Xã hội hóa hỗ trợ huyện nghèo: Cách làm hay ở huyện Xín Mần

Ngoài việc hỗ trợ khẩn cấp như xây trường học, làm đường, các đơn vị “đỡ đầu” trên địa bàn huyện Xín Mần, Hà Giang đã tích cực giúp đỡ huyện nghèo này xây dựng đề án toàn diện giúp xóa đói giảm nghèo, trong đó chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất.


 

Ngô thu mua được chế biến thành thức ăn chăn nuôi.

 

Thực hiện Nghị quyết 30a/2008 của Chính phủ, huyện Xín Mần được hai đơn vị doanh nghiệp ngoài quốc doanh là Công ty Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt nhận "đỡ đầu". Hai đơn vị cùng với huyện xây dựng Ðề án hỗ trợ giảm nghèo huyện Xín Mần giai đoạn 2009 - 2020. Đề án tập trung vào 3 lĩnh vực chính là: Đào tạo nhân lực hỗ trợ phát triển y tế, giáo dục, hỗ trợ phát triển sản xuất và trồng rừng; hỗ trợ xây dựng hạ tầng kết nối giao thông.


Trên cơ sở đó, Công ty cổ phần Phát triển Xín Mần được thành lập với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, để cùng chính quyền địa phương tổ chức triển khai đề án đã xây dựng. Trong ba lĩnh vực trên, Giám đốc Công ty Ngô Trường Sơn cho hay: “Chúng tôi chú trọng đến thay đổi nhận thức về sản xuất và đưa tiến bộ khoa học kĩ thuật đến người dân trong sản xuất; đầu tư và bao tiêu một số sản phẩm thế mạnh của người dân để tạo thành hàng hóa giúp người dân tự xóa đói, giảm nghèo bền vững”.


Ðể thực hiện chiến lược phát triển sản xuất, từ năm 2009, Công ty cổ phần Phát triển Xín Mần cùng chính quyền địa phương tổ chức vận động, đầu tư, hỗ trợ người dân trồng ngô lai theo hướng sản xuất. Công ty cho người dân vay không lãi bằng giống và phân bón. Ðến mùa thu hoạch, công ty sẽ đưa xe ô tô đến tận thôn, xã để thu mua nông sản cho bà con với giá cao hơn giá thị trường. Số ngô thu mua được đưa về nhà máy chế biến làm thức ăn gia súc. Tính tới thời điểm này, sau hai vụ triển khai, đã có trên 400 lượt hộ dân tham gia với diện tích trên 175 ha, năng suất đạt trung bình 60 tạ/ha (cao gấp 2 lần ngô thường); công ty mua lại giá cao hơn thị trường từ 500 - 800 đồng/kg ngô khô. Đã thu mua được trên 600 tấn ngô cho người dân. Ông Ngô Trường Sơn cho biết: “Sau khi thu mua, chúng tôi sẽ chế biến thành thức ăn gia súc rồi bán ra thị trường phục vụ người chăn nuôi ở Xín Mần và các huyện lân cận. Theo khảo sát của công ty, những sản phẩm cùng loại chở từ dưới xuôi lên thường có giá cao hơn. Sản phẩm công ty sản xuất tại địa phương nên giảm được cước vận chuyển, rất có lợi thế trong cạnh tranh. Ở Xín Mần và các huyện lân cận, nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi rất lớn, nên chúng tôi không lo tồn đọng hàng. Về phía người trồng ngô cũng vậy, họ trồng bao nhiêu, chúng tôi sẽ mua bấy nhiêu”.


Mùa ngô năm 2012, gia đình ông Sùng Seo Dìn, ở xã Pa Vầy Sử là hộ phấn khởi nhất. Cho đến lúc thu hoạch ông vẫn bất ngờ với số tiền lớn mình thu được. “Năm nay, nhà tôi bán được hơn 20 tấn ngô, sau khi trừ chi phí vẫn còn lãi 43 triệu đồng. Vậy mà cũng trên diện tích đất ấy, lúc trước chúng tôi trồng ngô địa phương cho thu hoạch rất ít, có năm không đủ ăn. Từ nay, chúng tôi tiếp tục trồng giống ngô mới và an tâm vì đã có công ty bao tiêu cho sản phẩm với nhiều ưu đãi”.


Trước thành công của cây ngô lai qua hai vụ, Bí thư Huyện ủy Xín Mần, ông Dương Minh Hòa cho biết: “Cách làm của hai doanh nghiệp là Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Công ty Him Lam đã giúp dân thay đổi tư duy sản xuất. Người dân đã tự động đến UBND xã mua giống mới, khi trồng đã biết bón phân. Cán bộ ở xã cũng đã tự tin hơn khi khuyến khích người dân phát triển sản xuất vì đã có công ty bao tiêu sản phẩm. Từ thành công của cây ngô lai theo Ðề án hỗ trợ giảm nghèo huyện Xín Mần, Ðảng bộ huyện Xín Mần mới đây đã ra nghị quyết đẩy mạnh phát triển diện tích trồng ngô hàng hóa, hướng đến mục tiêu sớm đưa Xín Mần ra khỏi danh sách huyện nghèo”.


Bài và ảnh: Trọng Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN