Thoát nghèo nhờ nuôi lợn rừng

Ba Chẽ là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh, với trên 79,8% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân trong huyện chủ yếu làm nông nghiệp, chăn nuôi và trồng rừng. Không cam chịu cái nghèo khó đeo đẳng, nhiều gia đình ở Ba Chẽ đã vươn lên tìm hướng thoát nghèo. Một trong những hướng đó là nuôi lợn rừng.


 

Đàn lợn rừng xóa nghèo của anh Hoàng Quốc Phòng, thôn Làng Mô, xã Đồn Đạc, Ba Chẽ.

 

Được Trạm khuyến nông huyện Ba Chẽ hỗ trợ giống và chuồng trại, đồng thời sau khi tìm hiểu các mô hình chăn nuôi ở một số địa phương, tham khảo trên các phương tiện thông tin đại chúng, anh Nguyễn Huy Túc ở khu 1, thị trấn Ba Chẽ, đã chọn mô hình nuôi lợn rừng làm “chìa khóa” để thoát nghèo. Cuối năm 2008, anh Túc mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để nuôi 3 con lợn rừng giống. Những ngày đầu, anh cùng gia đình luôn thường trực bên khu đất đồi được quây lại bằng lưới thép B40 để nuôi lợn. Không chỉ tỉ mỉ quan sát, ghi chép từng đặc tính sinh trưởng của 3 chú lợn đầu tiên, anh Túc còn tích cực mua sách báo, tìm tài liệu hướng dẫn về cách chăn nuôi lợn rừng về nghiên cứu, học tập.


Anh Túc cho biết: “Lợn rừng hợp với điều kiện thổ nhưỡng của Ba Chẽ, chỉ ăn thực phẩm sạch như rau, củ, quả, cỏ, sắn, ngọn mía... lại khỏe mạnh, rất ít dịch bệnh nên rất dễ nuôi, chất lượng thịt cũng rất tốt”.


Rất nhiều hộ đã khá lên từ nuôi lợn rừng ở thôn Làng Mô của xã đặc biệt khó khăn Đồn Đạc như hộ anh Nịnh Văn Long, Hoàng Quốc Phòng, chị Vũ Thị Màu. Tất cả đều có chung nhận xét, điều kiện tự nhiên ở Ba Chẽ rất phù hợp để chăn nuôi lợn rừng do sẵn có đất đồi rộng, thức ăn cho lợn rừng lại dễ kiếm và giá rất rẻ. Bên cạnh đó, lại được hỗ trợ toàn phần 3 con lợn rừng giống (2 mẹ, 1 bố), 20% chuồng trại, chỉ phải đóng 2 triệu đồng tiền đặt cọc. Số tiền này được gửi vào ngân hàng, sau 3 năm sẽ được trả lại cả gốc và lãi nếu hộ chăn nuôi không vi phạm cam kết. Việc xây dựng chuồng trại cho lợn rừng cũng không cầu kỳ, chỉ cần một khoảng đồi rộng khoảng 200 m2 quây bằng lưới thép B40 làm sân chơi, có cây che mát và chuồng xây.


“Một con lợn mỗi ngày ăn hết khoảng 30.000 đồng tiền thức ăn, nếu chịu khó trồng cỏ, sắn, khoai… cho chúng ăn thì số tiền bỏ ra mua thức ăn cho lợn mỗi ngày còn ít hơn. Giá thương phẩm lợn rừng hiện nay trên thị trường khoảng trên 250.000 đồng/kg. Giá mỗi kg lợn rừng giống khoảng 320.000 đồng/kg. Mỗi năm, một con lợn rừng đẻ hai lứa, mỗi lứa đẻ 7 - 8 con lợn con và chỉ sau bốn tháng là xuất chuồng được, trọng lượng mỗi con đạt khoảng 15 kg” - anh Hoàng Quốc Phòng cho biết. Từ 3 con lợn giống ban đầu, sau hơn hai năm nuôi, hiện đàn lợn rừng nhà anh Hoàng Quốc Phòng có 18 con. Gia đình anh cũng đã xuất được 2 lứa, thu lãi được hàng chục triệu đồng. Anh tiết lộ: Muốn thịt lợn rừng ngon và chắc nên cho lợn ăn nhiều chất xơ và chất thô. Nhờ hiệu quả từ mô hình nuôi lợn rừng, gia đình anh đã mua sắm được nhiều vật dụng có giá trị phục vụ sinh hoạt và đầu tư cho con cái học hành.


Hiện nay, thịt lợn rừng đang được các thực khách ưa chuộng, chỉ với một số vốn ít bỏ ra ban đầu, lợn rừng sẽ là loại đặc sản hợp pháp, mở ra hướng thoát nghèo cho nhiều người dân đang sinh sống tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay ở Ba Chẽ người dân vẫn chưa thực sự mạnh dạn đầu tư vào hướng chăn nuôi này. Theo một cán bộ Trạm khuyến nông, cả huyện Ba Chẽ có 23 hộ nuôi lợn rừng với quy mô nhỏ, số lượng 2-3 con/hộ, phân tán ở nhiều xã của huyện. Để khai thác và phát huy có hiệu quả hướng thoát nghèo, chính quyền và các cơ quan chức năng cần khuyến khích và tạo điều kiện về đầu mối tiêu thụ sản phẩm để các hộ dân tham gia; chú trọng xây dựng mối liên kết bốn nhà và đặc biệt là các ngành chức năng cần thường xuyên bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật chăn nuôi, chọn giống... cho người dân; tạo điều kiện cho người dân vay vốn thì mới có thể biến lợn rừng thành con vật nuôi xóa đói giảm nghèo cho nhân dân vùng đất này.


Bài và ảnh: Trọng Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN