Tấm lòng thơm thảo của lão nông người Hà Nhì

5 năm trở lại đây, mỗi năm ông Phu Lò Dé, dân tộc Hà Nhì, xã Ý Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai) thu 1 tấn thảo quả khô. Năm nay được giá, ông thu nhập hơn 150 triệu đồng.


Năm nào cũng vậy, số tiền làm ra sau khi tính toán trang trải việc gia đình, cho con ăn học, ông dành mua trâu, thóc giống, cho dân bản vay vốn sản xuất, thoát khỏi đói nghèo.

Ông Phu Lò Dé chăm sóc vườn cây. Ảnh: Phạm Khánh


Ông Dé tâm sự: "Tôi trước đây nghèo lắm! Nhờ trồng cây thảo quả tôi mới có nhiều tiền, thấy bà con nghèo, tôi cho họ vay tiền để làm ăn, thoát đói nghèo, ai lười làm, chỉ thích uống rượu thì tôi không cho vay. Từ năm 2005 đến nay, tôi đã cho hơn 100 lượt người vay, với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng".

Để có được sự giàu có như ngày hôm nay, lão nông người Hà Nhì này đã phải trải qua biết bao vất vả. Giữa cái đói năm 2000, ông "khăn gói" vào rừng một mình nằm hàng tháng trời gây dựng vườn ươm thảo quả với ý định táo bạo chuyển đổi cây trồng tạo bước đột phá thoát nghèo cho mình và dân bản. Ông mày mò xới đất, lật cỏ, trồng từng gốc thảo quả non dưới tán rừng và tìm mọi cách canh chừng thú rừng phá hoại.

Xã Ý Tý nổi tiếng là vựa thảo quả của huyện Bát Xát và của tỉnh Lào Cai, với diện tích hơn 1.000 ha, chiếm 50% diện tích và sản lượng toàn huyện. Nhiều đồng bào Dao, Mông đã trở nên giàu có nhờ chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao này. Tuy nhiên, người Hà Nhì ở thôn Chỏn Thèn và Hồng Ngài lại chưa trồng loại cây hữu ích này bao giờ.

Muốn vận động bà con trồng, ông Dé đi khắp các xã có phong trào và kinh nghiệm trồng thảo quả của người Mông, học hỏi kinh nghiệm, sau đó xin hạt giống về ươm, tự mày mò trồng thử rồi phổ biến kinh nghiệm cho bà con. Đi thực tế bền bỉ hàng tháng trời, ông mới học được cách trồng, chăm sóc, thu hoạch của người Mông. Khi đem về đất mình trồng, ông lại gặp khó khăn bởi lũ gấu, lợn rừng phá hoại bởi mầm và quả non vốn là thực đơn khoái khẩu của chúng. Vì vậy, muốn bảo vệ vườn thảo quả, ông phải đốt lửa xua đuổi chúng đi.

Thu hoạch và sấy thảo quả khô cũng là công việc phức tạp, đòi hỏi lòng kiên nhẫn và hiểu biết sâu. Sau khi tham khảo cách sấy của người Mông, ông rút ra cách sấy riêng với những bí quyết về thời gian, nhiệt độ lò, màu sắc ngọn lửa, thời gian đảo thảo quả… Nhờ đó, sản phẩm đạt các chỉ tiêu chất lượng, màu sắc vàng sẫm, được khách hàng ưa chuộng.

Đất không phụ công người, 5 năm trở lại đây, mỗi năm ông Dé đều thu được 1 tấn thảo quả khô. Ông Dé tâm sự: "Tôi có tiền còn cho dân bản vay làm kinh tế thoát nghèo. Nhà Ly Giờ Có, Phà Mờ Gió, Ly Seo Vù mấy năm trước vay tiền tôi mua trâu và trồng thảo quả thâm canh nay đã "có bát ăn, bát để".

Trong những năm tới, ông Dé dự định sẽ mở rộng thêm nương thảo quả ở khu rừng Sín Chải để có thêm cơ hội xóa đói nghèo cho nhiều hộ đồng bào ở đây.

Lục Văn Toán

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN