Thu hút vốn nước ngoài phát triển vùng dân tộc - Bài cuối

Trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, công tác đối ngoại của Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tranh thủ được sự giúp đỡ của chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế hỗ trợ để phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

TRANH THỦ CÁC NGUỒN LỰC QUỐC TẾ

Ông Nguyễn Quang Đức, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế UBDT cho biết, thông qua công tác đối ngoại, thời gian qua UBDT đã tăng cường tuyên truyền, giới thiệu chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến các đối tác, giúp các bạn bè và các tổ chức quốc tế có được cách nhìn nhận và hiểu biết đầy đủ hơn về đặc điểm tình hình dân tộc và sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước đối với vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam, nhiều nước đánh giá cao về công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Việt Nam.

Hỗ trợ đất sản xuất đảm bảo sinh kế cho đồng bào.


Trong thời gian qua, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của các nước, các tổ chức quốc tế và nguồn vốn của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) dành cho Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thông qua hàng loạt dự án phát triển cà phê, chè; trồng rừng; phát triển chăn nuôi; đầu tư cơ sở hạ tầng miền núi. Các nước như: Nhật Bản, Na Uy, Ai Len, Phần Lan, Thụy Sỹ... và các tổ chức UNDP, ADB, WB, EU, IFAD... đã có nhiều dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội rất hiệu quả, thể hiện sự tin tưởng của các nhà tài trợ đối với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày một đổi thay.


Nhờ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 3 - 4%/năm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thay đổi rõ rệt, với trên 98% số xã có đường ô tô đến trung tâm, trên 99% số xã được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học; các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy... Tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội cơ bản được ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững. Đồng bào các dân tộc đoàn kết, tin tưởng vào đường lối đổi mới, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước...

Giai đoạn 2016 - 2020, các đối tác phát triển chính thức, 182 tổ chức PCPNN, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cam kết sẽ đầu tư, hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Cụ thể, sẽ triển khai 261 chương trình, dự án nhân đạo và hỗ trợ phát triển tại 24 tỉnh có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao nhất cả nước, với tổng ngân sách lên trên 209,4 triệu USD.

“Những năm tới, Việt Nam sẽ cần quan tâm đến vai trò chủ động của người dân trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách; sớm khắc phục sự chồng chéo quản lý nhà nước đối với chính sách dân tộc, đảm bảo nguồn lực tài chính cho các chính sách đã ban hành. Bên cạnh đó, nước ta cần tập trung đầu tư phát triển, chứ không chỉ là hỗ trợ, tương trợ; các chính sách cũng phải phù hợp với điều kiện và văn hóa từng vùng. Có như vậy mới thu hút được sự đầu tư, hỗ trợ từ các nước, cũng như các tổ chức nước ngoài vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Việt Nam”, ông Nguyễn Quang Đức khẳng định.
Bài và ảnh: Trọng Thủy
Thu hút vốn nước ngoài phát triển vùng dân tộc - Bài 1
Thu hút vốn nước ngoài phát triển vùng dân tộc - Bài 1

Các nguồn vốn đầu tư của các tổ chức nước ngoài có vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN