Tạo chuyển biến từ việc đưa trí thức trẻ về cơ sở

Thực hiện chủ trương đưa trí thức trẻ về cơ sở tại tỉnh Bạc Liêu, hơn 300 trí thức trẻ tuyển chọn từ các sinh viên tốt nghiệp đại học được đưa về công tác ở cơ sở đã bổ sung cho các xã, phường, thị trấn đội ngũ cán bộ trẻ được chuẩn hóa, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực.

Chị Chành Đa (sinh năm 1983, người dân tộc Khmer), Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh (huyện Hồng Dân) đã thể hiện sự tiến bộ, trưởng thành khá nhanh. Tốt nghiệp bác sĩ ngành Thú y trường Đại học Cần Thơ, về công tác tại UBND xã Lộc Ninh từ năm 2008, với nhiệm vụ chính là cán bộ phụ trách thú y, năm 2010 chị được kết nạp vào Đảng, năm 2011 được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách khối văn hóa - xã hội. Là người địa phương, có mục tiêu rõ ràng, nhiệt tình với công việc, chịu khó học hỏi, chị Chành Đa là một mẫu hình cán bộ trẻ mà chủ trương thu hút trí thức trẻ về công tác cơ sở hướng tới.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu trao quà cho các trí thức trẻ. Ảnh: baclieu.gov.vn

Chủ trương đưa trí thức trẻ về làm cán bộ cơ sở đã đem lại những hiệu quả cao, tuy nhiên từ thực tế công tác tại các địa phương cho thấy cũng còn một số bất cập. Từ năm 2009 đến nay, huyện Đông Hải đã tiếp nhận 64 trí thức trẻ tốt nghiệp đại học về công tác ở các xã, thị trấn, song hiện chỉ còn 50 người đang công tác ở cơ sở, có 2 sinh viên rút về huyện, số còn lại hoặc chuyển công tác khác hoặc nghỉ công tác do không hoàn thành nhiệm vụ. Khó khăn hiện nay là sự bất cập trong chế độ chính sách, nhất là điều kiện vật chất của một số xã còn thiếu thốn, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác của trí thức trẻ.

Trong khi đó, một số ít trường hợp chưa được phân công công việc đúng sở trường, nên chưa phát huy được năng lực và trình độ chuyên môn. Bên cạnh những khó khăn giống như Đông Hải, ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, việc phân công trí thức trẻ về thẳng xã, phường, thị trấn công tác không qua thời gian tập sự tại các ngành chuyên môn, là một trở ngại lớn cho các trí thức trẻ vì chưa có kinh nghiệm thực tiễn. Việc bồi dưỡng kỹ năng, chính trị cho trí thức trẻ cũng được nhiều đơn vị phản ánh với ý kiến nên thực hiện trước khi đưa trí thức trẻ về công tác ở cơ sở.

Vẫn còn nhiều khó khăn đối với trí thức trẻ về làm cán bộ cơ sở. Ảnh: baclieu.gov.vn

Thời gian tới, việc tuyển dụng trí thức trẻ ở Bạc Liêu sẽ do Hội đồng tuyển chọn của tỉnh thực hiện, sau đó sẽ phân bổ về cho các huyện, thành phố. Đối tượng tuyển chọn là sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy, thạc sỹ. Một số trường hợp tốt nghiệp hệ tại chức loại giỏi cũng sẽ được tuyển. Hội đồng tuyển chọn sẽ có bước phỏng vấn ban đầu để bố trí công tác cho phù hợp. Trí thức trẻ sẽ được bồi dưỡng kỹ năng và học hoàn chỉnh trung cấp chính trị trước khi bắt tay vào công việc.

Trí thức trẻ tùy theo năng lực, biểu hiện sẽ được đào tạo lãnh đạo, công chức cơ sở hay bổ sung cán bộ chuyên môn cho ngành tỉnh, huyện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đặt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 bình quân mỗi xã, phường, thị trấn có 8 - 10 trí thức trẻ; có 80% trí thức trẻ công tác ở xã, phường, thị trấn được tuyển vào công chức cơ sở, bố trí làm cán bộ chuyên trách, không chuyên trách. Đây sẽ là những cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn của tương lai.

Có 94 trí thức trẻ được kết nạp vào Đảng; 26 người được bổ nhiệm làm trưởng, phó các ban ngành; 9 người được bầu vào cấp ủy cơ sở; 1 Phó Chủ tịch HĐND; 7 Phó Chủ tịch UBND; 25 cán bộ được quy hoạch vào các chức danh chủ chốt xã, phường, thị trấn; 17 người được quy hoạch vào các chức danh trưởng, phó phòng ban cấp huyện, thành phố.


Cao Thăng
Bạc Liêu: Hiệu quả của chủ trương đưa trí thức trẻ về cơ sở

Thực hiện chủ trương đưa trí thức trẻ về cơ sở, ở Bạc Liêu đã hình thành “làn sóng” cán bộ mới ở cơ sở năng động, sáng tạo, tâm huyết với công việc, dám làm dám chịu trách nhiệm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN