Phong tục dựng nhà của người Mông ở Bảo Yên

Bảo Yên là huyện cửa ngõ của tỉnh Lào Cai, là địa bàn sinh sống từ lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số như Tày, Mông, Dao. Cùng chung sống trên một địa bàn nhưng mỗi dân tộc ở đây đều tạo dựng và gìn giữ cho mình một bản sắc riêng không lẫn với bất kỳ dân tộc nào.


Qua những phong tục, tập quán sinh sống, sinh hoạt văn hóa và tạo lập cuộc sống, đồng bào các dân tộc đã góp vào sắc màu văn hóa Bảo Yên sự đa dạng, đa sắc màu. Về Bảo Yên, chúng tôi có dịp tìm hiểu nét độc đáo trong cách thiết kế nhà ở của đồng bào Mông nơi đây.


Ở Bảo Yên, người Mông tập trung sinh sống ở những triền núi cao như xã Tân Tiến, xã Điện Quan, Thượng Hà, xã Vĩnh Yên. Nếu đồng bào Tày thường tập trung ở những ven suối và triền núi thấp thì đồng bào Mông thường chọn cho mình những đỉnh núi cao để làm nhà và định cư lâu dài. Cũng từ đây, người Mông trong hành trình mưu sinh, đã tạo dựng được một nền văn hóa riêng, một tiếng nói riêng của mình, không giống các dân tộc anh em khác.


Sở dĩ có được điều đó là do người H'mông thường gắn liền với nông nghiệp, canh tác chủ yếu bằng nương rẫy, làm ruộng bậc thang, người dân tự chăn nuôi, trồng cây làm vải may mặc, tự đúc kết công cụ, đồ trang sức... từ đời này qua đời khác phục vụ nhu cầu và sự sinh tồn của mình.

Bản định cư của người dân Lùng Ác.


Chúng tôi đến bản Mông Lùng Ác (xã Vĩnh Yên- Bảo Yên), nơi đây có khoảng hơn 30 nóc nhà nằm quần tụ xung quanh những triền núi cao. Những ngôi nhà của người Mông ở đây gần như bằng nhau, không quá lớn mà cũng không quá nhỏ, kiên cố và vững chãi trên những triền đồi.


Nghe ông trưởng bản kể về phong tục thiết kế nhà ở của đồng bào mới biết, tuy đơn sơ về nơi ăn chốn ở nhưng người Mông nơi đây rất cầu kì và cẩn thận, đặc biệt là những điều kiêng kị khi dựng nhà. Từ khâu tìm đất ở đến khi dựng khung nhà đều có những cách làm mang tính văn hóa của người dân nơi đây.


Người H’Mông ở Lùng Ác rất coi trọng việc xem hướng nhà, ngày lành tháng tốt để dựng nhà. Đồng thời, chọn ngày để làm các việc cúng lễ, thờ tổ tiên. Sau đó họ xem khu đất mà mình chuẩn bị làm nhà, long mạch có hợp với tuổi của chủ sắp làm ngôi nhà đó không.


Sở dĩ đồng bào nơi đây coi trọng hướng nhà bởi từ xa xưa, người Mông thường có cái nhìn phóng khoáng, cao rộng. Họ thường chọn vị trí trên cao của đỉnh núi để làm nhà và điểm nhìn phía trước ngôi nhà phải thoáng, rộng và xa. Điều này hoàn toàn phù hợp với cách nghĩ và lối sống của đồng bào Mông từ bao đời.


Khi xác định vị trí làm nhà, người Mông có những thuật và cách làm rất riêng và độc đáo. Vào khoảng 6 giờ 30 đến 7 giờ tối thì người ta đi xem hướng nhà. Ở vị trí sắp chuẩn bị làm nhà, họ đào ba lỗ to bằng ba bát con ăn cơm.


Sau đó họ dùng búa nện cho ba lỗ đó bằng phẳng, mỗi lỗ sẽ được đóng thêm một chiếc que nhỏ bằng chiếc đũa, dài khoảng 2cm. Mỗi lỗ sẽ tượng trưng cho một điều mà người Mông thường quan niệm. Bát giữa tượng trưng cho gia chủ, nhà có bao nhiêu nhân khẩu thì cho bấy nhiêu hạt gạo vào.


Theo người Mông, bát ở bên phải tượng trưng cho đàn gia súc của mình, ví dụ như: Lợn, gà,... Còn bát bên tay trái tượng trưng cho đàn trâu, bò. Làm như vậy, là để xem chủ nhà sắp chuyển sang chỗ ở đó có chăn nuôi được hay không. Ba cái bát đó phải được úp thật chặt vào ba cái lỗ đã được đào, cho dù là con kiến cũng không đủ để xây tổ. Sau đó mỗi bát đốt ba nén hương, ba bát, chín nén hương.


Rạng sáng hôm sau, chủ của ngôi nhà lật ba chiếc bát lên xem vị trí đặt bát vào lỗ có như cũ không. Nếu cả ba cái bát và tất cả những vật mà người ta để hôm trước vẫn giữ ở nguyên vị trí thì là tốt, còn nếu bị mất đi dù chỉ một hoặc hai hạt gạo thì họ cho là không tốt, buộc chủ nhà không được làm nhà ở chỗ đó nữa mà phải đi xem chỗ khác.


Người Mông ở đây quan niệm, nếu cố tình làm nhà ở vị trí đã chọn thì chăn nuôi gia súc sẽ không thuận lợi, nhiều bệnh tật. Có trường hợp mà hạt gạo di chuyển lên chiếc que thì báo hiệu ở chỗ đó rất tốt và điều tốt đẹp sẽ đến với chủ nhà.


Thường thì địa hình nhà ở của người H’Mông do làm trên những triền núi cao, không phẳng nên phải san mặt bằng thì mới làm được nhà. Trước khi san nền để dựng nhà, chủ của ngôi nhà bắt một con gà trống to, đẹp, lông mượt, gáy to sau đó mổ để xem chân gà tốt hay không.


Họ cho rằng nếu chân gà báo điềm tốt thì khi anh em họ hàng đến giúp để xây tường đất bao quanh sẽ không bị đổ, còn nếu không tốt thì khi xây lên đến đâu sẽ đổ đến đó. Hơn nữa, ngày chọn làm nhà không được trùng với tuổi của chủ nhà.


Trong thiết kế ngôi nhà, phần rất quan trọng đó là tường đất bao xung quanh. Chọn lấy những thớ đất đỏ, dẻo và nạc để trộn lẫn rơm, vôi làm tường bao. Tường được xây rất dày, kiên cố, tạo nên sự vững chãi cho ngôi nhà ngay từ mặt đất. Hơn thế nữa, sau khi xây tường xong, người Mông còn khuân đá ở ven suối về bọc xung quanh tường và nền cho cao và chắc.


Việc thiết kế cột trong mỗi gian nhà của người Mông cũng khá cầu kì. Đối với ngôi nhà ba gian thì có bốn vì, và có bốn cột cái to, tám cột khuân, ở ngoài có bốn cột hiên. Ngôi nhà khang trang thì hai mái đầu hồi có thêm bốn cột hiên ở hai biên hồi nhà. Bốn dầm nhà được đóng theo bốn vì từ dưới lên trên nóc nhà.


Sau đó các xà nằm bên trên bốn dầm, bốn dầm nằm ngang không xuyên qua khung nhà. Ở trên nóc nhà có một chiếc xà nằm theo chiều ngang, người ta sẽ đục ba cái lỗ, ba cái lỗ đó phải đục vừa với ba đồng tiền bạc. Từ lâu, khi dựng nhà, người Mông ở đây thường lấy một đồng tiền đóng vào ba lỗ đó để cầu mong sự giàu sang phú quý và no ấm.


Sau khi hoàn thiện mọi thủ tục mang tính phong tục, ngày hôm sau, ngôi nhà sẽ được dựng lên. Rạng sáng, khi mặt trời chưa mọc, anh em họ hàng gần đấy sẽ đến giúp dựng gian thứ nhất lấy giờ, lấy ngày.


Sau đó, khi anh em gần xa cũng đến đông đủ, họ sẽ tiến hành dựng các gian khác. Buổi chiều khoảng một giờ, chủ nhà mời riêng hai ông đầu bếp mỗi người một chén rượu rồi giao nhiệm vụ cho hai người mổ một con lợn để mừng nhà mới, cúng thần linh và tổ tiên, thết đãi anh em. Buổi tối sau khi dựng nhà xong, là thời gian mừng vui nhất của chủ nhà. Dù chưa hoàn thiện tất cả mọi việc xong họ cũng dọn về ở nhà mới, lập bàn thờ thổ công và tổ tiên ở giữa nhà, nổi bếp lửa và làm cỗ mừng nhà mới.


Cứ như vậy, từ đời này sang đời khác, đồng bào Mông ở Lùng Ác nói riêng và ở Bảo Yên nói chung đã duy trì và truyền lại những phong tục trong khi dựng nhà, nơi che mưa, che nắng từ bao đời của mình. Những quan niệm tuy có màu sắc duy tâm nhưng phù hợp với lời ăn, tiếng nói, là một nét đẹp văn hóa và quan niệm nhân sinh của đồng bào Mông nơi đây.



Bài và ảnh:N.T.L

Người Mông ở Hoa Dì Hồ hồ hởi dựng nhà ở vùng đất mới
Người Mông ở Hoa Dì Hồ hồ hởi dựng nhà ở vùng đất mới

Với mục tiêu hỗ trợ bà con người Mông ở bản Hoa Dì Hồ, xã Bản Hon, huyện Tam Đường (Lai Châu) thoát khỏi cảnh sống biệt lập, gặp nhiều khó khăn, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Tam Đường đã quyết định vận động bà con chuyển đến nơi ở mới thuận lợi và an toàn hơn trước mùa mưa lũ...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN