Tây Bắc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển

Ngày 15/2, tại Tuyên Quang, Ban chỉ đạo Tây Bắc đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2010, triển khai nhiệm vụ năm 2011. Phó Thủ tướng Trương Vĩnh TrọngTrưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và 14 tỉnh trong khu vực.


Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã biểu dương những nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành các nhiệm vụ công tác năm 2010 của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đồng bào các dân tộc trong vùng và Ban chỉ đạo Tây Bắc, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Tại hội nghị, phóng viên báo Tin Tức đã phỏng vấn Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc, về kết quả phát triển vùng Tây Bắc năm 2010 và giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc nói chung và 43 huyện nghèo nói riêng.

Xin Phó Thủ tướng cho biết kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc năm 2010?

Năm 2010, kinh tế các tỉnh trong vùng Tây Bắc tiếp tục ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP toàn vùng đạt khá cao 12,55%, tăng 3,17% so với năm 2009, thu nhập bình quân đầu người đạt 11,75 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 12.208 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2009. Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tiếp tục phát triển, xuất hiện thêm nhiều mô hình sản xuất hàng hóa đạt hiệu quả cao. Tổ máy số 1 Thủy điện Sơn La và nhiều dự án thủy điện trong vùng được đưa vào vận hành đúng tiến độ.

Chiến sĩ đồn BP313 (Thu Lũm) hướng dẫn người dân La Hủ về bản mới Là Si, xã Thu Lũm (Lai Châu) cách trồng và thâm canh rau đạt hiệu quả cao. Ảnh: Xuân Trường - TTXVN


Xây dựng kết cấu hạ tầng được đẩy mạnh, hệ thống đường bộ được cải thiện đáng kể. Mạng lưới trường lớp học được mở rộng và nâng cấp, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Riêng với 43 huyện nghèo trong vùng, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đã được triển khai đồng bộ, cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà dột nát, góp phần quan trọng đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng xuống 18,77%, giảm 3,85% so với năm 2009. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động, hiệu quả công tác từng bước được nâng lên.

Tuy vậy, dù kết quả đạt được là khả quan, Tây Bắc vẫn là vùng còn nhiều khó khăn, việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ còn tồn tại một số hạn chế. Đó là: Kinh tế hàng hóa chậm phát triển, nhiều tiềm năng lợi thế chưa được phát huy. Hiệu quả khoanh nuôi, tái sinh, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chưa cao; nạn đốt, phá rừng làm nương rẫy, gây cháy rừng còn xảy ra ở nhiều nơi.

Việc quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản ở một số địa phương làm chưa tốt, tác động tiêu cực đến môi trường. Bên cạnh đó, việc liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa Tây Bắc với các trung tâm, đầu mối giao lưu kinh tế đạt hiệu quả chưa cao.


Công tác phòng ngừa thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ sản xuất ở nhiều địa phương còn nhiều lúng túng; thu nhập người lao động thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao; chất lượng nguồn nhân lực chưa được cải thiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo của toàn vùng còn thấp hơn cả nước (toàn vùng tỷ lệ lao động qua đào tạo mới chỉ đạt 30,2% trong khi cả nước là 40%). Tội phạm buôn bán, vận chuyển chất ma túy còn diễn biến phức tạp; số đối tượng nghiện ma túy, HIV-AIDS còn lớn...

Để giúp nâng cao đời sống cho người dân vùng Tây Bắc nói chung và tại 43 huyện nghèo nói riêng, xin Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ có những giải pháp gì trong năm 2011?

Năm 2011 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, cùng với tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 9/1/2011 của Chính phủ, các địa phương trong vùng Tây Bắc cần tập trung quán triệt, triển khai sâu rộng Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; cụ thể hóa thành chương trình hành động thiết thực, huy động hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Cần chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và dạy nghề cho lao động nông thôn; mở rộng dịch vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở, cán bộ người dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật thông qua các hình thức hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân để thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, khai thác thế mạnh ở mỗi tiểu vùng, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa với quy mô thích hợp, đạt hiệu quả bền vững; phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái… là rất cần thiết.

Tây Bắc cũng phải huy động tổng hợp được các nguồn lực cho đầu tư mở rộng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng; chú trọng việc kết nối các tuyến đường giao thông huyết mạch, các công trình đầu mối để nâng cao hiệu quả vận tải; khuyến khích phát triển thủy lợi vừa và nhỏ, phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của dân cư tại địa bàn vùng cao, kêu gọi các tổng công ty, các doanh nghiệp đầu tư, giúp đỡ cho các huyện nghèo, cùng nhân dân xóa đói giảm nghèo bền vững; vận động các tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện ủng hộ các huyện nghèo.

Và cuối cùng, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tự mình xóa nghèo, tự mình vươn lên không ỷ lại; chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện; ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy, HIV-AIDS. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng lãng phí, tạo môi trường thuận lợi nhất cho thu hút đầu tư...

Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!


Quang Đán (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN