Sức sống mới trên bản nghèo vùng biên

Gần một tiếng đồng hồ vượt con đường mòn mấp mô sỏi đá dọc biên giới chúng tôi mới đến được bản Hùng Pèng, xã biên giới Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Cây ngô trở thành cây xóa đói, giảm nghèo ở Ma Ly Pho, Phong Thổ (Lai Châu).

 

Bản Hùng Pèng mới thành lập được 7 năm, với 100% là đồng bào dân tộc Dao của các xã, bản lân cận đến lập nghiệp. Bên chén trà nóng, trưởng bản Lý Pao Sài tâm sự: “Ngay từ khi thành lập bản, chính quyền địa phương và đặc biệt là Bộ đội Biên phòng, đã triển khai nhiều chương trình để giúp bà con dân bản khắc phục những khó khăn ban đầu như làm nhà, làm đường giao thông, hướng dẫn trồng chuối, ngô, lúa nước và các giống cây, con mới đem lại năng suất cao…”.


Giờ đây, đất sản xuất tại bản Hùng Pèng đã nhiều hơn, riêng đất trồng ngô là trên 50 ha, đất trồng lúa trên 45 ha cùng hàng trăm ha đất trồng chuối và cây ăn trái khác. Giao thông đi lại tuy còn khó khăn, nhưng xe máy vẫn có thể đi được bốn mùa. Bản đã có điện lưới quốc gia, có trường lớp để con em dân tộc học cái chữ… Hiện cả bản có 22/49 hộ khá và giàu. Đến bản vào những ngày này có thể thấy, hộ nào lúa ngô cũng chất đầy nhà. Những mái nhà tôn do Nhà nước hỗ trợ trước đây giờ đã được thay bằng nhiều loại khác, đẹp và chắc chắn hơn. Cuộc sống no đủ, đồng bào đã có điều kiện để chăm sóc con cái, mua sắm các phương tiện, đồ dùng sinh hoạt cho gia đình.


Cũng như nhiều hộ dân sống trong bản, trước kia, khi sống tại nơi ở cũ, kinh tế gia đình anh Lý Minh Bình không ổn định, thường xuyên đói ăn. Giờ chuyển sang bản mới Hùng Pèng, được sự giúp đỡ của chính quyền và cán bộ biên phòng, cuộc sống gia đình anh đã khá lên rất nhiều, có của ăn, của để. Anh Bình phấn khởi cho biết: “Mấy năm trước tôi chưa bao giờ nghĩ đến một cuộc sống no đủ như bây giờ đâu. Nhờ có Nhà nước quan tâm, hỗ trợ nên chúng tôi mới có được cuộc sống như hôm nay”. Hiện tại, gia đình anh Bình đang trồng 3 ha ngô và 2 ha chuối, trừ chi phí mỗi năm cũng cho thu nhập gần 100 triệu đồng.


Còn gia đình anh Lý Vần Ngan và Tẩn Vần Tờ, nếu không có các cán bộ địa phương và chiến sĩ biên phòng cùng giúp sức khai hoang đất, hướng dẫn kinh nghiệm chăm sóc, thì những vạt đồi bạt ngàn chuối của họ sẽ chỉ trong trí tưởng tượng. Từ mô hình trồng chuối, ngô và tăng vụ thêm một số loại cây lương thực khác, nhiều gia đình đã có thu nhập hàng chục triệu đồng/năm, một khoản tiền lớn đối với bà con dân tộc nơi đây…


Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, nhiều hộ gia đình trong bản còn đăng ký tham gia vào đội tự quản đường biên mốc giới, thường xuyên cùng Bộ đội Biên phòng đi tuần tra, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng vùng biên. Từ những ngôi nhà, những vạt đồi xanh đến con đường mòn dẫn vào bản… tất cả đều là mồ hôi, công sức, là sự đồng lòng, chung tay của quân và dân vùng đất khó này.


Ông Lý Chào Xuân, Bí thư Đảng ủy xã Ma Ly Pho cho biết: “Trước kia khi mới lập bản Hùng Pèng, ở đây còn rất hoang vu. Giờ thì những vạt núi hoang hóa mọc đầy cỏ dại đã được thay bằng màu xanh của cây trái. Nhiều hộ gia đình đã biết tự vươn lên thoát nghèo bằng chính đôi tay của mình”.


Thay đổi cách nghĩ của bà con dân tộc thiểu số không phải dễ dàng, và Hùng Pèng có được cuộc sống no ấm như hôm nay là nỗ lực của người dân trong bản. Họ đã vượt qua tư tưởng trông chờ, ỷ lại, biết tận dụng đất đai, kỹ thuật và dựa vào sức lực của mình để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

 

Bài và ảnh: Quang Duy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN