Pác Củng: Rạng rỡ sắc màu cuộc sống mới

Vào một ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, chúng tôi có dịp trở lại thôn Pác Củng, xã Thượng Nông, huyện Na Hang (Tuyên Quang). Pác Củng hôm nay đang đổi thay từng ngày, cái đói, cái nghèo dần được đẩy lùi, đời sống của bà con dân tộc có nhiều khởi sắc.

Thôn Pác Củng hiện có 42 hộ dân, gồm 2 dân tộc Sán chí và Dao đỏ sinh sống. Trước đây, muốn vào được thôn phải vượt qua con đèo Thôm Sinh mất 4 – 5 giờ đồng hồ đi bộ. Từ năm 2003 - 2006, bằng nguồn vốn Chương trình 135, với tổng kinh phí trên 1,9 tỷ đồng, con đường vào thôn đã được nâng cấp với chiều dài trên 10 km, rộng 4 m.

Bà con dân tộc ở Pác Củng dựng nhà mới nhờ chương trình 167. Ảnh: Khiếu Thư


Năm 2009, bằng nguồn vốn dự án RIDP, thôn Pác Củng tiếp tục được hỗ trợ làm mới hơn 1 km đường giao thông nông thôn, với kinh phí gần 300 triệu đồng. Nhờ vậy, giờ đây chỉ mất chưa đầy 1 giờ đồng hồ đi xe máy vượt đèo là có thể đi từ trung tâm xã vào thôn một cách dễ dàng. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Ngọc Báu phấn khởi cho biết: Tháng 9/2010, công trình đưa điện lưới về thôn Pác Củng với trị giá 5,1 tỷ đồng đã bắt đầu triển khai. Sau 4 tháng nỗ lực cao độ của tập thể các cán bộ, kĩ sư, công nhân Điện lực Tuyên Quang và Điện lực Na Hang, công trình gồm 5,3 km đường dây cao thế, 1 trạm biến áp 50 KVA và 4,2 km đường dây hạ thế đã được hoàn thiện; điện đã về đến Pác Củng.

Niềm mong mỏi từ bao đời nay của bà con các dân tộc nơi đây đã trở thành hiện thực. Có điện sẽ là nguồn động lực để dân bản vươn lên thoát nghèo! Tiếp lời ông Báu, Trưởng thôn Pác Củng, Trần Văn Lên cũng không giấu được niềm vui: Ngày đầu tiên điện về bản, cả làng vui như trảy hội. Từ ngày có điện, đời sống tinh thần của bà con được nâng lên rõ rệt. Nhiều gia đình đã sắm được các thiết bị đắt tiền như đài, ti vi… Có điện, bà con sử dụng để chạy máy xay xát, làm đường bê tông, tưới tiêu cho đồng ruộng, đúng như chủ trương xây dựng điện, đường, trường, trạm để miền núi tiến kịp miền xuôi, góp phần thúc đẩy phong trào xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc nơi đây.

Chúng tôi ghé thăm gia đình chị Tráng Thị Hàm. Cả gia đình chị đang quây quần bên chiếc ti vi mới mua. Chị cho biết: “Có điện, gia đình tôi quyết định mua ngay chiếc ti vi này. Từ ngày có điện sáng và ti vi xem, cuộc sống của gia đình vui vẻ hẳn lên, chỉ một lúc nữa thôi là bà con trong bản đến chật nhà xem thời sự, phim ảnh và cùng nhau bàn luận rôm rả, nhờ thông tin mà bà con trong bản nắm được các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Có điện rồi qua ti vi, chúng tôi cũng biết được cách phòng bệnh tránh rét cho đàn gia súc, gia cầm hiệu quả, các mô hình làm ăn kinh tế giỏi, các ứng dụng khoa học kỹ thuật được cập nhật… tất cả thông tin đều được bà con nghe, xem và học hỏi kinh nghiệm làm ăn”.

Đến Pác Củng hôm nay, những ngôi nhà dột nát, xiêu vẹo đã dần được thay thế bằng những ngôi nhà sàn kiên cố, vững chắc. Nhờ sự hỗ trợ giúp đỡ của Nhà nước theo Chương trình 167 làm nhà cho hộ nghèo, năm 2010, thôn có 11 hộ được hỗ trợ làm nhà mới. Chúng tôi đến gia đình anh Bàn Văn Quang, một trong những hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà mới năm 2011, ngôi nhà sàn đang trong giai đoạn hoàn thiện với sự giúp sức của rất đông bà con trong bản. Anh Quang cho biết, được Nhà nước hỗ trợ 8,4 triệu đồng làm nhà mới, gia đình anh đã bàn bạc chọn ngày đẹp và nhờ bà con trong bản dựng nhà để thay thế ngôi nhà dột nát trước kia. “Ở đây bà con nhiệt tình lắm, cứ nhà nào có công to, việc lớn gì, cả bản lại kéo nhau đến giúp. Gia đình tôi nếu không có dân làng giúp đỡ thì không biết đến bao giờ mới hoàn thiện được ngôi nhà bởi không có tiền thuê công thợ”- anh Quang tâm sự.

Có đường, có điện nên việc học cho con em cũng được bà con thôn Pác Củng đặc biệt quan tâm. Được Nhà nước hỗ trợ, Pác Củng đã xây được ngôi trường làng kiên cố; 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường. Có cái chữ, biết đọc sách báo, cái dạ của bà con cũng sáng hơn, vì vậy, các hủ tục lạc hậu trong đám cưới, đám ma đã giảm dần. Gia đình nào có người ốm, bà con không để ở nhà để trừ ma, trừ tà nữa mà đã đưa đi trạm xá, bệnh viện khám chữa kịp thời. Đời sống kinh tế, xã hội của bà con thôn Pác Củng đang ngày một ấm no trên con đường xóa đói, giảm nghèo.

Khiếu Thư

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN