Sầu riêng - cây trồng chủ lực làm giàu cho vùng đất chiến trường xưa

Những ngày cuối năm về thăm miệt Cẩm Sơn, Hội Xuân, nằm bên sông Ba Rày thuộc huyện Cai Lậy (Tiền Giang), không khí lao động, sản xuất, mùa vụ thật vui. Bà con phấn khởi vì qua một mùa lũ an toàn nhờ các tuyến đê bao phát huy hiệu quả ngăn lũ lụt và triều cường, giúp chuyển đổi sản xuất hiệu quả ở vùng thuần nông từng chịu đựng nhiều thiệt hại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mừng vì giá những cây trồng chủ lực như mít siêu sớm Ba Lập, sầu riêng chất lượng cao Ri6 đang được giá 30.000 – 33.000 đồng/kg, nông dân thu được lãi lớn.

Nông dân xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, thu hoạch quả sầu riêng. Ảnh: đình huệ - TTXVN


Ông Lê Văn Tứ (rạch Chùa, ấp 4, Cẩm Sơn) hể hả bên những sọt đựng đầy sầu riêng Ri6 mới thu hoạch cho biết: "Vụ trái mùa gia đình tôi thu hoạch 4 công sầu riêng đạt trên 10 tấn trái. Thương lái mua tại chỗ với giá 33.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 150 triệu đồng nên mừng lắm". Con sông Ba Rày nối liền Đồng Tháp Mười ở phía bắc và với sông Tiền ở phía nam, đã đem nguồn nước ngọt mát lành và nguồn phù sa mầu mỡ bồi đắp cho miệt vườn Hội Xuân, Cẩm Sơn, Thanh Hòa... Đây là vùng căn cứ địa vững chắc của ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bị bom đạn quân thù tàn phá hết sức nặng nề.

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn nhớ lại: Ngày trước, vùng này không có mảnh vườn, miếng ruộng nào không dính bom đạn Mỹ. Hố bom, hố pháo lỗ chỗ. Hậu quả chiến tranh nặng nề và thuần nông là nguyên nhân khiến cuộc sống bà con nơi đây nghèo khó triền miên. Nhiều hộ dân thiếu đói lúc giáp hạt. Sau trận lũ lụt thế kỷ vào năm 2000 gây nhiều thiệt hại, xã đúc kết kinh nghiệm đối phó với thiên tai đồng thời phát huy vai trò mạng lưới đê bao ngăn lũ trong hai dự án Đông – Tây Ba Rày và Ông Mười – Trà Tân nhằm chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa bấp bênh thành vườn chuyên canh cây ăn trái đặc sản phía nam quốc lộ 1 tiếp giáp với sông Tiền.

Chớp thời cơ có một không hai, ông Lê Văn Tứ đầu tư cải tạo 4 công đất sang trồng sầu riêng chất lượng cao Ri6, cho năng suất cao, chất lượng trái tốt, được thị trường ưa chuộng và giá bán rất cao. Ở miệt vườn Tiền Giang, nhắc đến ông Tứ mọi người liên tưởng ngay đến mô hình trồng sầu riêng trái mùa cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, vườn sầu riêng Ri6 của ông đã bước sang năm thứ 8, đạt năng suất 25 tấn/ha. Sầu riêng là cây ăn quả khó tính đòi hỏi kỹ thuật thâm canh cao, công cán chăm sóc lớn và cần có vốn đầu tư. Ông Tứ cho biết, trồng sầu riêng, chăm sóc, xử lý cho cây ra hoa đậu trái mùa là cả một kỳ công và phải qua nhiều bước quan trọng: Chăm sóc hồi phục khi thu hoạch vụ trước, phun thuốc trừ sâu bệnh và chuẩn bị vụ sau, kết hợp sử dụng các loại phân bón cần thiết, chủ yếu phân bón lá, nuôi hoa, nuôi trái... Để có được vườn cây cho trái sum suê, đúng tiết, đúng thời điểm trái vụ có giá cao, đòi hỏi phải tính toán chu đáo và kỹ lưỡng không một sai sót của người chủ vườn.

Đất đai đã không phụ công lao khó nhọc của con người. Liên tiếp trong các năm qua, ông Tứ đều thành công với mô hình chuyên canh sầu riêng Ri6, góp phần nâng giống cây ăn quả đặc hữu này thành cây trồng chủ lực tại Cẩm Sơn, giúp nông dân làm giàu trên đất chiến trường xưa. Theo ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn, từ cách làm hiệu quả của ông Tứ được nhân rộng, hiện toàn xã có trên 600 ha sầu riêng chuyên canh. Bản thân ông Tứ từ một nông dân tay trắng, nhờ vào cây sầu riêng Ri6 đã trở thành tỉ phú miệt vườn Tiền Giang.

Minh Trí

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN