Y tế cơ sở cần được quan tâm đúng mức

Mặc dù thời gian qua đã có nhiều chương trình, chính sách đầu tư, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị… còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên dù cố gắng nhưng hiệu quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là những gì mà công tác y tế huyện Văn Yên (Yên Bái) đang gặp phải.

 

Cơ sở vật chất thiếu thốn, tạm bợ


Tiếp chúng tôi trong căn phòng chừng 15m2, bốn góc chất đầy những chiếc hòm tôn đựng tài liệu, bác sỹ Nguyễn Thị Hữu, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện phần trần: "Phòng hơi chật và bừa bộn, các đồng chí thông cảm. Không có chỗ để tài liệu nên anh em họ để tạm ở phòng tôi. Chỗ chúng tôi đang làm việc hiện tại cũng là mượn của bệnh viện chứ chưa có chỗ ổn định. Do không có trụ sở làm việc, bà con đến khám bệnh rất vất vả. Người bệnh thì đông, chỗ ngồi cũng không có, tiện đâu ngồi đấy, phòng ốc chật chội, các nhân viên y tế luôn trong tình trạng làm việc hết công suất mà vẫn không xuể".


 

Cần tăng cường đội ngũ y tế cơ sở hơn nữa đảm bảo việc khám, chữa bệnh cho bà con vùng khó khăn.

Không chỉ thiếu thốn về chỗ làm việc, Trung tâm y tế huyện còn thiếu cả về trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh. Hiện tại, máy móc, thuốc men, hóa chất phục vụ cho xét nghiệm đều không đủ, chỉ đảm đương được một số xét nghiệm thông thường, cơ bản như sinh hóa máu, xét nghiệm HIV…; còn đối với những xét nghiệm chuyên sâu như xét nghiệm tìm nguyên nhân ngộ độc, xét nghiệm phát hiện vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, huyết thanh miễn dịch, kháng sinh đồ để tìm các loại vi khuẩn kháng kháng sinh… thì không thể làm được. Bởi vậy, mỗi lần có bệnh nhân phải làm các xét nghiệm chuyên sâu trên, cán bộ y tế huyện phải lấy mẫu đem về thành phố để kiểm tra, nếu nhanh cũng phải mất cả ngày rất bất tiện và ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.


Còn đối với các trạm y tế xã của huyện Văn Yên hầu hết các trang thiết bị cũng trong tình trạng không đảm bảo về số lượng và chất lượng. Các dụng cụ khám chữa bệnh được sử dụng suốt nhiều năm liền như trang thiết bị dụng cụ phục vụ cho khám bệnh tai mũi họng, răng hàm mặt hay dụng cụ cho khoa sản… có khi lên đến cả chục năm. Riêng các dụng cụ chuyên khoa thì càng không có, những trang thiết bị còn lại đều quá cũ và chưa hoặc hiếm khi được bổ sung...


Tâm sự về những khó khăn, thiếu thốn, anh Ngô Đức Tiệp, y sỹ trạm y tế xã Viễn Sơn chia sẻ: "Trạm y tế xã là cơ sở khám chữa bệnh ban đầu cho bà con dân tộc trên địa bàn; tuy nhiên, do khó khăn về nhiều mặt nên về cơ bản mới chỉ đáp ứng khám chữa được những bệnh thông thường. Đối với những bệnh nặng một chút, dù có thể chữa được nhưng chúng tôi cũng phải chuyển về huyện vì không có thiết bị phục vụ khám, cấp cứu. Nói đơn cử như về chuyện thuốc men, nếu theo chuẩn y tế quốc gia thì chúng tôi phải được cấp khoảng hơn 200 loại thuốc, tuy nhiên hiện chỉ có khoảng 70 loại. Chưa kể, nhiều lúc thuốc kháng sinh chuyển xuống trạm còn bị muộn".

 

Cán bộ chuyên môn vừa thiếu vừa yếu


Hiện tại, đội ngũ cán bộ y bác sỹ trên địa bàn huyện là 167, người hoạt động tại 27 trạm y tế. Theo cơ cấu, mỗi trạm có 5 cán bộ gồm bác sỹ, y sỹ và các nhân viên. Các trạm y tế xã về số lượng đội ngũ cơ bản đủ, song lại thiếu nhiều bác sỹ, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã. Đồng thời, cán bộ y tế tại các trạm do trình độ chuyên môn hạn chế, chưa được tập huấn và đào tạo lại nên khó khăn trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân tại địa phương.


Cụ thể, với tổng số 27 trạm y tế, nhưng thực tế mới chỉ có khoảng 50% số trạm có bác sỹ, còn lại một nửa mới chỉ có y sỹ. Mặc dù ngành y tế đều có chương trình đào tạo cán bộ tại các trạm y tế xã lên trình độ bác sỹ, nhưng trình độ lại không đồng bộ với trang thiết bị y tế ở cơ sở. Vì vậy, số cán bộ được đào tạo lại về trình độ, chuyên môn, các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ khám chữa bệnh tại cơ sở để đối phó với các dịch bệnh xảy ra hàng năm vẫn còn khá khiêm tốn...


Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được tài năng, tâm huyết của các y bác sỹ cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc họ không mặn mà, gắn bó với công việc. Tâm sự về điều này, bác sỹ Hữu trăn trở: "Cán bộ y tế cơ sở chúng tôi hiện đang phải đảm đương một khối lượng công việc rất lớn nhưng thu nhập lại không đủ trang trải cho cuộc sống. Để tạo dựng được một đội ngũ cán bộ y tế từ thôn bản trở lên vất vả vô cùng".


Điều lo lắng trên là hoàn toàn có thật, bởi lẽ, cứ sau mỗi năm, số người làm công tác y tế thôn bản của huyện bỏ nghề, chuyển ngành đi kiếm việc khác lại gia tăng. “Hiện tại chúng tôi có 319 cán bộ, cộng tác viên y tế thôn bản nhưng đến cuối năm không dám chắc con số này còn lại bao nhiêu. Chỉ tính riêng trong năm 2011, số người bỏ việc đã lên tới hàng chục…”, bác sỹ Hữu cho biết thêm.


Như vậy, để y tế cơ sở hoàn thành trọng trách, phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình, không có cách nào khác là cần phải được sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa của các cấp, ngành trung ương cũng như địa phương về trước mắt cũng như lâu dài.


Bài và ảnh: Minh Phúc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN