Quảng Nam: Tăng năng suất nhờ thay đổi tập quán canh tác

Sử dụng các chế phẩm vi sinh trong việc xử lý phân xanh, phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng đã dần giúp thay đổi tập quán canh tác, góp phần ổn định đời sống của bà con dân tộc thiểu số. Hiện mô hình này đang được Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Quảng Nam triển khai rộng rãi tại các huyện miền núi của tỉnh.

Xã Sông Trà (thuộc huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) là một xã được hưởng chương trình 135 của Chính phủ. Phần đông các hộ trong xã là hộ nghèo và có trên 50% là đồng bào dân tộc thiểu số Cadoong và Mơnoong. Toàn xã có 39,5 ha diện tích sản xuất lúa nằm ở ven đồi, ven suối, quy mô nhỏ lẻ. Đây là một trong những địa phương khó khăn của tỉnh, vấn đề “an ninh lương thực” luôn được đặt lên hàng đầu. Năng suất cây trồng ở đây thường thấp hơn từ 30-50% so với vùng đồng bằng. Để bù số lương thực còn thiếu hụt, bà con phải phát nương rẫy để tỉa lúa, tỉa ngô, trồng sắn, dẫn đến một số diện tích rừng bị xâm hại, sản xuất không bền vững.

Lý do của tình trạng này, ông Hồ Văn Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Trà cho biết, do trình độ thâm canh của đồng bào dân tộc còn rất hạn chế. Người dân sản xuất lúa chủ yếu làm theo phương thức quảng canh, dẫn đến đất bị thoái hóa dần, khiến lúa thường bị sâu, bệnh, cỏ dại lấn át hoặc bị chuột phá hoại nặng. Mặt khác, việc sử dụng phân bón hóa học của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Do việc đi lại khó khăn, chi phí vận chuyển cao, nên nếu có đủ tiền mua phân bón, họ vẫn phải mua với giá cao, còn nông sản thường phải bán với giá rẻ. Đồng bào có tập quán “không sử dụng phân chuồng” nên hầu như sản xuất lúa không bón phân, lúa thường bị sâu bệnh, năng suất rất thấp.

Nông dân huyện Điện Bàn (Quảng Nam) cấy lúa xuân hè. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN


Được sự hỗ trợ của Dự án khoa học công nghệ nông nghiệp (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam), vụ đông xuân 2010-2011, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Nam đã phối hợp với trạm khuyến nông khuyến lâm huyện Hiệp Đức và UBND xã Sông Trà tổ chức mô hình thực nghiệm đồng ruộng “Sử dụng chế phẩm vi sinh vật trong việc xử lý phân xanh, phụ phế phẩm trong nông nghiệp để làm phân hữu cơ bón cho cây lúa” tại thôn 4 và thôn 6 (thuộc xã Sông Trà) với quy mô 5 ha. Có 40 hộ đồng bào thiểu số tham gia chương trình.

Theo đó, từ nguồn nguyên liệu có sẵn như: Phân chuồng chưa hoai mục, rơm rạ, cây phân xanh, mùn cưa, phế phẩm phụ nông nghiệp...; cùng với chế phẩm vi sinh Trichoderma sp (do Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh nghiên cứu), super lân và nước sạch, người dân đã có thể tạo ra một lượng phân hữu cơ đem ra bón ruộng.

Trước khi thực hiện mô hình, người dân được tham gia các lớp tập huấn về ứng dụng quy trình kỹ thuật. Tham gia làm mô hình đợt này, anh Hồ Văn Dương, người dân tộc Cadoong ở thôn 6, xã Sông Trà cho rằng, cách làm ra phân bón hữu cơ không khó. Chỉ cần rải một lớp rơm, phế phụ phẩm nông nghiệp khoảng 20-30 cm, một lớp mỏng phân chuồng, sau đó rải đều một lớp mỏng men vi sinh rồi dẫm chặt. Cứ như vậy làm từng lớp đến khi hết nguyên liệu, cuối cùng ủ một lớp rơm mỏng để bảo vệ. Sau ủ 5-7 ngày, tiến hành đảo lần 1, sau đó trung bình cứ 7-10 ngày đảo một lần.

Với 3 sào lúa làm theo mô hình, bà Hồ Thị Thẩm vui mừng cho biết, vụ đông xuân vừa qua mặc dù thời tiết rét lạnh, trời âm u kéo dài nhưng nhờ sự hướng dẫn của các cán bộ nông nghiệp và làm theo các bước kỹ thuật trong mô hình nên ruộng lúa phát triển tốt hơn nhiều so với lúa trồng đại trà. Trung bình mỗi sào ruộng, lúa ruộng của gia đình bà tăng gần 75 kg/sào, năng suất tăng 25-30% so với ruộng đối chứng.

Cũng theo ông Hồ Văn Sỹ, mô hình trên đã giúp người dân biết tận dụng được nguyên liệu hiện có nhiều ở vùng núi đồi để tạo ra nguồn phân hữu cơ dồi dào, góp phần vào việc thâm canh cây lúa nước đạt năng suất cao. Cũng thông qua các buổi tập huấn bà con biết sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc, đúng cách nên môi trường cũng ít bị ô nhiễm. Ngoài ra, khi làm nguyên liệu phân xanh, người dân đã phát quang bụi rậm, kết hợp với làm vệ sinh xung quanh ở ruộng mô hình nên đã hạn chế chuột phá hoại mùa màng. Còn tỷ lệ sâu bệnh phá hoại lúa của mô hình cũng không đáng kể.

“Thay đổi tập quán canh tác cho bà con dân tộc thiểu số, giúp bà con biết cách tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để làm phân bón cho lúa, nâng cao trình độ thâm canh lúa, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo là những hiệu ứng tích cực nhất mà mô hình mang lại. Việc đảm bảo được lương thực còn có tác dụng hạn chế được việc phát rừng làm rẫy, tỉa lúa. Với những diện tích phát tỉa lúa trước đây, bà con sẽ đưa vào trồng cây lâm nghiệp để tăng thu nhập và bảo vệ rừng đầu nguồn. Ngoài ra, với loại phân bón này, người dân có thể dùng để bón cho các loại cây trồng khác cũng sẽ có hiệu quả tương tự”, ông Võ Văn Nghi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư tỉnh Quảng Nam đã khẳng định như vậy.

Hứa Chung

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN