Pơr’ Ning bây giờ

Về Pơr’ Ning (xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam) nghe tiếng sơn nữ ca hòa cùng vi vu tiếng sáo, thánh thót tiếng đàn abel… để được đắm mình trong giai điệu xa ngái của núi rừng trầm mặc…


Sự tích lập làng Pơr’ Ning


Năm nay đã 83 tuổi nhưng già Cơ Lâu Năm vẫn nhớ như in về sự tích lập làng mình. Già kể rằng: Lúc ba của già sinh ra cũng là lúc Pơr’Ning mới được lập trên nền đất bây chừ; chứ trước đó, tộc của già sinh sống tận bên Lào, còn người Pơr’Ning chính cư thì sống ở bên kia đồi cạnh con suối Pơr’ Ning.


Hồi đó, chừng giữa thế kỷ XIX, tộc Cơ Lâu từ Lào vượt dãy Trường Sơn qua đây để tránh binh đao loạn lạc, dừng chân bên suối Pơr'Ning, thấy một ngôi làng có tên là Đhiêng, bèn xin già làng ở đây tá túc. Lúc đầu, ĐHiêng không chịu, nên dựng những mái rợp (chòi) bên rìa làng cho dân ngụ cư ở; 12 ngày sau, mới cho vào làng sống chung. Tuy nhiên, một năm sau, những di dân lại vượt qua bên kia đồi lập làng mới; và để tưởng nhớ tới con suối nơi dừng chân đầu tiên, họ đặt tên cho làng mới là Pơr’ Ning. Rồi một thời gian sau, những cư dân ĐHiêng cũng chuyển xuống đây sinh sống chung với di dân để tạo nên làng Pơr’ Ning đông vui như bây chừ…


Yên bình Pơr’ Ning.


Ở bên kia đỉnh đồi, suối Pơr’ Ning vẫn còn đó; dưới thung lũng hoang vắng năm xưa, 12 tộc họ - giờ đã không còn phân biệt dân chính cư, ngụ cư - vẫn sinh sống an hòa. Tình cờ, chúng tôi đến đây, mùa này, sớm nắng chiều mưa.


Những bản làng biên giới chênh vênh bên đỉnh Trường Sơn thi thoảng những cơn mưa rào bất chợt lại đổ xuống. Rồi sau cơn mưa, trời quang mây tạnh, từ trên dốc cao, những sơn nữ gùi hàng xuống núi; thanh niên trong làng tập trung đánh bóng chuyền trước sân gươl. “Trai tráng trong làng nhiều đứa đã đi ngủ Duông để chuẩn bị cho vụ rẫy Zơ Trăng tới, chứ không làng còn vui hơn nữa.” – già Cơ Lâu Năm nói.


Già làng Cơ Lâu Năm thổi khèn.


“Hồi trước, làng Pơr’ Ning không có như ri mô, chỗ mà dân làng đang ở hồi trước là chỗ của nương rẫy chênh vênh dốc đồi, mỗi nhà lẻ loi một hóc núi, đứng ở bên này ới nhau bên kia nghe, nhưng đến được thì phải vòng đến mấy dốc đèo”, dẫn chúng tôi đi một vòng quanh làng, già Năm vừa đi vừa kể.


Năm 2004, Nhà nước tiến hành san lấp mặt bằng, bà con chấp nhận di dời chỗ ở để cuối năm đó, khu tái định cư thôn Pơr’ Ning được khánh thành. “Đây! Gươl chính mới dựng của làng đây. Hồi trước làng cũng có gươl, nhưng gươl nhỏ lắm. Khi có chỗ ở rộng rãi rồi thì bà con mới dựng nên một cái gươl mới khang trang hơn” – chỉ tay về phía gươl to nhất, đẹp nhất ngụ chính giữa làng, già hồ hởi.


Múa tung tung za zá.


Trước đó, ông Bríu Quân, Chánh Văn phòng UBND huyện Tây Giang, đã cho chúng tôi biết, gươl Pơr’ Ning được coi là gươl đẹp nhất Quảng Nam. Đầu năm 2011, với sự hỗ trợ hơn 300 triệu đồng của UBND tỉnh, 50 triệu đồng của UBND huyện, người dân của cả xã Lăng đã đóng góp thêm tiền và vật lực để dựng một gươl mới. Trai tráng cả xã đều tự nguyện lên núi kéo gỗ dựng gươl; già Cơ Lâu Năm, Zơrâm Cuôl nhận nhiệm vụ thiết kế, điêu khắc họa tiết.


Đến ngày 2 tháng 9 năm đó, gươl được khánh thành. Trên cung đường Trường Sơn đã đi qua, tôi đã chạnh lòng khi nhìn những bản thể gươl “đội mũ bảo hiểm” với mái Poopl Pâng lợp tôn. ở đây, mái Poopl Pâng vẫn được lợp cói, bởi người dân vẫn thường xuyên vô đây đốt lửa sinh hoạt, mà có đốt lửa khói mới ám lên mái để gươl không hư. Khác nữa, quanh gươi chính còn có 10 gươl nhỏ tượng trưng cho sự đoàn kết của 12 tộc họ (Cơ lâu, A Lăng, ZơRâm…). “Ni là con rồng, Ni là con kỳ đà, Ni là con cú…Tất cả con vật mô có liên quan đến cuộc sống của dân trong gươl này đều có” – già Cơ Lâu Năm vừa chỉ tay vừa giới thiệu cho chúng tôi biết về những điêu khắc, họa tiết trên gươl làng mình…


Làng văn hóa tiêu biểu của người Cơ Tu


Đêm Pơr’ Ning xanh như huyền thoại. Buổi chiều, già Cơ Lâu Năm cùng nhiều thanh niên đã đến từng nhà để thông báo dân làng đón tiếp khách lạ. Già Zơrâm Cuôl thì chỉ đạo cho mọi người chuẩn bị mặc áo thổ cẩm truyền thống, và chuẩn bị những tiết mục cho một đêm liên hoan… Anh Bhnướch Lạc, Trưởng thôn Pơr’ Ning, cho biết: “Ở đây, đêm nào có khách lạ tới làng thì đêm đó trở thành đêm hội của làng”.


Mọi người ngồi quanh bếp lửa, bên một chum rượu cần, một mâm thịt gà… Tiếng đàn albel, tiếng sáo Alướt cất cao hòa theo điệu múa tung tung za zá. Thanh niên thì mặc khố, chân trần, tay nắm chắc tấm khiên và dáo, vừa bước đi với đôi tay vung lên cao vừa hú một cách hùng dũng; đàn bà thì mặc váy thổ cẩm, vươn đôi tay khoe dáng cùng đất trời. Giữa gươl, bếp lửa vẫn đỏ rực, làm sáng lên những đôi má sơn nữ... “Anh thấy không. Bếp lửa tựa như trung tâm, tựa như mặt trời mà mỗi cá nhân trong vòng tròn tự xoay quanh mình ẩn dụ cho sự luân chuyển giữa ngày và đêm” - anh Bhnướch Lạc nói.


Nấu cơm lam.


Vẫn đỏ rực bếp lửa. Người thì hát lý, người thì nói lý. Rồi uống rượu cần. Cái thú uống rượu cần ở đây không như nơi khác, phải cần nhiều vòi hút. Ởđây, chỉ cần một cái vòi cắm vào chum và cần một nữ thanh niên trẻ đẹp để hút rượu ra những cái cốc vót bằng tre cho mọi người uống. Già làng Cơ Lâu Năm giải thích rằng, uống rượu như vậy mới hợp vệ sinh, mình phải thay đổi một chút tục lệ để được văn minh hơn.


Già Cơ Lâu Năm, Zơrâm Cuôl được xem là bảo tàng sống của người Cơ Tu. Mọi người ngồi vòng quanh bếp lửa mà mê mải tiếng đàn Albel của già Cơ Lâu Năm, cũng như mê mải với tiếng khèn Albel của già Zơrâm Cuôl. Rồi thì chị Cơ Lâu Thị Nhinh cũng góp vui bằng bài hát lý, chị được xem là người hát lý hay nhất ở Pơr’ Ning, hồi trẻ đã biết bao anh chàng mê mẩn bởi tiếng hát của chị…


Bếp lửa vẫn đỏ rực. Người trong đoàn chúng tôi cũng góp thêm vui bằng những tiết mục ngâm thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Dũng, Lê Trường Long, Huỳnh Trương Phát. Rồi tiếng ghita ngân vang chan hòa cùng giọng hát của anh Nguyễn Cường – một giáo viên ở Đông Giang…


“Pơr’ Ning được xem là một trong những làng Cơ Tu tiêu biểu, là không gian bảo tồn văn hóa thứ hai sau làng văn hóa Cơ tu ở Tây Giang với đầy đủ những nét văn hóa truyền thống được duy trì” – ông Bríu Quân đã nói với chúng tôi lúc trưa. Ở đây, những lễ hội truyền thống như mừng lúa mới, làng mới… cùng các ngày mừng Đảng đón xuân, ngày đất nước thống nhất, ngày thương binh liệt sĩ… hằng năm đều được tổ chức.


Ở “làng điểm” này, các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát vẫn tồn tại. Nhiều già làng, nghệ nhân điêu khắc, chơi nhạc cụ truyền thống, là những “từ điển sống” về văn hóa Cơ Tu. Khách du lịch cả Tây lẫn Việt vẫn thường xuyên đến đây. Ông Bríu Quân cho biết, trong thời gian tới huyện sẽ biến Pơr’ Ning thành điểm khai thác du lịch. Tôi mường tượng đến ngày đó, chẳng biết bản sắc văn hóa có bị lay động không bởi những hỗn tạp văn minh của bộn bề cuộc sống dưới xuôi?


Khuya, mọi người đã ra về. Bếp lửa vẫn đỏ rực. Mát rượi tâm hồn khi soải tay nằm ngủ trên sàn gươl. Cần chi đến Pơr’ Ning vào dịp lễ hội, có đến đây vào ngày thường cũng đủ để biết được một cách thật nhất, sinh động nhất nét văn hóa thường ngày của người Pơr’ Ning. Đêm đại ngàn ngà ngà say, mơ về lễ hội đâm trâu vào cuối mùa rẫy Zơ Trăng. Khi ấy, trên gươl sẽ treo đầy những bó lúa tươi non, những tiếng ca sẽ vang lên theo nhịp tung tung za zá, trong tiếng rền vang của chiêng trống ngày hội làng…



Bài và ảnh:Thiên Lý

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN