Phong Thổ phát triển giao thông nông thôn

Xác định giao thông nông thôn là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, với sự hỗ trợ của Nhà nước và huy động từ các nguồn đầu tư, đặc biệt là nguồn lực trong nhân dân, huyện Phong Thổ (Lai Châu) đã tập trung xây dựng giao thông nông thôn, góp phần thay đổi căn bản giao thông nông thôn ở huyện Phong Thổ.

Xã Nậm Xe là một trong những xã biên giới khó khăn của huyện Phong Thổ. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, Ban chỉ đạo xã đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay thực hiện các tuyến đường giao thông nội bản, giao thông liên bản; sửa chữa, nâng cấp, làm mới các công trình để đáp ứng nhu cầu sản xuất, đi lại và học tập của nhân dân, học sinh. 

Giai đoạn 2011 - 2015, toàn xã đã có hơn 10 km đường nội bản được bê tông hóa, đạt 50,3%; 2,9 km đường liên bản được cứng hóa. Ông Lừu Văn Chớ, Chủ tịch UBND xã Nậm Xe cho biết: Trong xây dựng NTM, xã Nậm Xe đã vận động nhân dân đóng góp 40 triệu đồng và tham gia 3.382 ngày công lao động, 120 m2 đất, để thực hiện các công trình tại xã. Hiện nay, cùng với việc tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay thực hiện chương trình NTM, xã đang xin hỗ trợ kinh phí để xây dựng một số tuyến đường liên bản.

Cầu treo giúp người dân xã Mường So, Phong Thổ đi lại dễ dàng.

Theo báo cáo từ Phòng Công Thương huyện Phong Thổ, tính đến giữa năm 2016, toàn huyện có 783,9 km đường giao thông, trong đó có 368 km đường xã, liên bản; 314 km đường được cứng hóa, chiếm 44,8%; 100% số xã có đường ô tô đến được trung tâm các xã đi lại được 4 mùa; 71% số thôn bản có đường ô tô đi được đến bản. Với các tuyến đường nội bản, toàn huyện có 186 bản với khoảng 199,2 km đường, trong đó đã cứng hóa được 83,5 km, chiếm 42%; còn lại là mặt đường đất, nhỏ hẹp, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa.

Người dân xã Sin Suối Hồ chung sức làm đường bê tông nội bản.

Ông Bùi Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: Công tác quản lý, bảo trì khai thác các tuyến đường giao thông nông thôn đã được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện. Mỗi năm huyện cân đối, phân bổ từ 2,5 - 2,8 tỷ đồng cho việc quản lý, bảo trì và khai thác. Tuy nhiên, do chiều dài tuyến đường lớn nên công tác sửa chữa và duy tu thường xuyên các tuyến đường còn hạn chế. Nhu cầu để thực hiện thì nhiều nhưng ngân sách hạn chế, đó cũng là khó khăn của Phong Thổ trong việc phát triển giao thông nông thôn.

Những con đường liên bản cũng đã được bê tông hóa.

Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Phong Thổ phấn đấu sẽ có 50% số xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông; 80% số thôn bản có đường ô tô đi được đến bản. Đồng thời, huyện sẽ cải tạo nâng cấp 19 tuyến đường từ trung tâm xã đến bản, liên thôn bản với tổng chiều dài 206,6 km.

“Tận dụng những nguồn vốn của Nhà nước, huyện sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp cứng hóa và phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn. Quản lý tốt các tuyến đường đã được đầu tư xây dựng cũng như bố trí kinh phí đáp ứng được nhu cầu quản lý bảo trì, duy tu thường xuyên các tuyến đường”, ông Bùi Văn Sơn, cho biết.


Bài và ảnh: Quang Duy
Kiên Giang tạo diện mạo mới giao thông nông thôn
Kiên Giang tạo diện mạo mới giao thông nông thôn

Tỉnh Kiên Giang đang phấn đấu đến năm 2020 xây dựng khoảng 1.420 km đường, vốn đầu tư 1.420 tỷ đồng, đạt trên 80% các tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa hoặc nhựa hóa, đặc biệt là ở các xã giáp biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN