Thành triệu phú nhờ áp dụng mô hình sản xuất mới

Trong những ngày Tết Nguyên đán Tân Mão năm 2011, chúng tôi có dịp về thăm nông dân vùng kênh bê tông nổi ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh). Điều làm chúng tôi thật sự ngỡ ngàng là chỉ sau 4 năm thực hiện “Liên kết giữa 4 nhà“, bộ mặt nông thôn nơi đây đã thật sự thay da, đổi thịt.

Ông Thạch Kiên, Trưởng ban nhân dân ấp Cầu Tre phấn khởi cho biết: Ấp Cầu Tre có 473 hộ dân, với 3.326 nhân khẩu; trong đó, có 98% là đồng bào dân tộc Khmer. Trước đây, nơi này được liệt vào vùng đất khó, do đất triền giồng, gò cao, sản xuất chủ yếu dựa vào nguồn nước trời nên hàng năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa mùa vào mùa mưa, năng suất bấp bênh, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn…


 Kể từ khi ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đầu tư 8 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ xây dựng hệ thống kênh bê tông nổi và hoàn thành đưa vào sử dụng vào đầu năm 2007, các nhà khoa học, doanh nghiệp, quản lý chọn khu vực này xây dựng mô hình điểm “Cùng nông dân ra đồng“ trong “Liên kết giữa 4 nhà“ để sản xuất lúa chất lượng cao.

Thu hoạch lúa vụ thu đông ở vùng kênh bê tông nổi ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần.


Trong đó, vai trò, trách nhiệm của từng "nhà" được phân công, chịu trách nhiệm một cách cụ thể. Chỉ sau 4 năm với 10 vụ sản xuất, năng suất lúa liên tục tăng. Nếu như trước năm 2007, năng suất lúa bình quân toàn ấp chỉ đạt 3- 4 tấn/ha/vụ, nay nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật, trong số 126 hộ tham gia mô hình sản xuất trên diện tích 110 ha, có 117 hộ đạt 7- 8 tấn/ha, 9 hộ đạt 9- 9,5 tấn/ha.


Năng suất lúa tăng, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Một số hộ liên tiếp trúng mùa trở nên khá, giàu, sắm sửa được nhiều phương tiện phục vụ sản xuất và sinh hoạt gia đình. Bộ mặt của ấp gần như được lột xác, nhiều nhà được xây mới khang trang. Năm 2006, toàn ấp có 136 hộ nghèo, nay chỉ còn 33 hộ, đặc biệt có 3 hộ nghèo trước đây nay trở nên khá giả.

Nông dân sống ở vùng kênh bê tông nổi ấp Cầu Tre có được ngày hôm nay không bao giờ quên vụ lúa đầu tiên khi tham gia mô hình “Cùng nông dân ra đồng“ (hè thu năm 2007).


Vào thời điểm ấy, dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đang bùng phát mạnh. Hơn nữa, nắng nóng kéo dài, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng khiến vụ lúa có nguy cơ bị mất trắng. Song nhờ cán bộ kỹ thuật “Cùng nông dân ra đồng” quyết tâm cứu lúa, nên đất đã không phụ lòng người, năng suất đạt 5,8 tấn/ha, cao nhất từ trước tới nay. Nếu so với vụ hè thu năm 2006, năng suất tăng 2,1 tấn/ha, lợi nhuận tăng thêm hơn 8 triệu đồng/ha.

Đây là lần đầu tiên người nông dân ấp Cầu Tre được một vụ mùa bội thu, họ mừng “rơi nước mắt”. Ông Thạch Sanh ấp Cầu Tre kể: Ông có 0,5 ha đất trồng lúa, vào năm 2000 cần vốn sản xuất, ông vay ngân hàng 10 triệu đồng.

 Nhiều năm lao động cật lực, chi tiêu tiết kiệm nhưng ông vẫn chưa trả được nợ, vì năng suất lúa của ông chỉ đạt cao nhất 3 tấn/ha/vụ. Do nợ quá hạn lâu ngày, ngân hàng “xiết” quá, ông dự định bán đất để trả nợ, nhưng đầu năm 2007 nhờ các nhà khoa học, doanh nghiệp, quản lý chọn khu vực này xây dựng mô hình sản xuất mới, năng suất lúa của ông luôn đạt hơn 9 tấn/ha/vụ.

Chỉ sau hai năm tham gia mô hình, ông Sanh đã trả được món nợ ngân hàng và hiện đã xây được căn nhà mới khá khang trang... Mùa xuân mới lại về, vùng kênh bê tông nổi ấp Cầu Tre từ vùng đất khó, nay đã trở thành “cánh đồng triệu phú”. 126 hộ dân ở đây mà đa phần là đồng bào dân tộc Khmer đã làm nên điều kỳ diệu, đưa năng suất lúa từ 3- 4 tấn/ha/vụ lên 8- 9 tấn/ha/vụ.

Huy Hoàng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN