Xuân về trên bản Khau Lang

Đến bản Khau Lang - bản của người dân tộc Sán Chí, đặc trưng ở Thái Nguyên trong tiết trời se lạnh, càng cảm nhận hết không khí chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền dân tộc của đồng bào đã tràn ngập khắp bản, làng nơi đây.

Người Sán Chí. Ảnh giaoduc.net


Hòa chung không khí đón Tết của các dân tộc khác, phong tục đón Tết của dân tộc Sán Chí ở bản Khau Lang, xã Tân Thịnh (huyện Định Hóa) vẫn được người Sán Chí lưu giữ với những nét phong tục tập quán truyền thống đặc sắc.

Cũng như nhiều hộ khác trong bản, gia đình anh La Văn Đồng, ở bản Khau lang, xã Tân Thịnh, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) năm nay đông vui hơn hẳn so với những năm khác. Là một gia đình người Sán Chí, năm nào cũng vậy, gia đình anh lại tổ chức ăn Tết truyền thống của dân tộc. Ngay từ sáng sớm, cả gia đình anh đã tất bật chuẩn bị cho ngày Tết.

Mỗi người một việc, trong khi việc thịt lợn, thịt gà được cánh đàn ông, con trai đảm đương thì ở dưới bếp, chị em phụ nữ lại làm công việc đồ xôi, gói bánh chưng, nhào bột, làm miến. Mọi việc đều được tiến hành một cách nhanh chóng để chuẩn bị mâm cúng tổ tiên và đón họ hàng, làng xóm đến chung vui. Không khí đông vui, tất bật làm cho ngày Tết càng thêm rộn rã, ấm áp.

Anh Đồng vui mừng cho biết: “Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc, nên cuộc sống của gia đình tôi cũng như nhiều người dân trong bản đã no ấm hơn, đường sá đi lại thuận lợi hơn, kinh tế có phần khá hơn. Vì vậy, bà con ăn Tết cũng đầy đủ hơn trước rất nhiều”.

Cũng giống như người Kinh, người Sán Chí ăn Tết Nguyên đán từ 23, 24 tháng Chạp cho đến hết tháng Giêng. Theo quan niệm của người Sán Chí, Tết cổ truyền là lễ tết quan trọng nhất trong năm, là dịp để mọi người vui chơi, ca hát và nghỉ ngơi nên vào những ngày đó mọi công việc đồng áng đều được gác lại, cả gia đình tập trung vào dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón Tết. Tết của người Sán Chí không chỉ có mọi người trong gia đình mà có cả anh em, họ hàng, làng xóm cùng đến chung vui.

Bởi vậy, Tết cổ truyền của người Sán Chí không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn có tầm quan trọng trong sự nối kết cộng đồng, làng xóm. Đặc biệt, ngày Tết của người Sán Chí không thể thiếu rượu bằng men lá, men rượu được ủ từ lá cây hái trên rừng nên hương vị rất đặc trưng, rượu có vị thơm nhẹ. Ngoài việc chuẩn bị rượu, thịt cho Tết, người Sán Chí còn tự tay làm nón lá, dệt những bộ quần áo thật đẹp để đi chơi Tết. Trang phục chơi Tết của người con gái Sán Chí có áo “Biệc teep Samm” (áo bốn thân) được nhuộm màu chàm, cổ áo được trang trí bằng những họa tiết hoa văn đơn giản.

Cổ và tay đeo vòng bạc, đầu búi tóc sau gáy đội khăn chàm cuốn lật hai dải khăn về phía sau, ngang lưng thắt bằng những dải vải xanh, đỏ, tím vàng như cầu vồng bảy sắc buông xuống dài ngang váy. Chân cuốn xà cạp màu trắng. Các cụ già thì sau lưng đeo thêm cái túi trầu cau nho nhỏ. Bộ trang phục này được người con gái Sán Chí mặc vào ngày Tết và ngày cưới. Khác với trang phục của nữ, trang phục của nam đơn giản hơn nhiều, chỉ có áo tân thời cài khuy ngang gọi là “Báo tu Samm”, khăn xếp, ô đen hoặc nón lá.

Với người Sán Chí, việc thờ cúng tổ tiên trong ngày Tết là hết sức quan trọng. M âm cúng tổ tiên của người Sán Chí khá đơn giản với 3 đĩa thịt lợn, 1 con gà thiến, rượu và vàng, hương, ngoài ra còn có thêm bánh chay. Vào sáng sớm mùng 1 Tết, người Sán Chí có tục lấy nước mới để hòa bột làm bánh chay cúng Phật với mong muốn mang lại may mắn, an lành trong năm mới, xua đi những gì không may của năm cũ.

Cụ Hoàng Thị Tân, 65 tuổi ở thôn Khau Lang cho biết: “Người Sán Chí không có tục xông nhà và chúc Tết vào đêm giao thừa và sáng mùng 1. Bởi người Sán Chí quan niệm, nếu trong năm mới có may mắn hay gặp xui là do người đầu tiên đến chúc Tết sau giao thừa và sáng mùng 1. Vì vậy, để tránh gia chủ gặp điều không may trong năm mới nên sáng Mùng 1 mọi người không ai đi chúc Tết anh em, họ hàng, làng xóm cả, mà để đến qua trưa mới đi chơi, chúc Tết.

Vào dịp Tết, điệu nhảy Tắc xình của đồng bào ở đây như giục giã tất cả mọi người cùng tham gia. Điệu nhảy Tắc xình có 6 người cả nam và nữ, họ dùng khăn, thanh tre nhảy theo âm thanh tắc… xình, tắc… xình phát ra từ tiếng trống, tiếng ống tre gõ xuống đất và tiếng thanh tre gõ vào ống. Ông Lường Minh Cầu, 61 tuổi, người gõ ống tre cho biết: “Một bài nhảy Tắc xình gồm có 5 hồi: Nhảy vào nhịp, nhảy vòng, nhảy sang đường, nhảy điệu chim gáy vờn nhau và điệu khỉ giã gạo… Đây là điệu nhảy được người Sán Chí quan niệm là nhảy cho người âm xem nên chỉ nhảy ngoài khu đất rộng, tuyệt đối không nhảy trong nhà”. Ngoài ra, vào dịp đầu năm mới, người Sán Chí còn có nhiều tục lệ, lễ hội khác như: Tục làm lễ đặt tên âm cho những người trưởng thành; cúng cầu mưa vào khoảng tháng 2, 3 âm lịch... với mong muốn những điều may mắn, tốt đẹp, thuận lợi trong năm mới.

Năm nay, bà con bản Khau Lang đón Tết trong niềm vui mừng, phấn khởi hơn so với những năm trước, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống 2% (23,3% - 21,6%), số trẻ trong độ tuổi đến trường đạt 100%, điện lưới quốc gia tỏa sáng khắp thôn, bản và có gần 70% số hộ được sử dụng điện; công tác y tế, trang thiết bị đã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. UBND xã đang kết hợp với trạm y tế hoàn thành các hạng mục công trình để phấn đấu đạt chuẩn quốc gia về y tế vào cuối năm 2013.

Rời Khau Lang khi mặt trời bắt đầu khuất bóng, những câu hát ví ngọt ngào, điệu nhảy Tắc xình còn vương vấn, chén rượu men lá nồng ấm vẫn say đắm lòng người. Tết đến, xuân về, mọi người cùng chúc nhau thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công./.



Lan Anh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN