07:06 06/07/2011

Đảng Puea Thai với bài toán bình ổn đất nước

Với chính trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất trắc khó đoán định sau cuộc tổng tuyển cử ngày 3/7, chính phủ liên hiệp mới ở Thái Lan do đảng Puea Thai (Vì nước Thái) lãnh đạo đang phải đối mặt với một loạt vấn đề,...

Với chính trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất trắc khó đoán định sau cuộc tổng tuyển cử ngày 3/7, chính phủ liên hiệp mới ở Thái Lan do đảng Puea Thai (Vì nước Thái) lãnh đạo đang phải đối mặt với một loạt vấn đề, trong đó thử thách đầu tiên là chọn người vào chiếc “ghế nóng” thủ tướng và tuyển lựa thành viên cho nội các mới.

Thách thức thoát khỏi cái bóng của ông Thaksin

Dù đã giành quyền đứng ra thành lập chính phủ sau khi giành 265/500 ghế tại Hạ viện mới, cựu Thủ tướng bị lật đổ và đang sống lưu vong ở nước ngoài Thaksin Shinawatra và đảng Vì nước Thái vẫn đang phân vân trong việc đưa bà Yingluck Shinawatra trở thành nữ thủ tướng đầu tiên ở Thái Lan. Lý do là họ ngại động thái ấy có thể đẩy bà Yingluck, một doanh nhân 44 tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm về chính trị, đối diện với vô số áp lực và sóng gió chính trị từ nhiều phía, vì bà được coi là “nhân bản” hay bản sao của ông Thaksin, anh ruột bà.

Nhiều chuyên gia cho rằng, những thách thức bà Yingluck phải đương đầu khi trở thành thủ tướng sẽ khác xa sự chống đối trong chiến dịch tranh cử mấy tuần qua. Bà sẽ phải chuẩn bị tinh thần để ứng phó với sự chất vấn gay gắt từ các nhà chính trị thuộc đảng Dân chủ cùng một số đảng đối lập khác. Một cuộc tranh luận về bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể sẽ là cơn “ác mộng” thực sự đối với bà Yingluck, người trước tiên phải chứng minh khả năng của bản thân để thoát khỏi cái bóng quá lớn của anh trai Thaksin.

Người dân ủng hộ bà Yingluck ăn mừng chiến thắng.
Ảnh: AFP - TTXVN

Do Puea Thai đã thông báo trong chiến dịch tranh cử vừa qua rằng bà Yingluck là ứng cử viên hàng đầu của đảng vào ghế thủ tướng nên nay Puea Thai rất khó đưa ra quyết định đảo ngược. Nhà lãnh đạo (trên danh nghĩa) của Puea Thai là ông Yongyuth Wichaidit trong cuộc phỏng vấn mới đây nói rằng, việc người ngồi vào ghế thủ tướng không phải là bà Yingluck thì sẽ là lời “nói dối thậm tệ đối với dân chúng”. Nếu ông Thaksin không muốn em gái mình trở thành thủ tướng và muốn bảo đảm rằng việc chọn người vào vị trí đó không gây ra sự rạn nứt nội bộ trầm trọng thì ông Yongyuth sẽ có cơ hội nhưng có vẻ ông Yongyuth không sẵn sàng đảm nhận cương vị này.

Bên cạnh việc tìm chọn thành viên nội các mới, vấn đề cất nhắc một số thủ lĩnh phong trào “áo đỏ” như ông Jatuporn Promphan (nghị sỹ quốc hội của Puea Thai hiện đang bị tạm giam), Natthawut Saikua và Weng Tojirakarn (bị cáo buộc dính dáng đến khủng bố và tội vô lễ với vua) có thể sẽ vấp phải sự chống đối, khiến cho chính phủ mới có nguy cơ rơi vào tình trạng bất ổn định. Ngược lại, nếu các nhân vật đã tham gia cuộc biểu tình kéo dài năm 2010 góp phần đưa đến cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vừa qua không có mặt trong nội các thì phe “áo đỏ” sẽ mếch lòng, khiến mối quan hệ giữa Puea Thai và “áo đỏ” trở nên căng thẳng.

Các quan hệ giữa Puea Thai và giới quân sự cũng có thể xem như “quả bom hẹn giờ”. Gần đây có những đồn đại rằng đảng này có thể sẽ tiếp cận với Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan để đề nghị ông tiếp tục tại vị. Trước đó, có tin cựu Tư lệnh lục quân Anupong Paochinda sẽ được trao chức vụ đó trong bối cảnh Tư lệnh lục quân hiện nay, tướng Prayuth Chan-ocha có vẻ không mặn mà với các chính trị gia của Puea Thai.

“Bãi mìn sát thương” tiếp theo đối với Puea Thai là việc xử lý vụ 91 người bị thiệt mạng trong cuộc biểu tình bạo lực hồi tháng 4 và 5/2010. Đây là việc không hề dễ dàng khi mà các thủ lĩnh “áo đỏ” đổ lỗi cho các viên chỉ huy quân đội và chính trị gia cầm quyền gây ra vụ bắn giết mà những kẻ có vũ trang trong hàng ngũ người “áo đỏ” cũng phải chịu trách nhiệm, nhất là tính mạng của các quân nhân và cảnh sát Thái.

Ngoài việc phải đối xử khéo với những người “áo đỏ,” vì không có họ đảng Vì nước Thái có thể đã bị đánh bại từ lâu (theo lời của ông Jatuporn), việc xin ân xá cho ông Thaksin cũng sẽ là một vấn đề. Bà Yingluck từng nói rằng bà sẽ để vấn đề trên cho Ủy ban Sự thật và Hòa giải giải quyết, khi đảng Dân chủ và Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD, hay là phe “áo vàng”) phản đối thẳng thừng đề xuất xin ân xá cho ông Thaksin.

Đảng Puea Thai và ông Thaksin chắc sẽ vấp phải sự chống đối của giới thượng lưu và một bộ phận tướng lĩnh quân đội, nhất là những người từng góp tay lật đổ ông Thaksin năm 2006. Liệu quân đội và Hoàng gia có chấp nhận một chính phủ ủng hộ Thaksin và ngược lại, phe đối lập có chấp nhận việc đảng Dân chủ tiếp tục nắm quyền? Những thay đổi liên tục ở vị trí người chèo lái đất nước 5 - 6 năm nay báo trước những thách thức không dễ vượt qua đối với nữ chính khách 44 tuổi Yingluck.

Áp lực phát triển kinh tế

Song hành với quá trình thương thảo đầy cam go về thành phần chính phủ liên hiệp gồm 5 đảng, bà Yingluck và các nhà lãnh đạo của Puea Thai đang đứng trước sức ép rất lớn trong việc làm thế nào để thực hiện những cam kết đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Bà Yingluck từng cam kết nếu thắng cử thì ưu tiên đầu tiên của bà là giúp làm dịu bớt những khó khăn về kinh tế cho người dân và theo đuổi chính sách “hòa giải, không trả thù” để nỗ lực khắc phục tình trạng xung đột chính trị và chia rẽ xã hội.

Trong lúc người dân nghèo ở các vùng nông thôn kỳ vọng Puea Thai sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của họ thì không ít nhà kinh tế quan ngại rằng nhiều chính sách dân túy của đảng này có thể dẫn đến nguy cơ nền kinh tế đất nước bị suy sụp. Chẳng hạn như lời hứa nâng mức lương tối thiểu 30% lên 300 bạt (khoảng 10 USD/ngày) sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp Thái vào tình cảnh phải ngừng hoạt động do không thể trả lương cao cho người lao động. Từ đó sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp cao và kéo theo bất ổn xã hội.

Thêm nữa, sau khi lên cầm quyền đảng Vì nước Thái sẽ tìm cách thúc đẩy đề xuất ân xá và trả 46 tỷ bạt (1 USD = khoảng 30,50 bạt) cho ông Thaksin. Động thái này sẽ khơi mào cho các cuộc phản đối chính trị gay gắt và dễ đẩy xã hội vào tình trạng bất ổn, có khi còn tồi tệ hơn so với mấy năm vừa qua.

Các cam kết mà bà Yingluck đã đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử - từ việc trang bị máy tính cho các học sinh đến việc nâng mức lương khởi điểm cho sinh viên tốt nghiệp đại học lên 15.000 bạt/tháng và cắt giảm thuế - đang bị chỉ trích là sẽ phá hủy nền kinh tế do nó làm tăng nợ công. Thâm hụt ngân sách cũng có thể sẽ vọt lên 4.200 nghìn tỷ bạt/năm trong những năm tới.

Chiến thắng của Puea Thai có thể mở ra một thời kỳ ổn định chính trị tối cần thiết cho Thái Lan sau gần 6 năm bất ổn kể từ khi ông Thaksin bị lật đổ. Hơn bao giờ hết người dân Thái Lan rất mong muốn tổng tuyển cử sẽ giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài, mang lại sự phát triển ổn định cho đất nước.

Tuy vậy, do chính trường vẫn tiềm ẩn những diễn biến khó lường, không loại trừ nguy cơ Thái Lan có thể lại rơi vào rối loạn chính trị - xã hội. Vì thế con đường phía trước của Puea Thai tại xứ “chùa Vàng” chắc sẽ còn rất nhiều khó khăn.

Ngọc Tiến
(P/v TTXVN tại Thái Lan)