Tỷ phú tương lai từ cây tam thất

Sau nhiều năm làm đầu mối mua bán trâu bò cho bà con, khi đã có một khoản vốn kha khá, ông Sùng Seo Sì người Mông ở xã Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đã trở về với nghề nông mà bao đời cha ông để lại. Lần này ông không trồng ngô, lúa mà chọn cây đặc sản có giá trị kinh tế cao như tam thất để trồng.

Ông Sì cho biết: "Nhiều người bảo tôi là quá liều, khi dám bỏ số vốn lớn như vậy để đầu tư vào trông loại cây cao cấp mà ở địa phương chưa hề có "tiền lệ" ai trồng bao giờ". Nhưng được gia đình động viên, và rất tin tưởng vào điều mình chứng kiến, học hỏi từ những người anh em bên huyện Mã Quan, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc nên Sùng Seo Sì quyết tâm đầu tư gần hơn nửa tỷ đồng trồng loại cây dược liệu quý này.

Ai cũng biết, cây tam thất là loại dược liệu quý, đắt giá và rất "khó tính", đòi hỏi người trồng không chỉ có kỹ thuật mà còn phải kiên trì bền bỉ từ khâu làm đất đánh luống đến bón phân tưới nước. Thuộc nhóm cây thân thảo ưa độ ẩm vừa phải và ánh sáng dịu nên ngay từ khi làm đất đã đòi hỏi người trồng phải làm rất kỹ, đánh luống cao tránh ứ nước khi mưa, đồng thời phải làm giàn phủ kín bằng cành lá khô tạo bóng giâm vừa giữ độ ẩm cho đất, vừa tránh ánh nắng chói chang trực tiếp vào cây. Ngay như việc bón phân cho cây cũng phải ủ kỹ, bón từng nắm trực tiếp vào gốc, nếu để phân rây ra lá thì lập tức sẽ phản tác dụng: lá bạc héo, cây không những không phát triển mà còn dẫn đến khô cằn. Do vậy, để chắc ăn, sau mỗi lần bón phân, ông phải dùng máy quạt gió thổi nhẹ qua vườn để làm sạch mặt lá.

Bà con dân tộc tại cao nguyên Đồng Văn tham gia trồng cây dược liệu, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống. Ảnh: Minh Tâm/TTXVN


Mô hình trồng tam thất của ông Sùng Seo Sì được Phòng nông nghiệp huyện đánh giá rất cao và coi đây là dự án thứ 5 mà huyện Si Ma Cai quan tâm ủng hộ. Thấy chúng tôi lo ngại về "tính khả thi" của cây tam thất trên đất Việt mình, ông Thền Mạnh Dũng, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Si Ma Cai lạc quan khẳng định: xét trên các điều kiện cơ bản, thổ nhưỡng, khí hậu thì huyện Si Ma Cai (Lào Cai) với huyện Mã Quan của Trung Quốc là tương đồng. Còn về mặt kỹ thuật thì trước khi ông Sùng Seo Sì mua cây giống về trồng, ông đã có thời gian làm thuê, học hỏi rất kỹ anh em thân tộc bên đó, cảm thấy chắc ăn mới dám đầu tư.

Ông Sùng Seo Sì tâm sự, chỉ tính riêng con giống, ông đã bỏ ra trên 500 triệu đồng; kiến thiết đất vườn gần 100 triệu đồng nữa, sau 1 năm ông sẽ thu về gấp 3 đến 4 lần số tiền vốn. Nhìn cây tam thất mới 3 tháng tuổi đã mọc 3 nhánh lá xanh tươi, ông Sì phấn khởi so sánh: "Cùng thời gian này, anh em bên Trung Quốc trồng chỉ mọc hơn 1 nhánh lá, vậy mà bên mình đã tươi tốt thế. Có thể là do đất lạ và màu mỡ. Nhưng cứ thuận lợi như thế này chắc sẽ hứa hẹn cây cho củ tốt và đẻ nhánh nhiều".

Hãy còn quá sớm khi nói ông Sùng Seo Sì là nhà tỷ phú đầu tiên của huyện nghèo Si Ma Cai về trồng trọt, nhưng cứ nhìn vườn tam thất trên 9.000 m2 của ông phát triển tốt sau 3 tháng và hứa hẹn sau 1 năm sẽ cho hàng tấn củ, chưa kể hoa cũng bán rất được giá. Nếu so với giá thị trường hiện tại một ki-lô-gam củ tam thất khô có giá 3,5 đến 4 triệu đồng thì nói ông Sùng Seo Sì là tỷ phú cũng hoàn toàn có cơ sở. 


Sản xuất lớn đòi hỏi tính kỹ thuật cao và sự nghiêm ngặt riêng. Nếu khách đến thăm vườn tam thất nhà ông Sùng Seo Sì, không được mặc áo, mũ sáng màu lý do là lá tam thất rất nhạy cảm và kỵ ánh sáng chói chang.

Nhìn sự đầu tư bài bản, những lập luận có cơ sở khoa học liên quan đến kỹ thuật, đầu ra sản phẩm có thể tin tưởng rằng ông sẽ thành công với dự định của mình.


Lục Văn Toán
Cây mía giúp đồng bào xóa nghèo

Nhờ việc chuyển đổi từ trồng sắn, ngô, lạc sang trồng mía, những năm gần đây, bộ mặt nông thôn xã Yên Sơn, Yên Châu, tỉnh Sơn La, đã thay đổi nhanh chóng. Cây mía đang giúp nhiều người dân nơi đây thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN