Thoát nghèo bền vững từ nguồn vốn 135

Huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn có 10 xã và 119 thôn, bản đặc biệt khó khăn được thụ hưởng Chương trình 135. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS của huyện đã chuyển biến tích cực; tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân từ 3 - 5%/năm.

Trên đường dẫn chúng tôi đến xã Công Bằng, ông Hoàng Văn Cao, cán bộ Phòng Dân tộc huyện Pác Nặm, cho biết: Năm 2015, xã được cấp kinh phí 412 triệu từ Chương trình 135, để thực hiện hỗ trợ sản xuất. Huyện đã xây dựng xong kế hoạch mua dê sinh sản cho 24 hộ; hỗ trợ máy cày mini cho 13 nhóm hộ (mỗi nhóm hộ từ 5-8 hộ); hỗ trợ máy tẽ ngô cho 27 hộ. Kế hoạch hỗ trợ được các xã xây dựng trên cơ sở tính hiệu quả khi triển khai thực hiện Chương trình 135 của những năm trước. Trước mắt, huyện ưu tiên cho đồng bào ở vùng cao, sau đó xét đến hộ nghèo ở vùng thấp.

Huyện Pác Nặm đầu tư phát triển hệ thống giao thông từ vốn 135.b Ảnh: Mộc Thanh


Được triển khai từ 4 năm trước, đến nay, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn III đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Năm 2012, hộ gia đình bà Lý Thị Đẩu, thôn Lủng Vài, xã Công Bằng, được hỗ trợ 1 con bò, sau thời gian chăm sóc, con bò của nhà bà Đẩu đẻ được 3 con bê, đến nay cả bò và bê của gia đình bà đều sinh trưởng và phát triển tốt. Tính ra, bà Đẩu đang có trong tay “khối tài sản” trị giá gần 60 triệu đồng. Bà đang dự tính bán bớt đi một con bê để lấy tiền sửa lại cái mái nhà; bởi nhà chỉ còn có hai ông bà, các con đã ra ở riêng hoặc đi làm ăn xa cả. Bà Đẩu cho biết: “Nhờ được hỗ trợ sản xuất, gia đình tôi đã có thêm vật nuôi, có cơ sở để làm ăn, vươn lên thoát nghèo”.

Cùng với bà Đẩu, hộ gia đình anh Ngô Văn Lành, thôn Lủng Vài, xã Công Bằng cũng được Chương trình 135 hỗ trợ một con bò. Anh Lành làm đơn vay thêm vốn ngân hàng để mua thêm 2 con trâu, 1 con bò. Sau 4 năm chăm sóc, anh Lành có 2 con bê để bán và đàn trâu cũng được nhân lên 6 con. Cuộc sống ổn định, cái đói, cái nghèo không còn ám ảnh anh Lành nữa. Tâm sự với chúng tôi, anh Lành cho biết: “Được hỗ trợ bò giống từ Chương trình 135, gia đình tôi đã có cơ hội để thoát nghèo. Nếu có thể, tôi muốn được vay thêm vốn ngân hàng để chăn nuôi trâu, bò, dê.

Pác Nặm phát triển sản xuất từ chăn nuôi trâu bò, dê. Ảnh: Mộc Thanh


Ông Hoàng Văn Cầm, Trưởng phòng Dân tộc huyện Pác Nặm cho biết: Cùng với bà Đẩu, anh Lành, đã có hàng chục hộ gia đình trên địa bàn xã Công Bằng và nhiều xã khác ở huyện Pác Nặm đã có của ăn, của để nhờ Chương trình 135. Điều đó đã chứng minh tính hiệu quả của các mô hình hỗ trợ sản xuất đã và đang được thực hiện trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con DTTS. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện qua các năm đã được giảm đáng kể: Năm 2011 là 45,43%, đến cuối năm 2014 giảm xuống còn 28,70%.
Minh Thu
Chương trình 135 đồng hành cùng đồng bào
Chương trình 135 đồng hành cùng đồng bào

Chương trình 135 đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn đã đi vào cuộc sống, phát huy sức sáng tạo, ý chí, nguồn lực của toàn xã hội, làm thay đổi cơ bản diện mạo cho nhiều địa phương; đời sống đồng bào dân tộc thiểu số từng bước phát triển bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN