Xây dựng tình quân - dân nơi biên giới

Báo Tin tức Cuối tuần số 20 đã đăng tải Chuyên đề "Bộ đội biên phòng giúp dân làm kinh tế", ghi nhận các mô hình sản xuất giữa Bộ đội biên phòng với người dân, giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, thoát nghèo. Thiếu tướng Lê Như Đức (ảnh), Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng khẳng định Bộ đội Biên phòng đã tham gia một cách thiết thực và hiệu quả trong công tác củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp bà con phát triển kinh tế ở khu vực biên giới.

Xin đồng chí cho biết về hiệu quả phong trào phát huy truyền thống "4 cùng" trong lực lượng Bộ đội Biên phòng?

Biên giới quốc gia vững mạnh, ổn định là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho một quốc gia độc lập duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ phải được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt, có hiệu quả và là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) giữ vai trò nòng cốt, chuyên trách. Bộ đội Biên phòng luôn xem “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào dân tộc là anh em ruột thịt” để “4 cùng”, tham gia củng cố hệ thống chính trị, giúp bà con phát triển kinh tế.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma tỉnh Lạng Sơn tham gia làm đường giúp nhân dân.

Các đơn vị BĐBP đã trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương về củng cố hệ thống tổ chức chính trị ở cơ sở và trực tiếp tham gia cấp ủy, chính quyền các xã biên giới; tham mưu đề ra các chủ trương, giải pháp nhằm xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, nhất là hoạt động của tổ chức Đảng và công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tham mưu xây dựng, bổ sung các quy chế, quy định và duy trì nền nếp sinh hoạt Đảng ở địa phương, đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo trong duy trì chế độ sinh hoạt Đảng và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền ở cơ sở.

Cùng với cấp ủy, chính quyền các địa phương, các đơn vị BĐBP và cán bộ biên phòng tăng cường xã đã rà soát, xây dựng kế hoạch xóa "thôn, bản trắng tổ chức Đảng và đảng viên". Trong những năm qua, trên địa bàn khu vực biên giới cả nước, BĐBP đã xóa được 572 thôn, bản trắng đảng viên, phát triển được 17.228 đảng viên, góp phần nâng cao chất lượng đảng viên, xây dựng tổ chức Đảng ở địa phương vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức Đảng và đảng viên và là cầu nối quan trọng giữa Đảng với đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực biên giới. 

Tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã biên giới xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức quần chúng như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, các tổ an ninh nhân dân, Hội Người cao tuổi... Nhiều địa bàn biên giới "trắng tổ chức" quần chúng, nhưng đến nay đã thành lập, xây dựng đủ các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể quần chúng.

Bên cạnh đó, các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa các đoàn thể quần chúng với các đồn biên phòng cũng được thường xuyên tổ chức, qua đó xây dựng được các phong trào, mô hình xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương như giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, các tổ tàu thuyền an toàn làm chủ, nghiệp đoàn nghề cá, nhà tình thương, hũ gạo tiết kiệm, lớp học tình thương trên đảo... đã hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực.

Tính đến nay, toàn lực lượng BĐBP đã có 308 cán bộ BĐBP tăng cường các xã biên giới, trong đó có 15 đồng chí giữ chức Bí thư, 218 đồng chí giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã. Đội ngũ cán bộ tăng cường xã đã chủ động tham mưu, tham gia cùng cấp ủy, chính quyền các xã biên giới triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương như Chương trình 135, 134, Nghị quyết 30a, Nghị quyết 80 của Chính phủ và phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" rất thiết thực và có hiệu quả cao.

Đồng chí đánh giá như thế nào về vai trò của BĐBP trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?

Đội ngũ cán bộ biên phòng tăng cường xã đã tham mưu rà soát, đánh giá cụ thể về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa bàn, từ đó xây dựng kế hoạch, đề ra chủ trương, giải pháp và đề xuất phương án đầu tư, hỗ trợ, từng bước xây dựng khu vực biên giới vững mạnh. Đến nay, nhiều xã, phường biên giới đã thực hiện được hàng trăm dự án vừa và nhỏ, xây dựng đầy đủ cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới như: Làm đường giao thông, thủy lợi, xây dựng trường học, trạm y tế, kéo điện lưới quốc gia về các thôn, bản, xóa mù về thông tin và truyền thông... với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng. Qua đó đã giúp 101 xã biên giới từ yếu, kém vươn lên trung bình, 192 xã từ trung bình vươn lên khá về kinh tế - xã hội.

Các đồn biên phòng đã tổ chức xây dựng các mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, mỗi đơn vị lựa chọn một mô hình giúp dân cụ thể, gắn với quy hoạch dân cư và phát triển kinh tế hộ gia đình... Bằng nhiều hình thức và cách làm hiệu quả của các đơn vị, đến nay nhiều mô hình phát triển kinh tế đang được nhân rộng ở nhiều địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế hộ gia đình, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đánh giá cao, như: Chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” đã xây dựng được gần 7.000 ngôi nhà đại đoàn kết tặng đồng bào nghèo và 277 công trình dân sinh, với tổng trị giá hơn 300 tỷ đồng; chương trình “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới’ đã trao tặng cho đồng bào nghèo hơn 24.000 con bò giống, tổng trị giá 360 tỷ đồng. 

Đặc biệt là: Dự án bảo tồn dân tộc La Hủ ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu; dân tộc Đan Lai ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An; dự án thủy lợi Rục Làn trồng lúa 2 vụ một năm tại xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu triển khai các mô hình nuôi đỡ đầu các cháu học sinh; BĐBP thành phố Hải Phòng triển khai mô hình du lịch cộng đồng gắn với phát triển bền vững ở xã Việt Hải, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Hiện nay, lực lượng BĐBP đang thực hiện cuộc vận động "Nâng bước em tới trường" trên địa bàn khắp cả nước. Các đơn vị đã nhận đỡ đầu 2.731 cháu học sinh (500.000 đồng/tháng/cháu) từ lớp 1 đến lớp 12, trong đó có 17 cháu hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đưa về các đồn biên phòng nuôi ăn học và 153 cháu học sinh bên kia biên giới của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia. Thực hiện đối ngoại nhân dân để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Các đơn vị BĐBP còn tham gia cùng địa phương thực hiện tốt công tác y tế, giáo dục ở khu vực biên giới; tổ chức tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, giáo dục sức khỏe dân số - kế hoạch hóa gia đình; tiếp tục thực hiện chương trình xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học cho các cháu ở khu vực biên giới, góp phần tô thắm thêm hình ảnh tốt đẹp về "Bộ đội Cụ Hồ", về người “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh" trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới.

Xin cảm ơn đồng chí!

Việt Hoàng (thực hiện)
Bộ đội Biên phòng giúp dân làm kinh tế
Bộ đội Biên phòng giúp dân làm kinh tế

Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, Bộ đội Biên phòng không quản khó khăn, vất vả “4 cùng” với dân bản, xây dựng các mô hình sản xuất, cầm tay chỉ việc, giúp đồng bào dân tộc ổn định đời sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN