Y sỹ mang quân hàm xanh ở vùng cao A Pa Chải

Đêm A Pa Chải tĩnh mịch, dãy núi trước mặt Trạm kết hợp quân dân y A Pa Chải mờ ảo trong hơi lạnh và màn mưa. Tiếng suối chảy của dòng Mo Pí vọng lại như phụ họa cho lời kể trầm ấm của Trung úy Trần Đăng Dân (sinh năm 1974) - Trạm trưởng Trạm kết hợp quân dân y A Pa Chải. Với nhiều thành tích xuất sắc đã đạt được, tháng 5 vừa qua anh đã được Trung ương Đoàn - Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tuyên dương danh hiệu Thầy thuốc trẻ tiêu biểu và được Bộ Y tế tặng bằng khen.

 

"Bén rễ” miền đất Tây Bắc


Thấm thoắt đã gần 20 năm anh Dân xa quê, công tác ở hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Năm năm đóng quân ở vùng đất A Pa Chải, giờ đây mọi người dân Hà Nhì ở ngã ba biên giới này đều gọi anh là người y sỹ mang quân hàm xanh. Trung úy Trần Đăng Dân cho biết, anh bắt đầu đời lính từ năm 1993 - khi vừa tròn 19 tuổi, cuộc đời anh chính thức gắn với Tây Bắc từ năm 1995.


Y sĩ Trần Đăng Dân, Trạm trưởng Trạm quân dân y kết hợp tại bản Pờ Nhù Khồ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (Điện Biên).


Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo của huyện Xuân Trường (Nam Định), sau 2 năm học tập và công tác tại trường Văn hóa ngoại ngữ, Trung tâm huấn luyện Bộ đội Biên phòng, năm 1995 anh Dân theo học trường Trung cấp y tế tỉnh Lai Châu. Tốt nghiệp năm 1999, anh nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng 277 ở Nậm Xe (Lai Châu). Đầu năm 2004, anh chuyển về công tác tại đồn Biên phòng 429, Tây Trang (Điện Biên).


Theo anh Dân, vùng miền nào nơi vùng đất Tây Bắc Tổ quốc cũng gian khó nhưng chuyển về đồn Tây Trang thì cái vất vả, khó khăn còn nhân lên bội phần. Đây là vùng đất có khí hậu rất khắc nghiệt. Nhiệm vụ của người y sĩ lại càng nặng nề hơn khi không chỉ đảm nhiệm việc chữa bệnh, chăm lo sức khỏe cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn mà còn chăm sóc sức khỏe cho các chiến sỹ trong trận chiến chống tội phạm buôn bán ma túy đang thời kỳ quyết liệt. Bản thân anh luôn phải đi sát lính biên phòng trong những vụ đánh án nên hiểm nguy luôn rình rập.


Công tác tại đồn Biên phòng Tây Trang được 1 năm, anh Dân được cử đi học lớp Chuyên khoa Sản nhi và Y tế cộng đồng tại trường Trung cấp Quân y (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Từ giữa năm 2008 đến cuối 2009, anh Dân được điều động về Ban Quân y - Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, tham gia xây dựng Trạm quân dân y kết hợp với 2 phòng khám ở Nậm Sua, Nà Hì thuộc huyện Mường Nhé. Cuối năm 2009, anh Dân được lệnh lên công tác tại đồn Biên phòng 317 A Pa Chải - mảnh đất hiểm yếu nơi biên cương cực Tây của Tổ quốc.


Lên công tác tại đồn Biên phòng A Pa Chải, anh Dân nhận thấy: Xã Sín Thầu (địa bàn Đồn phụ trách) có 6 bản với hơn 220 hộ, trên 1.000 nhân khẩu, trong đó 100% là đồng bào Hà Nhì vẫn còn tồn tại những hủ tục lạc hậu. Khi ốm đau, bà con chỉ ở nhà cúng ma, làm lý. Đến khi tình trạng bệnh nhân đã rất nặng mới được đưa đến trạm y tế. Nhưng, đường sá đi lại khó khăn, khoảng cách từ các bản tới cơ sở khám chữa bệnh quá xa, 5/6 bản của xã cách cơ sở y tế ít nhất trên 5 km và cách Trung tâm Y tế huyện khoảng 60 km đường núi rừng.


Trước mong muốn có một trạm kết hợp quân dân y của y sỹ Trần Đăng Dân và các chiến sỹ đồn Biên phòng A Pa Chải, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã khảo sát, đề xuất và được UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan cho phép thành lập Trạm kết hợp quân dân y A Pa Chải. Từ đầu năm 2010, Trạm kết hợp quân dân y đi vào hoạt động, anh Trần Đăng Dân được giao nhiệm vụ Trạm trưởng Trạm kết hợp quân dân y. 


“Ông đỡ” của 42 em bé


Từ khi nhận nhiệm vụ tại Trạm quân dân y kết hợp A Pa Chải, anh Dân đã khám và tham gia điều trị cho hơn 4.100 lượt cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên địa bàn. Anh còn tham gia tuyên truyền phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS cho gần 1.000 lượt người, phát gần 1.000 tờ rơi về phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS tại 6 bản của xã; tuyên truyền về phòng chống dịch cúm A/H1N1 ở người cho gần 1.100 lượt người; vận động, tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em cho trên 520 lượt người.


Anh Dân cho biết, trước đây, khi trạm chưa thành lập, đa phần phụ nữ người dân tộc Hà Nhì đều sinh nở ở bản, ít khi ra trạm y tế xã lắm. Để phụ nữ Hà Nhì đến Trạm kết hợp quân dân y khi sinh nở là một sự cố gắng, nỗ lực bền bỉ của cán bộ, chiến sỹ công tác tại trạm. Trước đây, theo quan niệm của người dân tộc Hà Nhì, thai phụ trong quá trình chuyển dạ, sinh nở không người lạ nào được phép nhìn thấy. Điều nguy hiểm hơn đối với thai nhi là phụ nữ Hà Nhì còn có thói quen sinh con theo tư thế ngồi sinh.


Các chiến sỹ trong trạm đã đến từng bản, từng nhà để vận động, tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu về tác hại của việc sinh con theo quan niệm lạc hậu này. “Mưa dầm thấm lâu”, nhờ sự kiên trì vận động của cán bộ chiến sỹ Trạm kết hợp quân dân y, người dân trên địa bàn dần từ bỏ được tập tục lạc hậu trong chuyện sinh nở. Nhiều năm trở lại đây, Trạm kết hợp quân dân y đã trở thành địa chỉ tin cậy để chị em khi sinh nở tìm đến. Với cương vị là Trạm trưởng Trạm kết hợp quân dân y, đến nay anh Dân đã đỡ đẻ an toàn cho 42 trường hợp.


Bài và ảnh: Xuân Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN