin "Project-syndicate" ngày 29/12, chuyến thăm Ấn Độ vừa kết thúc của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã góp phần củng cố mối quan hệ phát triển nhanh giữa hai đồng minh này.

Theo mạng tin "Project-syndicate" ngày 29/12, chuyến thăm Ấn Độ vừa kết thúc của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã góp phần củng cố mối quan hệ phát triển nhanh giữa hai đồng minh này.

Nhật Bản và Ấn Độ có vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định và hỗ trợ bảo vệ các tuyến đường biển quan trọng tại khu vực tiếp giáp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một khu vực được xác định không chỉ là nơi giao nhau của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, mà còn bởi tầm quan trọng đối với thương mại và các nguồn cung năng lượng thế giới.

Hai nền kinh tế hưng thịnh, ven biển và dân chủ như Nhật Bản và Ấn Độ phải hợp tác với nhau để giúp xây dựng một trật tự ổn định, tự do, dựa trên quy định tại châu Á. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) tại Bali (Inđônêxia) rằng sự tiếp tục trỗi dậy của châu Á không tự động được đảm bảo, mà "phụ thuộc vào sự tiến hóa của một cấu trúc hợp tác". Nhật Bản và Ấn Độ, những nước nghèo năng lượng và đang phụ thuộc nặng nề vào việc nhập khẩu dầu từ vịnh Pécxích, hiện rất quan ngại về những nỗ lực của những người theo thuyết trọng thương đòi kiểm soát các nguồn cung và các tuyến đường vận chuyển năng lượng. Do đó, việc duy trì một vùng biển yên bình, có luật pháp, trong đó có quyền tự do đi lại, là quan trọng đối với an ninh và phồn vinh kinh tế của hai nước này. Đó là lý do Nhật Bản và Ấn Độ đã đồng ý bắt đầu tổ chức các cuộc tập trận hải quân và không quân chung từ năm 2012, một dấu hiệu chuyển hướng từ việc nhấn mạnh vào các giá trị chung sang tìm cách bảo vệ các lợi ích chung.

Bất chấp tình hình chính trị trong nước lộn xộn và các vụ bê bối liên miên, Nhật Bản và Ấn Độ đang có quan hệ song phương phát triển nhất châu Á. Kể từ khi hai nước công bố "mối quan hệ đối tác toàn cầu và chiến lược" vào năm 2006, sự can dự chính trị và kinh tế của hai nước này đã sâu sắc hơn nhiều. Năm 2008, hai nước đã ký Tuyên bố chung về hợp tác an ninh, bước ngoặt quan trọng trong việc xây dựng một trật tự châu Á ổn định. Tuyên bố chung này được xây dựng trên mô hình hiệp định hợp tác quốc phòng giữa Nhật Bản với Ôxtrâylia, đồng minh quân sự thứ hai mà Nhật Bản có một thỏa thuận hợp tác an ninh.

Hiệp định Quan hệ Đối tác Toàn diện (CEPA) giữa Nhật Bản và Ấn Độ đã chính thức có hiệu lực từ tháng 8 vừa qua. Để phản ứng với việc Trung Quốc sử dụng sự độc quyền về sản xuất các kim loại đất hiếm nhằm cắt đứt việc xuất khẩu các kim loại này cho Nhật Bản vào mùa thu 2010, Tôkyô và Niu Đêli đã đồng ý cùng khai thác kim loại đất hiếm, nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp quốc phòng.

Chuyến thăm Ấn Độ của ông Noda là một phần của cam kết giữa hai nước nhằm tổ chức một hội nghị cấp cao hàng năm giữa hai thủ tướng. Quan trọng hơn, Nhật Bản và Ấn Độ hiện đang tiến hành một số cuộc đối thoại cấp bộ trưởng hàng năm.

Một diễn biến quan trọng là việc Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ đã bắt đầu một cuộc đối thoại chiến lược ba bên tại Oasinhtơn vào ngày 19/12. Sự tham gia của Mỹ có thể đẩy mạnh sự hợp tác Nhật Bản - Ấn Độ. Như phát biểu gần đây của Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba, "Nhật Bản và Mỹ đang thúc đẩy mối quan hệ chiến lược với Ấn Độ" và cuộc đối thoại ba bên chứng tỏ sự hợp tác cụ thể giữa ba nền kinh tế hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự hợp tác này dường như sẽ được mở rộng thành bốn bên với sự tham gia của Ôxtrâylia.

Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)