Phong trào thi đua học lên cao ở một ấp của đồng bào Khmer

“Ở đây các cháu ham học lắm. Nhà này có con học đại học, là nhà khác lấy đó làm gương phấn đấu. Dù đường xa cách trở, dù khó khăn về kinh tế, nhưng nhiều bà con vẫn gắng vượt qua để đi đến thành công”, Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng ấp, ông Dương Sóc, đã giới thiệu như vậy về phong trào học tập của người dân ở ấp Đại Úi, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng).

Đầu tư cho học tập ngày càng được các bậc phụ huynh đồng bào Khmer quan tâm.


Phú Mỹ là vùng sâu của huyện Mỹ Tú với hơn 93% dân số là đồng bào Khmer. Nhiều hộ còn khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào ruộng, rẫy, vườn. Việc đi lại, giao thương và học hành của người dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn. Vượt qua mọi trở ngại, các thế hệ con cháu người Khmer ở đây luôn hướng đến tri thức bằng tất cả niềm tin và nghị lực của mình, trong đó ấp Đại Úi là một điển hình.

Theo anh Thạch Minh Lây - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, ấp Đại Úi được xem là vùng đất hiếu học điển hình. Đây cũng là ấp có số hộ gia đình văn hóa cao nhất trong xã (575/654 hộ dân trong ấp). Hầu như gia đình nào trong ấp Đại Úi cũng có con đi học, nhiều gia đình có con học đại học, cao đẳng. Thậm chí, không ít gia đình có 3 - 4 thế hệ làm giáo viên. Hiện, trong ấp có hơn 50 em đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh. Điều đặc biệt ở nơi đây là ý thức tự học của con em dân tộc, bất kể là nhà nghèo hay nhà giàu. “Các cháu tự học là chính, chứ bố mẹ nhiều khi còn không biết chữ hoặc suốt ngày đi làm đồng, tối về mệt lấy sức đâu mà bảo ban và dạy dỗ chúng” - anh Lây cho biết thêm.

Điển hình cho phong trào hiếu học của ấp là gia đình ông Sơn Sene, cả nhà của ông hiện có 3 thế hệ với 7 người (chưa kể con cháu dâu trong nhà) theo nghề giáo. Đến nay, tuổi đã gần 90, đôi mắt vẫn tỏ tường, ông thường xuyên dạy kèm, động viên con em và những học sinh nghèo trong phum sóc. Ngoài gia đình ông Sene, ấp Đại Úi còn có hai gia đình khác cũng có 3 thế hệ đều là giáo viên như gia đình ông Lý Linh (7 người làm giáo viên), gia đình ông Thạch Sên (5 người), cùng nhiều gia đình có 2 thế hệ là giáo viên.

Không chỉ nhà giàu mới đầu tư cho con em mình đi học, mà cả những hộ nghèo như anh Trần Thol cũng hết mình vì “sự học” của các con. Anh Thol, cho biết: "Nhà nghèo thiệt, nhưng tôi đã quyết tâm xây dựng nếp sống gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo. Ngày ngày, vợ chồng tôi đi làm thuê, nhưng vẫn nuôi 3 đứa con ăn học đàng hoàng. Nay, các con của tôi đều đã trở thành giáo viên. Bây giờ, con cháu ăn học đến nơi đến chốn ai cũng ngoan hiền, lễ phép chào hỏi mỗi khi khách đến nhà nên tôi thấy rất vui".

Anh Thạch Minh Lây cho biết thêm: Nhờ sự đầu tư của Đảng, Nhà nước nên diện mạo nông thôn của đồng bào nơi đây đã đổi khác từng ngày. Để giúp người dân ổn định được cuộc sống, đẩy mạnh giao thương hàng hóa, vươn lên làm giàu, xã Phú Mỹ đã được đầu tư gần 10 tỷ đồng để xây dựng nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng như trường học, cầu, đường... Riêng với ấp Đại Úi, tính đến nay, ấp đã xây dựng gần 150 căn nhà theo quyết định 167 và chương trình 134 của Thủ tướng Chính phủ, trên 80% hộ có điện sử dụng nước sạch sinh hoạt. Là ấp có gần 100% hộ Khmer, trước năm 1994, Đại Úi được xem là một trong những ấp nghèo nhất của xã Phú Mỹ, với tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Nhưng đến nay, tỷ lệ hộ giàu khá chiếm trên 60% và tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 26,5%. Đời sống kinh tế xã hội của đồng bào được nâng lên đã khơi dậy mạnh mẽ khát vọng đến với tri thức của con em người Khmer ở vùng sâu.

Để tiếp tục giữ vững và phát huy phong trào học tập của con em đồng bào, Hội Khuyến học của xã có nhiều mô hình hoạt động thiết thực nhằm gây quỹ, khen thưởng kịp thời bằng vật chất những học sinh nghèo hiếu học, học sinh có thành tích xuất sắc... Tuy giá trị của mỗi món quà không nhiều lắm nhưng đã tác động rất lớn đến tinh thần và nghị lực các em, giúp các em và gia đình của mình hiểu và trân trọng hơn vùng đất gieo con chữ này. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp này, các thế hệ con em ở Đại Úi tốt nghiệp ra trường, thành đạt đã tự nguyện quyên góp quỹ khuyến học tiếp sức cho đàn em nơi quê nhà. Có thể thấy, bên cạnh sự hỗ trợ từ các dự án, nghị lực vươn lên trong cuộc sống của bà con Khmer nơi đây, chính là điều quý giá để nhiều gia đình trở thành gia đình hiếu học.

Bài và ảnh: Chanh Đa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN