03:07 27/03/2011

Đằng sau chiêu bài nhân đạo

Đang chìm trong khó khăn do làn sóng biểu tình chống chính phủ lan rộng, Libi giờ đây lại đang oằn mình hứng chịu các cuộc oanh kích dữ dội của liên quân.

Đang chìm trong khó khăn do làn sóng biểu tình chống chính phủ lan rộng, Libi giờ đây lại đang oằn mình hứng chịu các cuộc oanh kích dữ dội của liên quân. Cho dù ai phải, ai trái, ai được lợi thì cuộc chiến Libi cũng sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực cho trật tự thế giới, kinh tế toàn cầu và người phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất của cảnh bom rơi đạn lửa chính là những thường dân vô tội…

Cuộc tấn công vội vàng

“Bật đèn xanh” cho hành động can thiệp quân sự vào Libi với mục tiêu “bảo vệ thường dân trước những cuộc tấn công của lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi”, ngày 18/3, HĐBA LHQ đã thông qua nghị quyết 1973, qua đó cho phép thực hiện “mọi biện pháp cần thiết” để áp đặt vùng cấm bay, bảo vệ các khu vực dân sự và gây sức ép buộc ông Kadhafi chấp nhận ngừng bắn.

Tòa nhà hành chính trong dinh thự của nhà lãnh đạo Kadhafi bị đánh sập trong trận không kích đêm 20/3. Ảnh: AFP – TTXVN

Ngay sau khi HĐBA LHQ thông qua nghị quyết áp đặt vùng cấm bay tại Libi, người đứng đầu chính phủ ba nước Mỹ, Pháp và Anh đã có cuộc điện đàm nhất trí “sẽ phối hợp chặt chẽ về các bước đi tiếp theo, tiếp tục hợp tác với các nước Arập cũng như những đối tác quốc tế khác nhằm đảm bảo thực thi nghị quyết của HĐBA về Libi”.

Chiến dịch tấn công Libi mang tên “Bình minh Odyssey” của liên quân Mỹ, Anh, Pháp được khai hỏa ngay sau khi hội nghị cấp cao khẩn cấp của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên đoàn Arập diễn ra ngày 19/3 tại Pari quyết định bắt đầu các hành động quân sự chống Libi. Tuyên bố của hội nghị khẳng định, các cường quốc phương Tây sẽ thực hiện “tất cả những biện pháp cần thiết, kể cả biện pháp quân sự” để áp đặt vùng cấm bay tại Libi nhân danh nghị quyết 1973 của HĐBA LHQ.

Được xem là cuộc can thiệp quân sự lớn nhất của các nước phương Tây vào thế giới Arập kể từ cuộc chiến ở Irắc năm 2003, trong ngày đầu tiên của chiến dịch Bình minh Odyssey, đất nước và người dân Libi đã phải hứng chịu ít nhất 110 tên lửa hành trình Tomahawk được bắn ra từ các loại tàu chiến của Mỹ và Anh cùng những đợt không kích của máy bay Pháp, khiến thủ đô Tripôli và các thành phố ven biển rung chuyển. Theo người phát ngôn Bộ chỉ huy của Mỹ ở châu Phi James Stockman, ít nhất 20/22 mục tiêu ở Libi đã bị trúng đạn trong màn dạo đầu chiến dịch.

Cuộc tấn công Libi diễn ra vô cùng chóng vánh, phớt lờ làn sóng phản đối mạnh mẽ của nhiều nước trên thế giới, bất chấp việc chính phủ Libi trước đó tuyên bố sẵn sàng tuân thủ nghị quyết của HĐBA, ngay lập tức ngừng tất cả các chiến dịch quân sự với lý do Libi là một thành viên của LHQ, do đó nước này “buộc phải chấp nhận các nghị quyết của HĐBA”.

Dân thường kẹt giữa hai làn đạn

Vài giờ sau khi mở màn chiến dịch “Bình minh Odyssey” của liên quân, nhà lãnh đạo Kadhafi tuyên bố mọi người dân Libi đã được vũ trang bằng vũ khí tự động, bằng bom, bằng súng cối và sẵn sàng cho một cuộc chiến đấu trường kỳ nhằm vào phương Tây. Giới phân tích cho rằng nếu không bên nào giành chiến thắng mang tính quyết định, đất nước Libi khi đó đứng trước nguy cơ bị chia cắt làm hai, giữa phần phía tây do lực lượng chính phủ kiểm soát và phần phía đông do phe đối lập chiếm dưới sự yểm trợ của liên quân. Và khi đó, dân thường vô tội là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất khi tính mạng luôn bị hai làn đạn đe dọa và cuộc sống đời thường điêu đứng vì khói lửa chiến tranh.

Ngay sau khi bắt đầu chiến dịch, liên quân không ngừng mở các cuộc không kích, dội bom xuống thủ đô Tripôli và nhiều thành phố trên toàn Libi. Mặc dù Mỹ tuyên bố mục tiêu của “Bình minh Odyssey” là bảo vệ dân thường và viện trợ nhân đạo, nhưng không ai có thể đảm bảo chắc chắn rằng những cuộc không kích này không tàn sát “nhầm” người dân vô tội. Bằng chứng là thường dân Libi đã trở thành những nạn nhân đầu tiên trong chiến dịch tấn công quân sự của Mỹ và các đồng minh khi ngay trong đợt tấn công đầu tiên ngày 19/3, một bệnh viện ở thành phố Benghazi đã bị trúng đạn, khiến hàng chục thường dân thiệt mạng. Theo những thống kê chưa chính thức, sau 2 ngày liên quân tấn công Libi đã có 64 người thiệt mạng và 150 người bị thương. Người phát ngôn của chính phủ Libi, ông Moussa Ibrahim, ngày 21/3 lên án “sự mâu thuẫn trong các phát biểu của phương Tây” khi họ tuyên bố bảo vệ dân thường nhưng vẫn đánh bom vào nơi mà họ biết dân thường đang có mặt.

Biểu tình trước cổng Nhà Trắng ở Oasinhtơn phản đối sự can thiệp quân sự vào Libi. Ảnh: AFP – TTXVN

Trong phát biểu phản đối chiến dịch quân sự chống Libi, các nước cũng như các tổ chức khắp thế giới đều nêu bật mối quan ngại về tính mạng của người dân Libi. Tổng thư ký Liên đoàn Arập cho rằng, chiến dịch “Bình minh Odyssey đã vượt ra ngoài mục tiêu áp đặt vùng cấm bay” và giết hại nhiều người Libi vô tội. Nga kêu gọi ngừng bắn ở Libi càng sớm càng tốt và các bên có liên quan thực hiện mọi điều có thể để dân thường không bị thương vong do các hành động quân sự. Trung Quốc hy vọng tình hình ở Libi sớm trở lại ổn định nhằm tránh gây thêm thương vong cho dân thường do leo thang xung đột quân sự. Cuba cáo buộc các thế lực phương Tây đã âm mưu tạo cớ để xâm lược Libi, và khẳng định những thế lực này phải chịu trách nhiệm về những thương vong mà họ gây ra đối với dân thường Libi. Tổng thống Vênêxuêla tố cáo “các cuộc ném bom điên rồ của đế quốc” đang làm dân thường Libi thiệt mạng…

Cuộc chiến vì lợi ích kinh tế?

Theo nhận định của giới phân tích, Mỹ và các đồng minh không thể che giấu những toan tính qua hành động can thiệp quân sự vào Libi và thái độ ủng hộ lực lượng đối lập ở nước này. Mục tiêu thật của chiến dịch “Bình minh Odyssey” là lật đổ chính quyền Libi hiện nay, tiêu diệt nhà lãnh đạo Kadhafi, dựng lên một chính quyền thân Mỹ, thân phương Tây, chốt giữ một vị trí trọng yếu trên bản đồ địa chính trị Trung Đông - Bắc Phi, qua đó, răn đe toàn thế giới.

Bốn kịch bản cho cuộc xung đột ở Libi Thứ nhất, sau vài ngày bị các nước phương Tây tấn công quân sự, quân đội của ông Kadhafi bị đánh bại, phe đối lập dần chiếm lại các thành phố. Kịch bản này sẽ dẫn tới “bước 2” với việc can thiệp trên bộ, một giải pháp giống kiểu Irắc trước đây mà không ai mong muốn. Thứ hai là giải pháp chính trị. Quân đội của nhà lãnh đạo Kadhafi bị cáo cuộc không kích gây thương vong hàng loạt. Ông Kadhafi tuyên bố ngừng chiến và sẵn sàng đàm phán về một giai đoạn chuyển tiếp hòa bình. Thứ ba, cuộc xung đột bị sa lầy. Các cuộc không kích làm lực lượng chính phủ Libi bị suy yếu song không bị đánh bại. Trên bộ, các nhóm quân của phe đối lập - vốn không có kinh nghiệm và lộn xộn - không giành được lợi thế quyết định. Cuộc xung đột có nguy cơ kéo dài tại một đất nước bị chia cắt. Thứ tư là một cuộc chiến tranh tổng lực. Sau khi chiếm lại các thành phố, lực lượng chính phủ Libi có thể “xóa sổ” hoàn toàn phe đối lập. Mặc dù có sự chia rẽ trong cộng đồng quốc tế, song LHQ cho phép can thiệp quân sự trên bộ.

Các nhà quan sát quốc tế cho rằng, Mỹ và một số nước đồng minh châu Âu đã dọn đường và lên kế hoạch cho việc can thiệp quân sự tại Libi từ hơn một tháng nay và giờ đây nó đang được biện hộ bằng một cuộc “can thiệp nhân đạo”. Mục tiêu thực sự của cuộc can thiệp này không phải là vì “dân chủ”, “nhân quyền” hay vì người dân Libi, mà để sở hữu trữ lượng dầu mỏ dồi dào của quốc gia này. Giáo sư kinh tế Michel Chossudovsky tại Đại học Ottawa (Canađa) và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa (CRG) cho rằng trước mắt kẻ hưởng lợi trong cuộc chiến này sẽ là các nhà đầu cơ phố Wall, những người có mối liên hệ mật thiết với giới quân sự và tình báo Mỹ, họ sẽ có được hàng tỷ USD lợi nhuận đầu cơ không chỉ ở thị trường dầu mỏ mà còn ở các mặt hàng khác và thị trường ngoại hối.

Động cơ dầu mỏ đằng sau cuộc chiến Libi cũng đã được Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ của Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Michael Honda, khẳng định. Theo ông Honda, những mỏ dầu lớn của Libi chứ không phải vấn đề nhân quyền là động lực thúc đẩy các cuộc tấn công của liên quân vào Libi. Ông cho rằng Lầu Năm Góc “đã hành động dựa trên những tính toán về năng lượng ở Libi, nước có trữ lượng dầu đứng thứ 7 thế giới”. Hành động của Mỹ tấn công Libi “gửi đi một thông điệp rằng nước Mỹ quan tâm rất ít tới nhân quyền và quyền tự do của con người ở nhiều nước khác như Cộng hòa Dân chủ Công gô, miền Tây Xuđăng hay Cốt Đivoa, những nước không có nguồn năng lượng quan trọng”, ông Honda khẳng định.

Hồng Hạnh (Tổng hợp)