Răm Bot Bay Srây trong lễ cưới của người Khmer Nam Bộ

Người Khmer Nam Bộ có đời sống văn hóa đặc trưng hết sức đa dạng và phong phú. Lễ cưới truyền thống của người Khmer Nam Bộ diễn ra trong ba ngày với rất nhiều nghi thức liên quan đến Phật giáo. Chúng tôi xin lược ghi nghi thức RĂM BOT BAY SRÂY dưới đây:

Lễ vật để thực hiện Răm bot Bay srây được bày trí tại nơi tiến hành lễ, gồm: 2 mâm cơm, 2 con gà luộc, 2 mâm trầu cau, thon rôn, 2 cái ô đựng nước hương (ph’tel tuk op), 2 cái thố: một cái đựng Num khnhây (bánh gừng), Num Niêng Thôn (bánh tơ hồng), cái còn lại có 19 vắt cơm trộn mè, 19 miếng trầu cau, 19 khúc mía, 19 trái chuối, 19 bông vạn thọ và một cặp đèn cầy.

Lễ vu quy của thiếu nữ Khmer.


Múa bot bay sây là nghi lễ công nhận đôi nam nữ chính thức thành vợ chồng, từ đây họ sẽ ăn ở trọn đời với nhau.

Mở đầu, ông Môha quỳ gối, chắp tay khấn vái phật trời ban phước lành cho đôi trẻ và ông cho cô dâu và chú rể ngồi hơi nghiêng, đầu cúi xuống, để hai cánh tay song song bên nhau trên chiếc gối thêu bông gọi là An kui Ph’ tưm.

Đến nghi thức múa mở nắp mâm trầu, ông Môha với đạo cụ là thanh đao, thực hiện động tác múa chụp lấy thanh đao, giơ thẳng lên trời.

- Môha hô to: Chây hon!
- Mọi người dự cùng đáp: Chây!
- Môha hô tiếp: Suôs hon!
- Mọi người đáp Suôs!
- Môha lại hô Mên hon!
- Mọi người đáp Mên!

Truyền thuyết kể rằng: Xưa, có hai anh em ruột, người anh tên Chây, người em là Suôs tài đức vẹn toàn. Ngày kia, trong cung có biến, vua băng hà mà không có người nối ngôi. Các quan trong triều bàn bạc và nhất trí thả con voi quý ra với lời khấn nguyện: Con voi này mang được ai về hoàng cung, người đó sẽ nối ngôi!

Hoa cau ngày cưới.


Vừa được thả, lập tức voi đến thẳng nhà của hai anh em Chây, Suôs và quỳ mọp xuống. Hai chàng trai tài giỏi được voi đưa một mạch đến hoàng cung. Quan quân đứng chờ sẵn, tung hô: Chây hon! Suôs hon!

Từ đó, Chây làm vua, còn Suôs làm quan đầu triều.

Chọn hai nhân vật Chây, Suôs làm biểu tượng với ước muốn chàng rể tương lai khỏe mạnh, đủ đức đủ tài để chăm lo cho gia đình tương lai.

Tiếp theo, cùng với động tác múa, ông Môha, ông xoay thanh đao hất tung chiếc khăn hồng phủ lên mâm bay srây, với lời hát:

Ô s’bây ka sa
Banpi Têvôđa
Lôk đăc môk ôi
Răm dôk s’bây ruôch
Lôk đăc môt ôi
Ban sôc sua s’đây.


(Ơi mảnh khăn hồng/ Được từ Tê-vô-đa/ Ông Trời ban cho/ Múa lấy khăn xong/ Ông Trời ban cho/ Trăm năm hạnh phúc). Vừa hát xong, ông lại đặt thanh đao lên tay cô dâu, chú rể và hát tiếp:

Đao ơi, đao đêk
Đao lo-o cham-lêk
Đao môk pi Têvôđa
Ph’lê pi âu-puc
Srôm pi meat-đa
Môk pi Têvôđa
Chh’nas mea sat-trâu.


(Đao ơi đao sắc/ Đao đẹp tuyệt vời/ Đao của ông Trời/ Lưỡi đao là cha/ Vỏ đao là mẹ/ Được từ Tê-vô-đa/ Thắng quân gian tà)

Lễ thức này có nguồn gốc từ câu chuyện: Xưa, có hai thanh niên chơi thân với nhau. Ngày kia, một trong hai người chuẩn bị cưới vợ mới nhờ bạn đến giúp. Thấy vợ bạn xinh đẹp, người bạn nảy ý tà dâm, mưu hại bạn để cướp cô dâu mới.

Ngày cưới đến, mọi thứ chuẩn bị xong, nhưng khi kiểm lại thì thiếu cây đèn cầy, nên buộc phải tìm cho được sáp ong. Người bạn xấu kia rủ bạn vào rừng tìm ong mật để lấy sáp. Anh bạn thật thà, nghe lời bạn nên leo lên cây cao. Người kia mang cây rào khắp với ý đồ cho bạn mình chết ở rừng sâu. Anh ta vội về báo cho cô dâu rằng chồng cô đã bị gấu xé xác, trước khi chết chàng còn nhờ tôi làm chồng cô thay cho anh ấy.

Cô gái tin lời, lễ cưới vẫn được diễn ra. Chàng trai tốt bụng nhờ may mắn thoát chết vội trở về. Hiểu rõ ý đồ thâm độc anh rút gươm giết người bất nghĩa.
Điệu múa trao thanh đao cho cô dâu, chú rể nhằm biểu đạt ý nghĩa sức mạnh, chính nghĩa thắng gian tà, hạnh phúc chân chính sẽ được thanh long đao bảo vệ.

Ngày nay, do sự giao thoa văn hóa, nhiều nghi thức trong lễ cưới truyền thống của người Khmer Nam Bộ được giảm bớt hoặc thay đổi ít nhiều. Riêng nghi thức múa mở mâm trầu vẫn được người Khmer Nam Bộ gìn giữ và lưu truyền trong lễ cưới dân gian, xem đây như một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Thạch Ba Xuyên
Phục dựng nghi lễ cưới của người Dao Đỏ
Phục dựng nghi lễ cưới của người Dao Đỏ

Trong quá trình phát triển, sự giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ khiến bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc dần bị mai một. Dân tộc Dao Đỏ ở Tuyên Quang cũng không ngoại lệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN