10:00 17/10/2011

Đảng, Nhà nước luôn ghi nhớ và biết ơn sự hy sinh của các chiến sĩ bị địch bắt, tù đày

Ngày 16/10, tại thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế) đã diễn ra Hội nghị "Biểu dương các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày toàn quốc năm 2011" do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, báo Nhân Dân và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức.

Ngày 16/10, tại thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế) đã diễn ra Hội nghị "Biểu dương các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày toàn quốc năm 2011" do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, báo Nhân Dân và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn ghi nhớ và biết ơn sự hy sinh của các chiến sĩ bị địch bắt, tù đày vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng tộc. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách đối với người có công, nhiều hoạt động quan tâm chăm lo đời sống người có công; trong đó, có các đồng chí hoạt động cách mạng bị địch bắt, tù đày. Đây là việc làm thể hiện trách nhiệm cao cả và đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội ta.

Đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh: Hội nghị biểu dương các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã hy sinh xương máu vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Đồng thời, đây cũng là dịp để biểu dương tinh thần vượt khó, phát huy truyền thống yêu nước, gương mẫu của các chiến sĩ cách mạng đã bị địch bắt, tù đày trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức, đoàn thể tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lí của Nhà nước đối với người có công; tổ chức tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện chính sách đối với người có công; xem xét, hướng dẫn cụ thể để thực hiện các quy định về giải quyết chính sách cho người có công.

Nguyên Lý