Xuân về trên những bản làng

Khi người dân ở thành phố Lào Cai hối hả mua sắm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Tân Mão, chúng tôi ngược lên vùng cao huyện Bát Xát (Lào Cai), đến với làng tái định cư đồng bào Mông, thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung ...


Nơi cách đây tròn 5 năm có gần 30 hộ đồng bào Mông chuyển từ huyện Mường Khương về, theo chủ trương sắp xếp lại dân cư của tỉnh. 3 năm trở lại đây, bản người Mông này đã là điểm sáng về phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của huyện Bát Xát, ghi đậm dấu ấn công sức của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng A Mú Sung và đoàn kinh tế quốc phòng 345.

Theo người dân địa phương, Lũng Pô là một truyền thuyết dài về sự tích "Rồng - Tiên" của mảnh đất này, qua đó khẳng định chủ quyền dân tộc của các thế hệ cha ông ta.


Năm 2006, tỉnh Lào Cai chủ trương di dân từ Mường Khương về Bát Xát, đó là chủ trương đúng, hợp lòng dân, được các cấp, các ngành ủng hộ. Nhà nước hỗ trợ kinh phí và lo việc vận chuyển nhà cửa cho dân từ Mường Khương về, san gạt mặt bằng. UBND xã cấp đất tăng gia; đồn biên phòng và Đoàn kinh tế quốc phòng 345 giúp đỡ nhân lực làm nhà, hướng dẫn bà con ổn định chỗ ở.

Được xã hỗ trợ giống dứa theo Chương trình 135, thấy đây là cơ hội để bà con có nguồn thu, góp phần thoát đói nghèo, anh Ma Seo Páo, Trưởng bản Lũng Pô 2 tổ chức họp thôn, phân tích, vận động bà con vay vốn ngân hàng Chính sách xã hội, đưa cây dứa thành cây xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân trong bản. Nửa số gia đình trong bản vay vốn, hộ nhiều nhất vay tới 10 triệu đồng.

Chiến sĩ biên phòng hướng dẫn bà con bản Mông Lũng Pô trồng dứa. Ảnh: Lục văn Toán


Được cán bộ của đồn A Mú Sung, đoàn kinh tế 345 tham gia hướng dẫn, 17 ha dứa chăm sóc đúng kỹ thuật cho thu hoạch vụ đầu tiên với năng suất cao. Xe thu mua vào tận bản chở sản phẩm đi tiêu thụ; hộ nhiều nhất thu được tới 25 triệu đồng tiền bán dứa.


Nhiều hộ trong thôn đã có tiền trang trải cuộc sống gia đình, điều mà hầu như không có nếu ở bản cũ. Mấy hộ nghèo “kinh niên” như gia đình Sùng Thị Mai, Hầu Seo Chu, Lù Seo Nhà... trồng 5 vạn gốc dứa, bán được hơn 20 triệu đồng, phấn khởi gọi cây dứa là "cây cao sản xóa đói giảm nghèo".

Mỗi lần đứng bên đường biên giới nhìn sang nước bạn thấy rừng cao su xanh tốt, anh Páo tự hỏi tại sao ta không phát triển loại cây này? Anh trồng thử hơn 100 cây, thấy cây phát triển tốt và thầm nghĩ: Nếu khuyến khích bà con trồng thì kinh tế hộ gia đình có thêm nguồn thu. Khi có chủ trương của huyện về trồng cây cao su, anh vận động bà con đăng kí nhận đất trồng rừng.

Vậy là từ năm 2007 tới nay, bản Lũng Pô 2 đã trồng gần 30 ha cây cao su, đi tiên phong trong việc trồng gần 10.000 ha cao su theo kế hoạch của tỉnh Lào Cai từ nay đến năm 2015. Đến nay 30 ha cao su đã khép tán, cành cao thoát khỏi tầm với của con người.


Theo cán bộ khuyến nông, chỉ 5 - 7 năm nữa là cây cao su cho khai thác mủ, lúc đó 30 hộ dân ở đây sẽ trở thành làng nông nghiệp cung cấp sản phẩm cho công nghiệp, manh nha một mô hình nông thôn mới công - nông nghiệp hòa quyện để xóa nghèo bền vững.

Long An: Xuân ấm no xã vùng biên

Từ thị trấn Tân Hưng, dọc theo tuyến đường kênh 79 với gần 2 giờ đi xe gắn máy, chúng tôi đến trung tâm xã biên giới Hưng Điền B (huyện Tân Hưng), một xã vùng sâu biên giới vốn là xã nghèo của tỉnh Long An, điều kiện cơ sở hạ tầng hầu như không có, mà giờ đây điện đã được thắp sáng, hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, chợ trung tâm được xây dựng mới, cuộc sống cải thiện đáng kể.

Đến thăm xã Hưng Điền B vào những ngày này, đi đến đâu cũng thấy cảnh bà con nhộn nhịp chuẩn bị đón xuân Tân Mão. Dọc theo các tuyến kênh 79, kênh Cũ, kênh T9, kênh Nguyễn Trỗi, nhiều tàu thuyền nối đuôi ngược xuôi chở đầy hàng hóa phục vụ Tết.


Chợ trung tâm của xã có hơn 100 hộ mua bán khá sung túc, hàng hóa phong phú, nhiều mặt hàng như thủy sản, thịt lợn, bò, trâu còn rẻ hơn ở chợ huyện, chợ tỉnh.

Tâm sự với chúng tôi, chị Lê Thị Hải, ở ấp Tre Một cho biết: Tết năm nay bà con ở đây đỡ khổ nhiều rồi. Bà con đang chờ đón vụ lúa đông xuân bội thu nhờ mùa nước lũ 2010 mang phù sa cho đồng ruộng.


Đường sá đã mở rộng từ trung tâm xã ra tận thị trấn Tân Hưng, không còn cảnh lặn lội mất cả buổi vất vả như trước. Chợ trung tâm xã cũng được xây dựng khang trang, không thiếu thứ gì.

Chủ tịch UBND xã Hưng Điền B Tạ Văn Mệnh phấn khởi cho biết, những đổi thay đáng mừng của xã có được là nhờ trong 10 năm qua, nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ hỗ trợ địa phương hơn 7 tỷ đồng, cùng với sự đóng góp của bà con sở tại. Xã đã xây dựng hơn 20 công trình như điện, nước sạch, trường học, trạm y tế, giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, xóa được cầu khỉ, xây dựng 30 km đường giao thông liên ấp... giúp bà con đi lại dễ dàng hơn.

Chương trình 135 như luồng sinh khí mới góp phần giúp xã vùng biên chuyển mình, vượt qua khó khăn để đón thật nhiều những cái Tết no ấm, vui vẻ, hạnh phúc.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN