Xên Bản - Ngày hội tình yêu

 Lễ hội Xên Bản hay lễ hội cầu an của đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc nhằm tưởng nhớ đến các vị thần linh đã khai sáng ra bản Mường. Nhưng đối với người Thái ở xã Mường Sang (Mộc Châu - Sơn La) thì ngoài ý nghĩa trên còn là ngày hội tình yêu của trai gái trong vùng.

Đám rước từ bản ra thác Dải Yếm – Nơi tổ chức Lễ hội Xên Bản của đồng bào Thái ở Mường Sang

Rước trâu trong ngày hội Xên Bản


Khai hội Xên Bản mở đầu bằng đám rước diễn ra từ nhà quan Mường ra đình. Dẫn đầu đám rước là các chức sắc trong Mường với trang phục đẹp may bằng the, lụa, có cờ, lọng, chiêng trống, kèn, sáo, nhị đi kèm. Tiếp đến, các cụ già đội khăn đỏ, mặc áo tơ tằm vàng, quần chàm sẫm, thắt lưng xanh và mang theo cả cung nỏ. Một con trâu mộng to béo, được tắm rửa sạch sẽ, da đen bóng được dắt theo, đôi sừng trâu bọc giấy màu lấp lánh, ở giữa trán và hai bên mông có dán giấy trắng cắt hình hoa ban to như miệng bát. Đi sau cùng là những chàng trai trong bản, mặc áo đỏ viền xanh, quần vàng, đội mũ chóp sơn dầu, chân quấn xà cạp đen đến tận đầu gối, đeo gươm hoặc giáo bên vai. Rồi bà thầy cúng dâng hương mời thần linh về chung vui với dân bản và cầu cho mùa màng mưa thuận gió hòa, bản làng yên vui…

Theo quan niệm của người Thái: Khi bà thầy cúng mời thì các thần linh sẽ về trú ngụ trong những chiếc khăn piêu đặt trên ban thờ để chứng kiến lòng thành của dân bản và phù hộ cho những đôi trai gái yêu nhau đến thác Dải Yếm.


Tiếp theo trong ngày Xên Bản là các cuộc thi nấu cơm làm cỗ của trai gái các bản. Các chàng trai thì lấy lửa bằng phương pháp thủ công, các cô gái thì giã gạo để chuẩn bị. Trong tiếng cổ vũ nhiệt tình của dân bản, họ nổi lửa nấu cơm và chuẩn bị mâm cỗ có các món ăn truyền thống của dân tộc Thái như: Cơm lam, cá nướng, thịt băm hấp lá vả, cá lam, đồ xôi… Để dâng lên thần linh thưởng lãm.

Sau phần lễ thì đàn ông thi lấy lửa bằng phương pháp cổ truyền

Còn đàn bà, thiếu nữ thì thi giã gạo để nấu cơm, đồ xôi nếp.

Cuộc thi nấu cơm, làm cỗ luôn đông vui vào náo nhiệt


Xong cuộc thi ẩm thực đến phần vui nhất của ngày hội là trai gái dắt nhau ra thác Dải Yếm để cầu duyên. Theo truyền thuyết, ngày xưa có một đôi trái gái yêu nhau ở Mường Sang. Chẳng may chàng trai bị nước lũ cuốn trôi, cô gái lao ra cứu thì cũng bị dòng nước cuốn đi và yếm của cô bị mắc lại vào núi nên mới thành thác Dải Yếm ngày nay. Chính vì thế, thác Dải Yếm trở thành linh thiêng và là nơi hẹn hò của trai gái bản Mường. Đặc biệt hơn, người Thái ở Mường Sang quan niệm rằng, vào ngày Xên Bản có thần linh về chung vui và chứng giám thì đến thác Dải Yếm cầu duyên sẽ linh thiêng hơn cả. Những đôi trai gái đã yêu nhau thì đến cầu cho tình duyên bền chặt, con cái đầy nhà. Còn những người chưa có tình duyên thì cũng đến cầu tìm người yêu. Cũng chính tại đây, thác Dải Yếm đã thành “ông tơ, bà nguyệt” se duyên cho biết bao trai bản, gái mường.

Các thiếu nữ Thái Mường Sang múa hoa ban trong ngày hội

Các cô gái Thái đến hội đều vận những bộ váy áo cóm đẹp nhất để cầu duyên lành sẽ đến

Theo phong tục của người Thái ở Mường Sang, những đôi trai gái đến thác Dải Yếm chỉ được rửa tay hoặc chân thì tình duyên sẽ đến và bền chặt.

Lễ hội Xên Bản ở Mường Sang thu hút đông đảo bà con trong vùng đến vui hội và cầu duyên.


Chính vì ý nghĩa đó, vào ngày Xên Bản ở Mường Sang, người Thái ở Hòa Bình cũng lũ lượt kéo lên, người Thái ở Điện Biên cũng vượt núi đi xuống để chung vui và cầu duyên. Lễ hội Xên Bản ở Mường Sang đã thực sự trở thành ngày hội tình yêu đối với đồng bào Thái ở Tây Bắc. 

 Bài: Bùi Yên - Ảnh: Hải Ninh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN