Phong Tục 'Khờ Chan' - sự biết ơn công cụ lao động của người Mông

Mỗi một công cụ lao động sản xuất đều có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống của đồng bào Mông, nó không chỉ là biểu tượng của sức mạnh của người đàn ông miền núi mà còn là phương tiện sản xuất không thể thiếu trong đời sống của đồng bào. Vì vậy mỗi dịp tết đến xuân về, người Mông huyện Trạm Tấu, Yên Bái có phong tục "Khờ Chan" - rửa và trang trí cho công cụ lao động để nó nghỉ ngơi trong mấy ngày tết, thể hiện sự biết ơn đối với công cụ lao động, trở thành một nét đẹp văn hóa trong ngày Tết

Từ xa xưa trong lao động sản xuất, người Mông ở vùng cao Trạm Tấu luôn coi các công cụ lao động như cuốc, xẻng, dao phát là những vật không thể thiếu trong lao động sản xuất, do đặc thù địa hình vùng cao đồi núi dốc, các thửa ruộng bậc thang có diện tích nhỏ, nên các phương tiện lao động thủ công rất tiện ích, sự ra đời của các nông cụ lao động này cũng gắn liền với truyền thống sản xuất của đồng bào Mông.

Trước đây công cụ lao động chỉ được rèn thô sơ đủ sắc để cuốc xuống giúp đất tơi xốp hơn để trồng cấy, càng về sau khi nhu cầu về lương thực càng nhiều thì công cụ lao động càng được cải tiến tốt hơn, lưỡi cuốc dày và sắc hơn, bản quốc to hơn để phù hợp với những chân ruộng bậc thang nhỏ hẹp. Tập quán sản xuất nương rẫy cùng những dụng cụ lao động này đã gắn bó mật thiết với văn hóa của người Mông.

Hình ảnh người Mông vui xuân. Ảnh: vov.vn.


Anh Phàng A Dê: hôn Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu chia sẻ: "Đối với người Mông chúng tôi thì những dụng cụ lao động như cuốc, xẻng, dao phát là những vật không thể thiếu trong sản xuất. Nhờ có dụng cụ lao động này mà chúng tôi sản xuất ra lương thực để nuôi sống bản thân và gia đình, dụng cụ lao động cũng như người thân vậy luôn được chúng tôi yêu quý và bảo vệ, giờ cải tiến thêm để phù hợp với sản xuất."

Không chỉ có ý nghĩa đặc biệt trong lao động sản xuất, mà trong đời sống tâm linh dụng cụ lao động cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nó thể hiện cho sức mạnh của người đàn ông miền núi, vì vậy nhà nào có nhiều dụng cụ lao động sắc, tốt, bền thì chứng tỏ đàn ông nhà đó mạnh khỏe, siêng năng. Vì thế khi tết đến xuân về thì người đàn ông trong nhà có trách nhiệm rửa sạch công cụ lao động, trang trí cho dụng cụ lao động và cất vào một chỗ trang trọng nhất gần bàn thờ để dụng cụ lao động được nghỉ ngơi.

Thông thường vào ngày 26, 27 tháng 12 âm lịch là lúc đồng bào Mông ngừng lao động sản xuất để chuẩn bị đón tết. Công việc đầu tiên là những người đàn ông trong gia đình mang dụng cụ lao động ra rửa sạch và chuẩn bị giấy để dán. Giấy dán cho dụng cụ lao động là giấy có màu đỏ giống như vàng mã của người Kinh, người đàn ông khéo léo cắt giấy thành những mảnh nhỏ và dán vào từng dụng cụ. Theo lý giải của họ thì việc dán giấy vào dụng cụ giống như đặt tên cho người, mỗi dụng cụ một mảnh giấy riêng để không lẫn với nhau và biết tên nhau. Đây cũng là cách người Mông "tri ân" những dụng cụ lao động gắn bó mật thiết với mình hàng ngày

Anh Phàng A Vư, thôn Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu cho biết: " Phong tục này đã có từ rất lâu đời, chúng tôi cũng được ông cha truyền lại, việc rửa dụng cụ và cho nó nghỉ ngơi trong mấy ngày tết là thể hiện tấm lòng biết ơn với công cụ lao động đã vất vả cả năm giúp con người sản xuất ra lương thực để nuôi sống bản thân và gia đình."

Mỗi dân tộc có một nét văn hóa đặc trưng riêng biệt, góp thêm cho nền văn hóa Việt nam thêm phong phú, người Mông ở Trạm Tấu từ bao đời nay luôn lưu giữ phong tục Khờ Chan, như tấm lòng biết ơn với tổ tiên, đã sáng tạo ra những nông cụ lao động giúp họ sinh tồn trước thiên nhiên khắc nghiệt.


Đức Tưởng (TTXVN)
Giúp học sinh tìm hiểu nét văn hóa, phong tục Tết

Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” giúp hơn 9.000 học sinh Nam Định tiếp cận phương pháp mới hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN