04:07 14/04/2015

Đằng sau quyết định bảo hiểm tiền gửi của Trung Quốc

Trung Quốc đã có thêm bước cải cách hệ thống ngân hàng với quy định bắt đầu từ ngày 1/5 tới sẽ áp dụng cơ chế bảo hiểm tiền gửi cá nhân ở các ngân hàng nước này với mức bồi thường tối đa là 500.000 nhân dân tệ (khoảng 81.000 USD).

Trung Quốc đã có thêm bước cải cách hệ thống ngân hàng với quy định bắt đầu từ ngày 1/5 tới sẽ áp dụng cơ chế bảo hiểm tiền gửi cá nhân ở các ngân hàng nước này với mức bồi thường tối đa là 500.000 nhân dân tệ (khoảng 81.000 USD).

Bảo hiểm tiền gửi ngân hàng có thể giúp tăng chi tiêu và niềm tin tiêu dùng.


Bằng việc đưa ra một bảo đảm rõ ràng đối với tiền gửi ngân hàng thông thường, kế hoạch này sẽ mở đường cho Bắc Kinh tự do hóa lãi suất, cho phép các ngân hàng cạnh tranh quyết liệt hơn để thu hút khách hàng mới. Kế hoạch bảo hiểm tiền gửi là bước đi quan trọng hướng tới việc hạn chế phân bổ nguồn vốn không công bằng, điểm đặc trưng trong nền kinh tế của Trung Quốc khi các nhà hoạch định chính sách quá tập trung vào việc duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao dựa vào tăng trưởng tín dụng. Thay vào đó, kế hoạch này có thể có lợi ích bổ sung khi giúp tăng chi tiêu và niềm tin tiêu dùng. Lợi ích lâu dài và sự cần thiết của việc bảo hiểm tiền gửi và tự do lãi suất tiền gửi là không phải bàn cãi.

Một sự bảo đảm rõ ràng đối với tiền gửi ngân hàng sẽ mở đường cho Bắc Kinh tự do hóa lãi suất.

Mong muốn của Bắc Kinh chuyển đổi nền kinh tế hướng tới mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu thụ nội địa, có ngành công nghiệp với giá trị gia tăng cao, sáng tạo và hiệu quả, sau cùng sẽ đòi hỏi phải có các kênh ổn định cho người dân chuyển nguồn tiết kiệm thành nguồn đầu tư. Nó cũng đòi hỏi việc cải thiện khả năng của ngân hàng trong đánh giá rủi ro khi chuyển nguồn tiết kiệm đó thành vốn vay. Bảo hiểm tiền gửi và tự do hóa lãi suất đang xây những viên gạch đầu tiên để đạt được cả hai mục tiêu này.

Bắc Kinh đang muốn hướng tới mô hình tăng trưởng kinh tế mà ở đó chi tiêu hộ gia đình, hiện mới chỉ chiếm 34% tổng GDP, thay thế đầu tư chính phủ để trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Điều này sẽ đòi hỏi nhiều năm cải cách và tái cấu trúc sâu rộng để có thành quả cuối cùng. Mô hình tăng trưởng cũ, dựa trên xuất khẩu giá trị thấp và đầu tư cho xây dựng và bất động sản, đang suy giảm nhanh chóng. Những cải cách được thiết kế hướng tới mô hình kinh tế mới, bao gồm việc tự do hóa lãi suất tiền gửi, sẽ càng đẩy nhanh sự suy yếu của mô hình cũ.

Câu hỏi đặt ra là cơ cấu chính trị của Trung Quốc sẽ chịu đựng thế nào trước những hiệu ứng gây mất ổn định trong quá trình chuyển đổi lâu dài và không dễ dàng từ mô hình kinh tế cũ sang mô hình mới. Trong hai thập niên qua, chính trị giữ vai trò hậu thuẫn rõ ràng cho kinh tế. Các chính trị gia Trung Quốc đã phải bàn nhiều đến cách tốt nhất để quản lý một nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Hiện nay, khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, vấn đề xây dựng một cơ cấu chính trị có khả năng tạo sự đồng thuận trong toàn dân đang lại nổi lên như nhân tố quyết định đường hướng địa chính trị của Bắc Kinh.

Quang Tuyến (Theo mạng tin "Stratfor")