Thanh Hóa khó đạt mục tiêu đưa dân ra khỏi vùng ảnh hưởng thiên tai

Quyết định 193/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, di cư tự do, vùng xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015 đã ban hành từ ngày 24/8/2006.

 

Khu tái định cư tại Trung tâm cụm xã Trung Lý (huyện Mường Lát).

Thế nhưng cho đến nay, tỉnh Thanh Hóa mới di dời, ổn định được 1.088 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng của thiên tai. Trong đó, có 764 hộ dân theo hình thức di dời xen ghép; 324 hộ dân ổn định tại chỗ và tái định cư tập trung (đạt gần 13% mục tiêu).


Tỉnh đã phê duyệt 11 dự án, bao gồm các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai tại các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Quan Sơn, Lang Chánh, Thạch Thành, Như Xuân, Nông Cống và các dự án bố trí sắp xếp ổn định dân cư vùng ngập hồ Sông Mực (huyện Như Thanh) và hồ Yên Mỹ (huyện Tĩnh Gia). Mục tiêu của các dự án là ổn định cho 8.619 hộ dân sống trong vùng ảnh hưởng của thiên tai; trong đó di dời xen ghép 2.726 hộ, tái định cư tập trung 815 hộ và ổn định tại chỗ 5.078 hộ. Tổng mức đầu tư các dự án này là 370 tỷ đồng.


Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, nguồn hỗ trợ Trung ương còn thấp, nên Thanh Hóa mới triển khai được 5 dự án tại các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy và Như Xuân. Các dự án được đầu tư đã phát huy hiệu quả tốt, ổn định được 764 hộ dân theo hình thức xen ghép; 324 hộ dân ổn định tại chỗ và tái định cư tập trung; đời sống các hộ dân tại nơi ở mới đã được ổn định và từng bước phát triển. Các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy được hiệu quả cho hàng trăm hộ dân trong vùng ảnh hưởng thiên tai. Tiêu biểu như các công trình di dời 42 hộ dân ở bản Sim (xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát) có nguy cơ sạt lở đất đá; công trình kè dọc bờ sông Mã ổn định tại chỗ cho 32 hộ sinh sống dọc bờ sông Mã tại xã Hồi Xuân (huyện Quan Hóa) thường xuyên sạt lở do mưa lũ; các công trình kè bờ sông Mã tại thôn Kim Mẫn xã Cẩm Lương, tại thôn Sành, thôn Kìm, xã Cẩm Ngọc, đê bao chắn nước thôn Thung, xã Cẩm Thạch đều thuộc huyện Cẩm Thủy...


Ông Hồ Chí Thanh, Chi cục Phó Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: Nguyên nhân của việc nhiều dự án bị chậm là do khó khăn về kinh phí. Khi di dời mỗi hộ dân ở nội vùng chỉ được hỗ trợ 10 triệu đồng, vùng biên là 30 triệu đồng là quá thấp. Hơn nữa khi di dời, dân lại không được đền bù tài sản trên đất. Bên cạnh đó công tác tuyên truyền vận động của các cấp chính quyền chưa phát huy hiệu quả nên tư tưởng người dân còn chủ quan với ảnh hưởng của thiên tai.


Trước tình hình khí hậu diễn biến phức tạp, bão lụt thường xuyên xảy ra, nhiệm vụ quy hoạch bố trí dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai là cấp thiết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh này đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ vốn để triển khai dự án trong năm 2012 với số tiền là 50 tỷ đồng; khi di dời các hộ dân nội vùng được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ, hộ biên giới Việt-Lào 50 triệu đồng/hộ; hỗ trợ cộng đồng nhân dân xen ghép mức 70 triệu đồng/hộ.


Tuy nhiên, với tiến độ như hiện nay thì đến năm 2015, Thanh Hóa khó thực hiện được mục tiêu đưa 7.531 hộ dân còn lại ra khỏi vùng ảnh hưởng của thiên tai.

 

Bài và ảnh: Trịnh Duy Hưng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN