Xuân này ở Tả Phời

Cách Tết chừng hơn 1 tháng, trong cái gió buốt cắt da cắt thịt, dọc đường từ trung tâm thành phố Lào Cai về xã Tả Phời, hai bên đường, những thửa ruộng bậc thang vừa xong mùa gặt đang “nghỉ ngơi” đợi Lễ hội Xuống đồng. Sắc xuân đã hiện diện trên những thửa đất trồng rau màu, trên những quả đồi xanh màu chè San Tuyết và đặc biệt, trong sắc màu tươi tắn rực rỡ của váy áo các thiếu nữ Dao, Dáy thấp thoáng trên đường ra chợ. Từ 8 năm nay, đời sống người dân trong xã Tả Phời đã có nhiều đổi thay, nhất là kể từ khi “ra khỏi diện xã 135”.


“Không còn lo hạt gạo như xưa”


Vừa đến ngõ nhà ông Vi Văn Phù (người dân tộc Dáy), thôn Cóc 2, xã Tả Phời (thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) đã nghe tiếng máy xay xát rào rào vui tai. Bên bếp lửa ngày giá rét, ông Phù kể, ông là người đầu tiên đưa máy xay xát về với thôn, từ năm 1993. Hiện nay, thu nhập gia đình chủ yếu dựa vào chăn nuôi trâu bò, gà lợn và trồng lúa, trồng chè, mới đây là thêm trồng khoai tây làm cây vụ đông. Cả nhà có 6 sào ruộng mỗi năm trồng hai vụ lúa và thêm 1 vụ đông trồng khoai tây. Mỗi năm, nhà ông bán được 2 đến 3 lứa lợn. Khi chúng tôi tới nơi, nhà ông Phù đang có 15 con lợn choai được “vỗ béo” để chờ bán trong dịp Tết sắp đến.


Hệ thống thủy lợi được đầu tư kiên cố đã giúp bà con trong xã tăng vụ sản xuất.


Dõi mắt ra phía trước hiên nhà, phía xa là đồi chè xanh mượt mới cho thu hoạch được 2 năm, ông Phù nhớ lại: Chục năm về trước, cả thôn có hơn 40 hộ thì chỉ khoảng chục hộ đủ cơm ăn. “Nhưng bây giờ bà con không còn phải lo về hạt gạo như xưa. Xưa chúng tôi chỉ ăn sắn, cơm sắn rượu sắn, thức ăn không có. Nay thì gạo không thiếu, rượu cũng chỉ uống rượu gạo”, nét mặt ông Phù tươi tắn trở lại. Hiện nay, trong số trên 70 hộ gia đình của thôn, chỉ còn 6 hộ nghèo.


Ông Phù nhận xét, có được sự thay đổi đó là nhờ bà con nhận được nhiều hỗ trợ từ Nhà nước: cấp giống, trợ giá giống, ngân hàng cho vay phát triển kinh tế. Ban đầu, người dân chỉ trồng giống lúa địa phương, thu hoạch xong thì để giống cho mùa sau. Cứ làm thế từ vụ này sang vụ khác, giống lúa vì thế mà ngày càng thoái hóa, chất lượng kém. Sau đó, theo diện hỗ trợ dành cho xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135), xã được Nhà nước cấp nhiều giống lúa mới có năng suất cao nên dân bản nay đã có đủ hạt gạo.


Máy sấy chè đã giúp bà con nâng cao giá trị sản phẩm.


Trước đây do thiếu nước nên chỉ trồng 1 vụ lúa nhưng từ năm 2000 thì nhờ được Nhà nước đầu tư hệ thống thủy lợi nên đã làm được 2, 3 vụ lúa dễ dàng. Nhờ đó, mặc dù diện tích không mở rộng thêm nhiều nhưng hiệu quả canh tác được nâng cao rõ rệt. Năm 2012, diện tích cấy lúa của toàn xã đạt 359,5 ha cho sản lượng 1,8 triệu tấn. Đồng thời, xã triển khai trồng được 142 ha diện tích vụ đông. Bên cạnh lúa giống, bà con còn được hỗ trợ giống ngô cao sản, lợn giống, gà giống.
Cây thảo quả cũng là một cây xóa đói giảm nghèo cho xã vùng cao Tả Phời. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vi Thị Hởi, 80% bà con vùng cao thoát nghèo nhờ cây thảo quả.


Cùng với những hỗ trợ để cải thiện điều kiện canh tác nông nghiệp, việc triển khai những chính sách an sinh xã hội cho vùng đặc biệt khó khăn Tả Phời còn mang lại ý nghĩa về nhiều mặt. Việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào cũng được quan tâm hơn. Bà con có thẻ Bảo hiểm y tế được miễn 100% phí khám chữa bệnh nên người dân yên tâm hẳn. Ốm đau không còn lo như trước.


Xã Tả Phời hiện nay có 22 thôn, gần 7.000 nhân khẩu với 7 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đa số là đồng bào dân tộc Dao và dân tộc Tày. Nguồn hỗ trợ từ nhiều kênh của Chính phủ và từ các tổ chức quốc tế đã mang đến cho Tả Phời sức bật. Năm 2012, cả xã có thêm 193 hộ thoát nghèo, vượt kế hoạch đề ra.


Thêm những mùa no ấm


Từ năm 2004, Tả Phời trở thành xã đầu tiên của cả nước xin ra khỏi diện các xã được hưởng hỗ trợ Chương trình 135. Năm 2006, Tả Phời được sáp nhập vào thành phố Lào Cai. Trong những năm tiếp theo, các chương trình hỗ trợ và quan tâm về giảm nghèo và an sinh xã hội vẫn hướng đến Tả Phời với mục tiêu giúp địa phương thoát nghèo một cách bền vững.


Lãnh đạo UBND xã này cho biết, năm 2007, xã được thành phố chọn triển khai thí điểm trồng cây chè San Tuyết. Ban đầu, rất khó vận động bà con trồng chè. “Trước đây, bà con đã quen canh tác cây ngắn ngày, chỉ 2 - 3 tháng là được thu hoạch. Vì vậy, mới đầu, nghe nói trồng chè San Tuyết phải mất 3 năm chăm sóc mới có nguồn thu thì bà con không muốn làm. Chính quyền, đoàn thể phải mất rất nhiều công sức để vận động bà con. Thậm chí, lãnh đạo đảng, chính quyền, đoàn thể... cùng đi trồng chè. Cuối cùng cũng có 12 gia đình đứng ra trồng trước”, Phó Chủ tịch xã Vi Thị Hởi kể. Đến năm 2010, để bảo vệ diện tích chè, xã có chủ trương cấm thả rông đàn gia súc.


Sau 3 năm chăm bón, đến thời điểm thu hái thì việc thu mua chè do một doanh nghiệp thực hiện lại không được thường xuyên, khiến người dân chán nản. Vì không có nơi mua, dân chán nản lại muốn bỏ cây chè để trồng cây khác. Năm 2012, thành phố Lào Cai đã đầu tư cho xã 2 dây chuyền sao chè quy mô nhỏ để giúp người dân nâng cao giá trị sản phẩm chè.


Ông Phù kể: “Sau khi nhận máy về, tôi được thành phố cho đi huyện Bảo Thắng - nơi có diện tích chè lớn - học kinh nghiệm. Chè San Tuyết trồng ở Tả Phời có chất lượng cao. Thêm vào đó, việc đầu tư xây dựng lò chế biến đã giúp người dân bán được chè tươi với giá cao hơn, yên tâm hơn với việc trồng chè”.


Bây giờ có chỗ thu mua, những hộ trồng chè đã quay lại đầu tư chăm bón. Chỉ khoảng hai tháng cuối năm, nhà ông Phù đã thu mua và chế biến được 3 - 4 tạ sản phẩm. “Chắc là tôi cũng phải tính chuyện mua thêm một máy sao chè nữa. Vì riêng diện tích trồng chè của nhà đã là 0,5 ha. Việc trồng và chế biến chè giúp gia đình có thu nhập ổn định quanh năm. Tháng nào cũng có 2 lần hái. Tính ra cả năm trồng chè thì còn hơn làm lúa”, ông Phù chia sẻ dự định.


Trước những lợi ích thấy rõ, bà con nhân dân đã bắt đầu có niềm tin vào hiệu quả của cây chè trên đất Tả Phời. Đến nay, toàn xã có 50 hộ tham gia trồng chè ở 4 thôn. Theo kế hoạch, trong năm 2013, xã đã có kế hoạch mở rộng thêm 8 ha.


Sau cây chè, từ năm 2011, xã tiếp tục triển khai thí điểm trồng cây lê, giống VH6. Đây là giống cây có tiềm năng về thu nhập cho bà con. Cây thảo quả cũng là một cây xóa đói giảm nghèo cho vùng cao. Nhưng khó khăn ở chỗ chỉ trồng được ở những khu vực rừng già. Hiện nay, diện tích trồng thảo quả chỉ có 4 ha, tập trung ở các thôn Phìn Hồ Thầu, Ú Xì Xung, Thôn Pèng, Làng Mới và nhiều nhất là Làng Mới. Có những hộ muốn trồng nhưng không có đất. Nay diện tích rừng thu hẹp dần. Phải giữ rừng thì mới giữ được diện tích này.


Cùng với việc thoát nghèo bền vững, hiện nay xã Tả Phời đang cùng nhiều địa phương trên cả nước triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện tốt công tác này, bà Vi Thị Hởi cho biết, xã Tả Phời đã xây dựng nhiều kế hoạch để tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, thu hút các dự án vào địa phương, cho các hộ nghèo vay các nguồn vốn ưu đãi, cho học sinh sinh viên vay vốn. Song song với những chương trình này, xã vẫn tiếp tục triển khai việc hỗ trợ giống, hỗ trợ tiền điện và dầu hỏa cho các hộ nghèo.


Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, xã sẽ bước vào Lễ hội Xuống đồng và Lễ hội Đền Thượng. Ông Nông Văn Lẻng, Chủ tịch xã cho biết, trước đây, Lễ hội Xuống đồng năm nào cũng tổ chức nhưng chỉ ở cấp thôn. Mấy năm nay, đời sống người dân địa phương khấm khá lên, cứ 3 năm một lần lại làm Lễ hội Xuống đồng quy mô cấp xã. Vào dịp đầu năm mới, bà con các dân tộc sẽ thi tài múa hát, thi ném còn, đẩy gậy, kéo co... Với lễ hội Đền Thượng, trước đây chỉ làm quy mô cấp xã thì năm 2013 sẽ làm với quy mô cấp tỉnh. “Tại Lễ hội Đền Thượng năm nay, xã sẽ tập trung quảng bá, giới thiệu những mặt hàng nông sản của mình, tìm thêm thị trường cho các mặt hàng mới”, bà Hởi kỳ vọng.


Chúng tôi rời Tả Phời ra về trong chiều muộn. Cảm nhận trong những làn khói bếp từ những mái nhà lúp xúp hai bên đường, trong tiếng cười trong trẻo giòn tan của đám trẻ chăn trâu, những thửa ruộng bậc thang hai bên đường lại có thêm những mùa no ấm đến với bà con nơi vùng cao Tây Bắc.



Bài và ảnh:Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN